Thị trường

Gia vị Việt bước ra thế giới: Cần chấp nhận tiêu chuẩn nếu không muốn 'rớt từ vòng gửi xe'

(VNF) - Tại buổi Tọa đàm “Kinh tế gia vị từ góc nhìn của nhà kinh doanh”, các diễn giả là những chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đều nhận định, nền kinh tế gia vị của Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Nhưng để phát huy được đúng tiềm năng, cạnh tranh được với nước ngoài, các doanh nghiệp còn phải làm thật tốt khâu chất lượng và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của thế giới.

Gia vị Việt bước ra thế giới: Cần chấp nhận tiêu chuẩn nếu không muốn 'rớt từ vòng gửi xe'

Ông Nguyễn Trung Dũng - Chủ tịch HĐQT – TGĐ Dh Foods giới thiệu các sản phẩm gia vị trưng bày bên lề tọa đàm.

Từng có nhiều năm sống và làm việc tại Ba Lan, Nguyễn Trung Dũng – Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Dh Foods cho biết, trong những năm đầu sống tại đây, gia vị Việt Nam rất hiếm hoi. Trong các siêu thị của Ba Lan chỉ có sản phẩm của doanh nghiệp Thái Lan. Những năm 1990, để tìm được sản phẩm của Việt Nam đủ tiêu chuẩn vào châu Âu thì phải nói là quá khó. Sau khi về Việt Nam và nghĩ đến chuyện khởi nghiệp, ông Dũng đã có dịp đi khắp đất nước và thấy được sự đa dạng, phong phú của gia vị trên khắp các vùng miền của Việt Nam. Ông kể: “Khi đó tôi nghĩ rằng sao gia vị Việt Nam phong phú vậy mà mình không thử. Đầu tiên chúng tôi nghĩ đến muối Tây Ninh”.

Nghĩ là làm, nhưng cái khó đầu tiên ông Dũng gặp phải là không tìm được nhà cung cấp như ý. Đến khi tìm được nhà cung cấp đáp ứng được yêu cầu thì lại gặp phải rào cản tiêu chuẩn. Ông muốn nhà cung cấp áp luôn các tiêu chuẩn khắt khe như không sử dụng màu, không dùng chất bảo quản… thì họ lắc đầu phản ứng vì “tại sao Việt Nam cho dùng màu, dùng chất bảo quản mà các anh lại không?”

Trong câu chuyện về việc phát triển các loại gia vị Tây Bắc như chẩm chéo, mắc khén, ông Dũng kể: “Khi tôi đưa vào siêu thị họ nghi ngờ hỏi: cái này là gì vậy? Có ai mua không? Tôi nói: có chứ! mấy cái này giới trẻ đang rất thích, sẽ bán được. Vậy họ nói: được rồi cho các anh vào, 3 tháng không được thì ra. Đến nay chúng tôi đã đi vào hệ thống siêu thị thành công và bán rất được”. Ông Dũng cho biết hiện nay, bên cạnh thị trường nội địa, Dh Foods cũng đã xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ…

“Tuy số lượng còn ‘bé nhỏ’ thôi nhưng tôi rất tự hào khi thấy các sản phẩm gia vị của Việt Nam bán được trên các siêu thị của Nhật Bản. Tôi hi vọng Việt Nam sẽ bắt kịp ngành gia vị của Thái Lan. Vì Việt Nam đa dạng vùng miền từ miền núi đến biển và có sự giao thoa văn hóa rất đa dạng. Thế giới bây giờ họ rất chuộng các loại sản phẩm bản địa, sản phẩm mang đậm nét vùng miền văn hóa”, ông Dũng nói.

Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Phúc Sinh Group cũng chia sẻ về kinh nghiệm bước ra thị trường thế giới của Phúc Sinh. “Điều đầu tiên khi bắt đầu khởi nghiệp cách đây hơn 20 năm là vượt qua thói quen thụ động cố hữu của doanh nghiệp Việt, bằng cách “xách balo lên và đi”. Tôi tìm đến các hội chợ, tiếp xúc với các khách hàng khắp thế giới”, ông kể.

“Đó là cách để tiếp cận với thế giới. Thứ nhất thấy họ làm đẹp quá, mình cố gắng làm đẹp như họ. Thứ hai là các tiêu chuẩn. Mình phải đáp ứng các tiêu chuẩn của họ thì mới vào thị trường của họ.” Theo ông Thông, chất lượng là yếu tố quan trọng nhất. Vì làm có đẹp đến thế nào mà chất lượng kém thì không thể nào vào thị trường thế giới được.

Nhận định thị trường nguyên liệu của Việt Nam rất lớn, số 2 về gạo, số 1 tiêu, số 2 về cà phê… ông nhận mạnh điều mà các sản phẩm của Việt Nam đang cần là chất lượng. “Giữ được chất lượng là chúng ta giữ được khách hàng, giữ được thị trường”, ông Thông khẳng định và nhấn mạnh điều quan trọng là phải trì chí, phải biết tự nâng cấp mình lên.

“Trong quá trình hội nhập chúng ta phải nâng cấp mình lên, nâng chất lượng, kiên nhẫn hơn với giấy tờ, kiên nhẫn hơn với các tiêu chuẩn… có thể hơi khắc nghiệt, nhưng đó là sự thật, chúng ta phải chấp nhận”, ông Thông nói thêm.

