Giá thịt lợn tăng mạnh nhưng nhiều DN lớn trượt cơ hội kiếm lãi đậm
(VNF) - Diễn biến giá heo tích cực nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi trên sàn chứng khoán lại có phần phân hoá.
Lợi nhuận phân hoá
Tiếp nối quý I, giá heo trong quý II tiếp tục ghi nhận tăng mạnh và duy trì ở mức cao, giá bình quân cả nước đạt 68.000 đồng/kg theo ghi nhận của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS). Cũng như đà tăng của giá heo, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp chăn nuôi trên sàn chứng khoán cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) là một trong những doanh nghiệp phản ánh rõ rệt diễn biến giá heo trong kết quả kinh doanh. Theo đó, sản lượng heo của doanh nghiệp trong quý II đạt hơn 144.000 con, nâng tổng sản lượng heo luỹ kế 6 tháng đầu năm lên hơn 252.000 con, cao gấp 1,8 lần cùng kỳ.
Doanh thu từ mảng chăn nuôi heo trong quý II tăng gấp 4,7 lần cùng kỳ, đạt 806 tỷ đồng, chiếm hơn nửa doanh thu của doanh nghiệp. BAF lãi sau thuế gấp gần 4 lần cùng kỳ, đạt 35 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết diễn biến giá heo là một trong những nguyên nhân giúp cải thiện kết quả kinh doanh, đồng thời giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng giảm 10-20% so với giai đoạn trước, góp phần tăng hiệu quả chăn nuôi.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) cũng cho biết doanh thu mảng chăn nuôi đã tăng 30% trong nửa đầu năm so với cùng kỳ nhờ sản lượng và giá heo hơi ổn định so với năm 2023. HPG đã cung cấp gần 300.000 con heo trong 6 tháng đầu năm. Riêng trong quý II, dù doanh thu mảng nông nghiệp chỉ tăng nhẹ 4%, đạt 1.542 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng trưởng mạnh ở mức 317% (gấp 4 lần) cùng kỳ.
Ở diễn biến ngược lại, “trùm chăn nuôi” Tập đoàn Dabaco (HoSE: DBC) lại bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi khiến tổng đàn chăn nuôi heo sụt giảm. Bất chấp diễn biến tăng của giá heo hơi, kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị chăn nuôi thành viên của DBC vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Kết quả, doanh thu thuần quý II của doanh nghiệp giảm 8%, đạt 3.185 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 55%, đạt 145 tỷ đồng. Ngoài ra, sự sụt giảm trong kết quả kinh doanh của DBC còn đến từ việc không còn ghi nhận doanh thu từ mảng bất động sản như cùng kỳ năm ngoái.
Một số ông lớn ngành chăn nuôi khác cũng không đạt được kết quả trong quý II có thể kể đến như Công ty cổ phần Masan MEATLife (UPCoM: MML), Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (UPCoM: VSN), Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG).
Với MML, doanh thu thuần quý II tăng 5% so với cùng kỳ, đạt 1.790 tỷ đồng nhờ sự tăng trưởng doanh thu từ mảng thịt ủ mát và mảng thịt chế biến. Lợi nhuận gộp tăng gấp đôi, đem về 428 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chi phí trong kỳ vẫn neo cao, do doanh nghiệp đẩy mạnh các chương trình quảng cáo khuyến mãi. Kết quả, MML lỗ sau thuế 32 tỷ đồng.
Điểm sáng của doanh nghiệp là khoản lỗ đã được thu hẹp đáng kể so với cùng kỳ (lỗ 179 tỷ đồng) cũng như so với các quý trước đó, trong khi chiến lược tăng chi cho quảng cáo và khuyến mãi đã được duy trì trong một thời gian dài cho đến nay.
Với HAG, doanh thu bán heo trong quý II ghi nhận gần 320 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2023. Ngược lại, lãi gộp từ mảng bán heo lại tăng 67%, đạt hơn 85 tỷ đồng. Sự biến động ngược chiều này cho thấy HAG đã kiểm soát khá tốt chi phí đầu vào của mảng heo.
Chủ tịch HAG trước đó cũng nhận định tăng trưởng theo quý trong thời gian tới với mảng heo sẽ chưa có. Điểm rơi lợi nhuận của mảng heo dự kiến là quý IV/2024 và đến năm 2025, doanh số heo sẽ vượt doanh số trái cây.
Với VSN, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chủ yếu là chế biến thịt, do đó việc giá heo tăng cao đã ảnh hưởng tới chi phí đầu vào và lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo đó, doanh thu thuần quý II giảm 11%, đạt 721 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 4,5%, đạt hơn 26 tỷ đồng.
