Giao thông tuần qua: 50 triệu USD chạy thử tàu Cát Linh - Hà Đông, 'chúa chổm' Sông Đà xin làm cao tốc Bắc - Nam
Chí Bình -
07/06/2020 08:56 (GMT+7)
(VNF) - Tổng thầu Trung Quốc đề nghị thanh toán 50 triệu USD để chạy thử tàu Cát Linh - Hà Đông, nhưng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định phía Việt Nam không xem xét đề nghị này; Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng chỉ định Tổng công ty Sông Đà thầu làm một số dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dù doanh nghiệp này đang nợ ADB khoảng 114,8 triệu USD... là những thông tin giao thông đáng chú ý trong tuần qua.
4.827 tỷ đồng xây 22,7km cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ
Bộ GTVT vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, dự án có điểm đầu tại Km107+363,08 - kết nối với dự án cầu Mỹ Thuận 2 thuộc địa phận TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối tại Km 130+337 (nút giao Chà Và, kết nối Quốc lộ 1 hiện hữu) thuộc địa phận thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; tổng chiều dài tuyến là 22,97 km.
Tuyến đường thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100km/h; mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe; mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Với quy mô đầu tư nói trên, tổng mức đầu tư dự án 4.827,32 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 2.891,51 tỷ đồng, sử dụng 100% vốn ngân sách Trung ương theo Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công.
Hiện dự án đã được cân đối bố trí 932 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ GTVT (Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 15/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ). Do dự án được bố trí một phần kinh phí thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nên sẽ là dự án chuyển tiếp trong giai đoạn 2021-2025.
Theo quy định của Luật Đầu tư công (Điều 51 và Điều 52), Bộ GTVT xác định đây là công trình quan trọng cấp bách của ngành và sẽ ưu tiên cân đối, bố trí phần còn lại (3.895,32 tỷ đồng) để hoàn thành dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và báo cáo Chính phủ, Quốc hội chấp thuận để triển khai thực hiện. Theo yêu cầu của Thủ tướng, dự án sẽ khởi công năm 2020, cơ bản hoàn thành năm 2022, hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2023. (Xem thêm)
Sông Đà xin thầu làm cao tốc Bắc - Nam dù nợ 115 triệu USD
Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng chỉ định Tổng công ty Sông Đà thầu làm một số dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông. Trong khi đó, Sông Đà đang nợ ADB khoảng 114,8 triệu USD.
Sau khi Chính phủ có chủ trương chuyển một số dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam từ đầu tư PPP (hợp tác nhà nước và tư nhân) sang đầu tư công, Bộ Xây dựng đã có văn bản trình Thủ tướng.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ định thầu Tổng công ty Sông Đà thi công một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông để tạo việc làm cho khoảng 20.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại tổng công ty.
Tổng công ty Sông Đà từng thi công, xây dựng các nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Ialy, Sông Hinh, Sơn La và Lai Châu. Những năm qua, đơn vị này tiếp tục thực hiện hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn như cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 10, Hà Nội - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện, Tổng công ty Sông Đà gặp nhiều khó khăn trong duy trì việc làm cho người lao động. Nhiều thiết bị, máy móc đã đầu tư làm thủy điện cũng phải “đắp chiếu” vì không có việc làm.
Những năm gần đây, Tổng công ty Sông Đà rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay, chi phí cho vay lại.
Trước tình hình trên, Bộ Xây dựng có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tổng công ty trả nợ vay hàng trăm triệu USD tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Hiện tại, Tổng công ty Sông Đà đang nợ ADB khoảng 114,8 triệu USD nhưng không có khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn. Trong đó, công ty mẹ vay 73,9 triệu USD, Công ty Cổ phần xi măng Hạ Long vay 25,59 triệu USD, Công ty Cổ phần thủy điện Cần Đơn vay 5 triệu USD, Công ty Cổ phần Sông Đà 4 vay 3 triệu USD.
Riêng nợ gốc, lãi vay, phí cho vay lại đến hạn của tổng công ty tạm tính khoảng 6,1 triệu USD. (Xem thêm)
'Việt Nam không có trách nhiệm thanh toán 50 triệu USD chạy thử tàu Cát Linh - Hà Đông'
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong cuộc họp trực tuyến giữa Ban quản lý dự án đường sắt và tổng thầu Trung Quốc mới đây, phía Trung Quốc đề nghị được thanh toán 50 triệu USD để chạy thử tàu toàn tuyến phục vụ công tác nghiệm thu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định đây là ý kiến trao đổi trong cuộc họp, không có văn bản chính thức nên Bộ Giao thông vận tải không xem xét đề nghị này của tổng thầu Trung Quốc.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, các mốc thanh toán trong dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được phía Việt Nam thực hiện theo quy định hợp đồng EPC. Do vậy, trường hợp tổng thầu Trung Quốc ra văn bản với yêu cầu nêu trên thì cũng không được xem xét do trái quy định hợp đồng.
"Nếu tổng thầu Trung Quốc có khó khăn tài chính tại thời điểm này cũng phải chạy thử tàu, phía Việt Nam không có trách nhiệm phải quyết toán thêm khoản tiền đó", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Trước đó, trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, liên quan đến dự án Cát Linh - Hà Đông, tổng thầu Trung Quốc yêu cầu thêm 50 triệu USD để vận hành hệ thống và phải thanh toán luôn.
Báo cáo về tiến độ dự án đến thời điểm này, Chính phủ cho biết nội dung xây lắp nhà ga và đơn thể depot đã cơ bản hoàn thành các hạng mục; đã thực hiện nghiệm thu 2/5 hạng mục công trình xây dựng cơ bản có thể nghiệm thu có điều kiện (đường ray và cầu cạn khu gian); 3 hạng mục công trình còn lại vẫn còn tồn tại (cả về hiện trường và hồ sơ), chưa đủ điều kiện nghiệm thu, vẫn đang được tổng thầu chỉnh sửa và khắc phục các tồn tại về phần kiến trúc.