Chia sẻ về khó khăn trong việc thuyết phục các doanh nghiệp làm theo tiêu chuẩn, bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch hội DN HVNCLC cho hay: “Trong cuộc đời làm xúc tiến 25 năm của tôi, tôi thấy không gì khó bằng việc thuyết phục doanh nghiệp lấy tiêu chuẩn.” Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp không chịu làm tiêu chuẩn thì không thể nào hội nhập với thế giới được.

“Bây giờ chúng ta làm quảng bá gia vị cho thật lớn lên rồi ra nước ngoài họ hỏi tiêu chuẩn đâu mà mình không có thì rớt từ vòng gửi xe luôn”, bà Hạnh nói thêm.

Dẫn lại kinh nghiệm của bản thân, ông Thông kể, như Phúc Sinh khi mới đi ra thị trường thế giới gặp rất nhiều vấn đề, khi đó tiêu của Việt Nam không được đánh giá cao như tiêu của Ấn Độ, Brazil, Indonesia… Lúc đó chúng ta xuất khẩu tiêu thô rất nhiều, sau đó chúng tôi thấy rằng phải tập trung vào chế biến. Đến năm 2009 Phúc Sinh xây nhà máy tiệt trùng, sản xuất tiêu tiệt trùng xuất sang châu Âu. Đến nay thì Phúc Sinh đã có nhà máy tiêu sấy lạnh, có lẽ là một trong những nhà máy tiêu sấy lạnh đầu tiên trên thế giới. “Mặc dù bây giờ quy mô còn nhỏ, nhưng rất có triển vọng” – ông Thông nói, và đó cũng là cơ sở cho thấy “nếu dám thay đổi thì không có nghĩa là Việt Nam không thể bắt kịp thế giới”.

Chia sẻ về tầm quan trọng của việc đáp ứng tiêu chuẩn bằng kinh nghiệm thực tế xuất khẩu nước mắm, bà Ong Thị Kim Ngân – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khai thác thủy hải sản chế biến nước mắm Thanh Hà – Phú Quốc cho biết, khởi đầu thị trường của Thanh Hà là thị trường xuất khẩu chứ không phải nội địa. Năm 1993, công ty xuất khẩu đi Hàn Quốc. Đến năm 1998, Thanh Hà là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu đi châu Âu, sau đó là thị trường Nhật Bản, Mỹ và Úc.

“Ban đầu để được chấp nhận xuất khẩu đi châu Âu thì rất là khó khăn. Khi đó các chuyên gia châu Âu đến kiểm tra nhà máy, chúng tôi đã phải rất khó khăn để giải thích cho các chuyên gia châu Âu về quy trình sản xuất nước mắm. Sau đó rất may là nhớ ra châu Âu có sản phẩm phô mai cũng sử dụng quá trình lên men tương tự như khi chúng ta làm nước mắm”.

Nhưng bà Kim Ngân cho rằng dù khó khăn thì vẫn phải đi ra thế giới để thực sự biết họ lớn mạnh như thế nào. “Đến năm 2003-2004 Thanh Hà mới chủ động tham gia các hội chợ quốc tế. Lúc đó khá là choáng ngợp vì không nghĩ rằng thị trường nó lớn như vậy. Mà không cần phải so sánh đâu xa, so với Thái Lan thôi rất là mệt mỏi rồi”, bà Ngân nhớ lại.

Hơn nữa, theo bà Kim Ngân, đi ra thế giới cũng là để học hỏi cách họ làm, cách họ quảng bá sản phẩm. Bà Ngân lấy dẫn chứng, chẳng hạn các nước như Thái Lan, Hàn Quốc họ đã kết hợp rất tốt việc quảng bá ẩm thực với văn hóa – du lịch.

“Các lễ hội du lịch họ đều kết hợp quảng bá văn hóa, ẩm thực, và sản phẩm bản địa rất hiệu quả. Họ đã làm và làm rất thành công. Đây là sự hỗ trợ cho doanh nghiệp thiết thực và hiệu quả nhất”, bà Ngân nói.

Tuy nhiên, cũng theo bà Ong Thị Kim Ngân, để quảng bá rộng rãi sản phẩm cho người tiêu dùng cả trong nước lẫn thế giới thì một mình doanh nghiệp không thể làm được, phải có vai trò của hội và các cơ quan xúc tiến thương mại tham gia vào thì khi đó mới có thể có sự tác động và lan tỏa đủ lớn.

1.000 sản phẩm gia vị sẽ xuất hiện trong lễ hội “Tinh hoa gia vị Việt“

Tọa đàm “Kinh tế gia vị từ góc nhìn của nhà kinh doanh” nằm trong khuôn khổ Lễ hội Tinh hoa Gia vị Việt. Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 28/4 - 1/5/2022 tại tòa nhà 81 tầng – LandMark 81, Vinhome Central Park, TP. HCM, quy tụ hơn 50 gian trưng bày của các doanh nghiệp chuyên về gia vị với hơn 1.000 loại sản phẩm.

Lễ hội do Hội Doanh nghiệp HVNCLC, Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu LBC, Hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM (FFA), Hiệp hội nước mắm truyền thống và Trung tâm Bảo tồn Văn hóa Ẩm thực Việt Nam phối hợp tổ chức.

Tin mới lên