Giàn khoan 64 triệu USD của PVD ‘đắp chiếu’: Vẫn chưa rõ hướng giải quyết

Thanh Long - 13/03/2018 16:23 (GMT+7)

(VNF) – Việc giàn khoan 64 triệu USD do PVN và PVD góp vốn phải tạm dừng hoạt động đang khiến 2 doanh nghiệp này rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: chuyển nhượng nội bộ không khả thi do khó khăn về tài chính, nhưng nếu chuyển nhượng cho đối tác khác thì lại gây thiệt hại rất lớn.

VNF
Gian khoan 64 triệu USD do PVD sở hữu trên 62% đang bị dừng hoạt động

Năm 2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã cùng Tổng công ty Khoan & Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) và một số đối tác khác thực hiện Dự án Hợp tác kinh doanh (BCC) giàn khoan nửa nổi nửa chìm TAD. Dự án đưa vào khai thác từ tháng 10/2011. Tổng số vốn góp 64.581.826 USD, trong đó các đơn vị tham gia góp vốn gồm: PVN 23%, PVD 62,43%, các nhà đầu tư khác 14,57%.

Thông tin mới đây từ PVN cho biết, hoạt động của giàn khoan TAD trước năm 2015 với giá thuê theo hợp đồng 205.000 USD/ngày là tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây do giá dầu giảm sâu dẫn đến hoạt động khoan dầu khí suy giảm hợp đồng cung cấp dịch vụ khoan đối với giàn khoan TAD giảm giá, không gia hạn được hợp đồng và kết thúc vào 3/11/2016.

PVN đánh giá, với hiệu quả hoạt động của giàn khoan TAD tại thời điểm hiện nay không đạt được kỳ vọng do ảnh hưởng của giá dầu giảm sâu nên việc xử lý vướng mắc về đầu tư theo Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) là rất khó khăn.

Cụ thể, PVN hoặc PVD khó tìm đối tác khác để chuyển nhượng vốn đầu tư vào TAD trong thời điểm hiện nay, do hiệu quả hoạt động của giàn khoan TAD không đạt như kỳ vọng, giàn khoan tạm dừng hoạt động.

"PVD là đơn vị đang trong thời kỳ khó khăn về thu xếp tài chính để nhận chuyển nhượng giá trị đầu tư của PVN tại giàn khoan TAD và sẽ rất khó được các cổ đông/HĐQT khác của PVD thông qua việc chuyển nhượng nêu trên (người đại diện phần vốn của PVN tại PVD không có quyền biểu quyết)", phía PVN cho hay.

Với những nguyên nhân nêu trên, PVN kiến nghị: "Việc PVN chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng vốn của PVD đầu tư tại giàn khoan TAD tại thời điểm hiện nay là không khả thi, trường hợp bắt buộc PVN phải chuyển nhượng cho đối tác khác sẽ làm thiệt hại rất lớn về tài chính cho PVN".

Để thực hiện theo Luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước, PVN cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu phương án chuyển nhượng vốn theo quy định và giảm thiểu thiệt hại cho PVN, dự kiến sau khi giàn khoan TAD ký được hợp đồng khoan với Talisman vào năm 2019.

Cùng chuyên mục
Tin khác