Về hạng mục thiết bị, tổng thầu, tư vấn TEDI, tư vấn ACT vẫn đang tiếp tục trao đổi làm việc để thống nhất các nội dung còn vướng mắc về thông số thiết bị của một số hạng mục chuyên ngành thiết bị. Tổng thầu đang hoàn thiện lại hồ sơ hoàn công và bổ sung các nội dung còn thiếu để đủ điều kiện nghiệm thu.
Ban Quản lý dự án đường sắt đang phối hợp với tổng thầu để nghiệm thu có điều kiện đối với các hạng mục công trình thành phần không ảnh hưởng đến công tác an toàn.
Vướng mắc hiện nay, theo báo cáo của Chính phủ, là việc đưa nhân sự Trung Quốc sang Việt Nam tiếp tục triển khai dự án do ảnh hưởng của Covid-19.
Cũng theo báo cáo này, tổng thầu dự án đề nghị cần 50 triệu USD để vận hành hệ thống và yêu cầu thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao. Ban Quản lý dự án đường sắt đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải và nêu rõ quan điểm, việc thanh toán phải tuân thủ theo quy định hợp đồng EPC. Vì vậy, 2 bên thống nhất sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát (trong vòng 15 ngày) các điều khoản hợp đồng và tổ chức buổi họp chuyên đề tiếp theo để trao đổi, thống nhất các công việc thực hiện, theo báo cáo của Chính phủ. (Xem thêm)
Điểm danh 3 dự án cao tốc Bắc - Nam chuyển đổi từ PPP sang đầu tư công
Tại phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Ngoài phương án 1 là chuyển đổi toàn bộ 8 dự án thành phần sang đầu tư công đã bị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bác trước đó, ở lần trình này, Chính phủ đã đề xuất thêm 2 phương án mới.
Cụ thể, phương án 2 là chuyển đổi 5 dự án (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), bổ sung thêm 33.056 tỷ đồng vốn nhà nước. Phương án 3 là chuyển đổi 3 dự án (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), bổ sung thêm 23.462 tỷ đồng vốn nhà nước.
Sau khi loại bỏ phương án 1, Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng phương án 2 cũng không phù hợp với các yêu cầu tại kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với phương án 3, Thường trực Uỷ ban Kinh tế đánh giá có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của việc hủy kết quả sơ tuyển, đồng thời đáp ứng yêu cầu chuyển đổi “số ít dự án” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau quá trình thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí chỉ chuyển đổi tối đa 3 dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, gồm 2 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP.
Đánh giá về quyết định này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) thì đương nhiên Nhà nước phải làm. Còn đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ khai thông đường vào Hà Nội, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây là cửa ngõ TP. HCM, nên chuyển đổi hai dự án này sẽ tác động tích cực đến hai thành phố lớn nhất nước. (Xem thêm)
Trên 15.200 tỷ đồng xây dựng đường cao tốc đoạn Bãi Vọt - Vũng Áng
Theo quy hoạch hệ thống giao thông quốc gia và dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam trên địa bàn Hà Tĩnh, đường bộ cao tốc phía Đông có tổng chiều dài 108 km, phía Tây (cao tốc Hồ Chí Minh) có chiều dài 32 km; đường sắt tốc độ cao 102,88 km, đường sắt quốc gia 75,23 km; hệ thống cảng biển gồm: Sơn Dương, Vũng Áng, Xuân Hải và Cửa Sót.
Dự án đường bộ cao tốc đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi có chiều dài 34 km, tổng mức đầu tư 7.134 tỷ đồng; đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng dài 54 km có tổng mức đầu tư 8.091 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư dự án là 15.225 tỷ đồng chưa bao gồm lãi suất vay. Trong đó, chi phí xây dựng gần 9.000 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 2.100 tỷ đồng, còn lại là chi phí thiết bị, tư vấn, quản lý và các chi phí khác.
Theo quy hoạch, dự án đường cao tốc đoạn qua Bãi Vọt - Vũng Áng giai đoạn phân kỳ có 4 làn xe với vận tốc thiết kế 80km/h, giai đoạn hoàn chỉnh có 6 làn xe.
Hướng tuyến Bãi Vọt – Hàm Nghi có điểm đầu là Km479+300, tại vị trí giao với QL8A thuộc xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Điểm cuối Km513+640, tại vị trí giao với đường Hàm Nghi (quy hoạch), TP. Hà Tĩnh. Diện tích giải phóng mặt bằng cho đoạn cao tốc này khoảng 287,42ha (201ha đất lúa) với khoảng 400 hộ dân bị ảnh hưởng.
Hướng tuyến Hàm Nghi – Vũng Áng có điểm đầu là Km513+640, tại vị trí giao với đường Hàm Nghi (quy hoạch), TP. Hà Tĩnh. Điểm cuối Km567+040, tại vị trí giao với QL12C, thị trấn Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Diện tích giải phóng mặt bằng cho đoạn cao tốc này khoảng 381,25ha (190ha đất lúa) với khoảng 645 hộ dân bị ảnh hưởng. (Xem thêm)
Phó thủ tướng muốn Bộ GTVT xác định cụ thể thời gian trình chủ trương xây đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến kế hoạch trình cấp có thẩm quyền về chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để bố trí đủ vốn cho công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo đúng quy định.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam tích cực thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo đúng quy định pháp luật.
Đáng chú ý, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT chịu trách nhiệm xác định cụ thể thời gian trình Bộ Chính trị về chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và tổng kết 10 năm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/6. (Xem thêm)
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone