Bất động sản

Giao thông tuần qua: Cuộc đua bay thẳng Việt-Mỹ của Bamboo Airways và Vietnam Airlines

(VNF) - Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hơn 19.600 tỷ đồng, Bamboo Airways công bố đường bay thẳng Việt - Mỹ, Vietnam Airlines sắp nhận giấy phép bay thẳng đến Mỹ... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Cuộc đua bay thẳng Việt-Mỹ của Bamboo Airways và Vietnam Airlines

Bamboo Airways công bố đường bay thẳng Việt - Mỹ, Vietnam Airlines sắp nhận giấy phép bay thẳng đến Mỹ.

Hà Nội đồng ý chủ trương xây dựng "siêu dự án" vành đai 4

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội về chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội thống nhất, biểu quyết 100% quyết nghị đồng ý về chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Trước đó, hồi tháng 8, sau khi tiếp thu, chỉnh sửa một số nội dung thiết kế theo ý kiến của lãnh đạo 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, dự án vành đai 4 – vùng Thủ đô có tổng chiều dài tăng lên hơn 110km do bổ sung 9km tuyến nối từ điểm cuối tuyến đến QL18 và đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang trên địa phận tỉnh Bắc Ninh, với tổng mức đầu tư gần 90.400 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần độc lập, gồm: thực hiện giải phóng mặt bằng toàn tuyến với tổng chi phí khoảng 24.241 tỷ đồng; đầu tư xây dựng hệ thống đường song hành (đường gom) và tuyến nối Quốc lộ 18 với chi phí khoảng 8.255 tỷ đồng; đầu tư xây dựng đường cao tốc và tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long với hơn 57.900 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay).

Cũng trong tờ trình, các địa phương cho biết theo quy hoạch được phê duyệt, tuyến đường vành đai 4 dài khoảng 98km đi qua địa phận TP. Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km), Bắc Ninh (21,2km). Riêng 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang nằm ngoài phạm vi đầu tư xây dựng nhưng có vị trí tiếp giáp với điểm đầu và điểm cuối tuyến vành đai 4. (Xem thêm)

Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hơn 19.600 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, giai đoạn 1 theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Theo đó, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài khoảng 53,7km. Dự án kéo dài qua địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, với điểm đầu nối với tuyến tránh quốc lộ 1 qua TP. Biên Hòa và điểm cuối giao với quốc lộ 56 thuộc TP. Bà Rịa.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc 100 km/h, quy mô đầu tư trong giai đoạn 1 là 4 – 6 làn xe. Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2026.

Tổng mức đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là 19.616 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia là 6.629 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư tư nhân huy động là 12.987 tỷ đồng. (Xem thêm)

Cảng biển Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Sóc Trăng tiềm năng thành cảng đặc biệt

Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...

Về năng lực, các cảng biển đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vận tải hành khách nội địa và quốc tế.

Hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa 1.140 - 1.423 triệu tấn (trong đó hàng container từ 38 đến 47 triệu TEU); hành khách 10,1 - 10,3 triệu lượt khách.

Về kết cấu hạ tầng, quy hoạch ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu); nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp phát triển từng bước cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa) để khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý.

Quy hoạch định hướng phát triển bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long để có thể triển khai đầu tư khi có đủ điều kiện; các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của cả nước hoặc liên vùng; các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp; các bến cảng tại các huyện đảo phục vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng-an ninh và chủ quyền biển đảo. (Xem thêm)

Chính phủ "bật đèn xanh" cho Đèo Cả huy động vốn

Ngày 23/9, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc huy động vốn triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông.

Trước đó, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả đã có văn bản gửi Phó thủ tướng Lê Minh Khái về việc huy động vốn triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông.

Doanh nghiệp này cho biết đang gặp khó khăn về huy động vốn để thực hiện các dự án giao thông. Để tháo gỡ khó khăn, Đèo Cả đề xuất sớm ban hành thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó có xét đến điều khoản hồi tố cho các dự án BOT đã đưa vào vận hành, khai thác để nhà đầu tư được ghi nhận, phân bổ chi phí lãi vay.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cũng kiến nghị Phó thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan của Bộ Tài chính hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các bất cập chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc niêm yết trên sàn chứng khoán.

Về vấn đề này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, xem xét, xử lý các kiến nghị của Đèo Cả theo quy định pháp luật, trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện doanh nghiệp huy động vốn triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông.

Phó thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (thường trực Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) phối hợp xử lý và đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. (Xem thêm)

Bamboo Airways chính thức công bố đường bay thẳng Việt - Mỹ

Dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bamboo Airways đã tổ chức lễ ra mắt công bố đường bay thẳng Việt – Mỹ tại TP. New York (Mỹ).

Tại lễ công bố, Bamboo Airways cũng chính thức kí kết 3 hợp đồng, biên bản hợp tác quan trọng trị giá hàng tỷ USD với các đối tác, doanh nghiệp tại Mỹ để mở rộng quy mô  và triển khai các hoạt động khai thác bay quốc tế trong thời gian tới.

Cụ thể, hợp đồng hợp tác với tổng đại lý (GSA) của Bamboo Airways tại thị trường Mỹ - Công ty Aviaworld, trực thuộc Tập đoàn AVIAREPS AG, đã có hơn 10 năm kinh nghiệm đại diện cho nhiều đối tác vận tải lớn trên toàn cầu.

Ngoài ra, Bamboo Airways cũng ký biên bản thỏa thuận lựa chọn động cơ GEnx và dịch vụ bảo dưỡng trị giá gần 2 tỷ USD với GE Aviation cho Boeing 787-9 và biên bản thỏa thuận lựa chọn động cơ LEAP-1A và dịch vụ bảo dưỡng cho dòng máy bay A320 Neo với đối tác CFM International. 

Theo lãnh đạo Bamboo Airways, về cơ bản hãng đã hoàn tất những bước chuẩn bị quan trọng nhất để sẵn sàng đưa vào khai thác các chuyến bay thẳng thương mại thường lệ kết nối Việt Nam và Mỹ, dự kiến từ đầu năm 2022 (khởi đầu khoảng 3 chuyến/tuần). (Xem thêm)

Vietnam Airlines sắp nhận giấy phép bay thẳng đến Mỹ sau gần 20 năm chuẩn bị

Vietnam Airlines cho biết vừa hoàn thành toàn bộ tài liệu và công tác chuẩn bị để Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) xem xét phê chuẩn, trên cơ sở đó Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sẽ cấp phép cho hãng khai thác các chuyến bay thẳng thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ.

Với sự kiện này, Vietnam Airlines sẽ trở thành hãng hàng không Việt đầu tiên được cấp phép bay thẳng thường lệ đến Mỹ.

Hiện tại, Vietnam Airlines đã hoàn tất mọi thủ tục mà phía hãng hàng không cần chuẩn bị để đáp ứng điều kiện được nhà chức trách Mỹ cấp phép bay thẳng thường lệ. Trong đó, việc đáp ứng các yều cầu về công tác bảo đảm an ninh của TSA là bước cuối cùng và quan trọng nhất.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ từ Vietnam Airlines, song song với việc xem xét phê chuẩn năng lực bảo đảm an ninh của hãng hàng không, TSA sẽ cử đại diện sang Việt Nam để khảo sát trực tiếp và đánh giá năng lực bảo đảm an ninh của sân bay xuất phát từ Việt Nam.

Việc cử đại diện sang khảo sát không phụ thuộc vào việc TSA sẽ thông qua và phê duyệt giấy phép cho Vietnam Airlines. Giấy phép của TSA sẽ là cơ sở để FAA cấp phép cho Vietnam Airlines cũng như các hãng hàng không Việt khai thác các chuyến bay thẳng thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ. (Xem thêm)

Tin mới lên