Bất động sản

Giao thông tuần qua: Quy hoạch thêm 9 tuyến đường sắt mới, 5 tuyến metro đội vốn 84.000 tỷ

(VNF) - Việt Nam sẽ có thêm 9 tuyến đường sắt mới, với tổng chiều dài 2.362km; 5 tuyến đường sắt đô thị (metro) tại Hà Nội và TP. HCM đội vốn gần 84.000 tỷ đồng... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Quy hoạch thêm 9 tuyến đường sắt mới, 5 tuyến metro đội vốn 84.000 tỷ

Đến năm 2030, Việt Nam quy hoạch thêm 9 tuyến đường sắt mới. (Ảnh minh họa)

"Cục Hàng không hướng dẫn IPP Air Cargo lập hãng bay trước 5/11"

Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản giao Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn Công ty Cổ phần IPP Air Cargo thủ tục lập hãng vận tải hàng hoá.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết cơ quan này đã nhận được công văn của Công ty Cổ phần IPP Air Cargo về việc xin hướng dẫn các thủ tục thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hoá.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam có văn bản hướng dẫn cụ thể cho IPP Air Cargo về việc thành lập mới hãng hàng không theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 5/11.

Trước đó, Công ty Cổ phần IPP Air Cargo đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị hướng dẫn các thủ tục thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hoá IPP Air Cargo.

Dự án hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động. Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng; đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3. 

IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên. (Xem thêm)

Đồng ý chủ trương đầu tư sân bay Sa Pa gần 7.000 tỷ theo hình thức PPP

Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Theo đó, dự án cảng hàng không Sa Pa sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2021, xây dựng cảng hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo phân cấp của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế -ICAO) và sân bay quân sự cấp II, đạt công suất 1,5 triệu hành khách/năm.

Giai đoạn 2 của dự án sẽ được thực hiện sau năm 2028, hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 3 triệu hành khách/năm đảm bảo phù hợp với quy hoạch.

Địa điểm thực hiện dự án tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, với diện tích sử dụng đất khoảng 371ha. Thời gian thực hiện và vận hành dự án là 50 năm (thời gian xây dựng dự kiến là 4 năm; thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn là 46 năm). 

Tổng mức đầu tư của dự án là gần 7.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 gần 4.200 tỷ đồng, giai đoạn 2 gần 2.800 tỷ đồng. Vốn nhà nước tham gia dự án là 2.730 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động 4.218 tỷ đồng. (Xem thêm)

5 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM đội vốn gần 84.000 tỷ đồng

Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. HCM.

Theo báo cáo này, trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. HCM đang triển khai thực hiện đầu tư 6 tuyến đường sắt đô thị (trong đó Bộ Giao thông Vận tải chủ quản đầu tư 2 dự án, UBND TP. Hà Nội chủ quản đầu tư 2 dự án và UBND TP. HCM chủ quản đầu tư 2 dự án).

Các dự án này bao gồm: dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi), giai đoạn I; dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông; dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Bên cạnh đó còn có dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên; dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP. HCM tuyến Bến Thành - Tham Lương.

Trong 6 dự án này, ngoài dự án Yên Viên - Ngọc Hồi hiện chưa rõ phương án đầu tư, còn lại cả cả 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM đã đội vốn gần 84.000 tỷ đồng và chưa có dự án nào hẹn ngày vận hành thương mại cụ thể. (Xem thêm)

Bỏ quy định bắt buộc xét nghiệm với hành khách đường sắt

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành quy định tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải đường sắt thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Theo quy định mới, từ ngày 21/10, hành khách tham gia giao thông vận tải đường sắt phải đáp ứng các yêu cầu sau như tuân thủ “thông điệp 5K”, khai báo y tế và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế.

Hành khách tham gia giao thông vận tải đường sắt chỉ phải xét nghiệm trong trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng như sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở…

Đối với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu hành khách xét nghiệm khi có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế (vùng phong toả), không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.

Với hành khách đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc khỏi bệnh Covid-19, chỉ yêu cầu xét nghiệm khi có điều tra dịch tễ hoặc với trường hợp cách ly y tế, theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc vùng phong toả. (Xem thêm)

Việt Nam sẽ có thêm 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362km

Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quyết định này, bên cạnh 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài khoảng 2.440km thì mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030 sẽ quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362km.

Các tuyến này bao gồm: tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm, với chiều dài khoảng 1.545km; tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân từ ga Yên Viên Bắc đến ga Cái Lân, với chiều dài 129km.

Tuyến vành đai phía Đông TP. Hà Nội từ Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng, với chiều dài khoảng 59km; chuyển đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên, Gia Lâm - Lạc Đạo thành đường sắt đô thị phù hợp với lộ trình xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội và đường sắt vành đai phía Đông.

Tuyến Hà Nội - Hải Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng) song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đến ga Nam Hải Phòng) kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện: Chiều dài khoảng 102 km.

Tuyến Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ từ cảng Vũng Áng đến biên giới Việt Nam - Lào (đèo Mụ Giạ), với chiều dài khoảng 103km; tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu, với chiều dài khoảng 84km.

Tuyến TP. HCM - Cần Thơ từ ga An Bình đến ga Cái Răng, với chiều dài khoảng 174km; tuyến TP. HCM - Lộc Ninh từ ga Dĩ An đến điểm nối ray biên giới Việt Nam - Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư), với chiều dài khoảng 128km.

Tuyến Thủ Thiêm - Long Thành từ ga Thủ Thiêm đến ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành chỉ phục vụ hành khách, với chiều dài khoảng 38km. (Xem thêm)

Tin mới lên