Giá heo chưa hạ nhiệt
Sau khi tăng mạnh, giá heo đã điều chỉnh giảm từ giữa tháng 6, còn 66.000 đồng/kg vào cuối quý II. VCBS cho rằng có 2 nguyên nhân chủ yếu của sự điều chỉnh này. Thứ nhất, giá heo tăng do nguồn cung heo sụt giảm dưới tác động của dịch tả heo châu Phi từ giữa năm 2023 và heo từ Campuchia khó về, heo Thái vẫn được chào bán nhưng khó làm giấy tờ, nắng nóng khiến lưu chuyển heo giữa các miền khó khăn hơn, hao hụt trên đường đi cao hơn.
Thứ hai, giá heo giảm từ giữa tháng 6 do nguồn cung heo miền Trung dồi dào trong khi tiêu thụ chậm, lưu chuyển heo sang các vùng khác chậm lại do thương lái có thêm lựa chọn từ heo Campuchia, kéo theo giá tiếp tục giảm để tăng lượng bán ra Bắc/vào Nam.
Dự báo trong thời gian tới, VCBS cho rằng giá heo có thể tiếp tục duy trì trong vùng giá hiện tại, nhưng khó tăng mạnh trở lại do nguồn cung heo miền Trung vẫn dồi dào, giá sẽ được điều chỉnh phù hợp để tiếp tục đưa ra Bắc hoặc vào Nam. Với thị trường miền Nam, lượng heo chạy dịch vẫn còn, bên cạnh đó heo từ Campuchia và Thái Lan vẫn về đều nên giá khó điều chỉnh tăng trở lại.
Tuy nhiên, lượng thịt heo nhập khẩu có dấu hiệu giảm. Ngoài ra, sau dịch tả lợn châu Phi, các doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi đều trong quá trình tái đàn và cần đến tháng 12/2024 mới có nguồn cung mới ra thị trường, do đó giá thịt heo có thể không giảm mạnh trong thời gian tới.
Còn theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, dịch bệnh tả lợn châu Phi còn nhiều phức tạp, giá thị heo dự kiến duy trì ở mức trung bình từ 65.000 – 75.000 đồng/kg đến hết nửa đầu năm 2025 và giảm nhiệt kể từ nửa cuối năm 2025, khi nguồn cung heo nội địa ổn định trở lại.
MBS cho rằng các doanh nghiệp/hộ chăn nuôi theo hình thức trang trại khép kín sẽ giành được lợi thế nhờ vào khả năng kiểm soát điều kiện ăn uống, môi trường sống, khả năng kiểm soát chất lượng đầu vào của đàn lợn, hạn chế được dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đấy, khi có sự thuận lợi về điều kiện chăm nuôi và thị trường giá heo hơi, các doanh nghiệp khép kín sẽ dễ dàng tái đàn và cung cấp thêm thương phẩm ra ngoài thị trường.
Ngoài ra, ngành chăn nuôi dự kiến tiếp tục được hưởng lợi từ giá đầu vào giảm nhiệt trong năm 2024 và duy trì ổn định ở mức nền thấp trong năm 2025. . Tính từ năm 2023 đến nay, đã có 7 đợt giảm giá thức ăn chăn nuôi. Mới nhất, trong tháng 5/2025, giá thức ăn chăn nuôi lại hạ trung bình 150 đồng/kg. MBS dự báo giá nguyên vật liệu nhập khẩu tiếp tục duy trì ở mức nền thấp nhờ vào nguồn cung dồi dào trên thế giới.
FAO dự báo nguồn cung ngô trên toàn thế giới tăng 3% so với niên độ 2022-2023, đạt 1.251 triệu tấn, nguồn cung đậu tương tăng 5% so với niên độ 2022-2023, dự kiến đạt 437,6 triệu tấn. Sản lượng đậu tương giảm ở Brazil sẽ được bù đắp bởi sản lượng từ Ấn Độ và Trung Quốc, do đó giá nhập khẩu ngô và đậu tương trong năm 2024 sẽ không có biến động bất thường và tiếp tục được duy trì ở mức nền thấp.
Giá lợn phục hồi, nhiều ‘ông lớn’ ngành chăn nuôi vẫn chưa thể vực dậy
- Giá heo tăng vùn vụt, cổ phiếu chăn nuôi đua nhau tăng trần 17/05/2024 03:00
- 'Ông lớn' thức ăn chăn nuôi De Heus hoàn tất nghĩa vụ thuế theo yêu cầu 04/06/2024 09:00
- Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam: Chốt năm 2023, có 3.500 tỷ đồng gửi ngân hàng 23/03/2024 08:52
Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.