Góc nhìn chứng khoán: Quay cuồng vì 'anh em nhà Dow Jones'!
Song tử -
18/03/2020 16:17 (GMT+7)
(VNF) - Lại một cú sập mạnh giữa trưa suýt nữa phá hỏng một phiên giao dịch tích cực của thị trường trong nước hôm nay. Tuy nhiên, biến động lớn như vậy dường như đã không còn gây ra cú sốc tâm lý nữa.
Nhà đầu tư trong nước gần đây vô cùng cực khổ: Đêm thấp thỏm ngóng diễn biến của Dow Jones, S&P 500, ngày nhấp nhổm trước diễn biến của thị trường phái sinh quốc tế. Khổ nỗi hai thị trường này cứ chạy ngược chiều nhau: Nếu đêm Dow Jones giảm mạnh thì ngày phái sinh lại tăng và ngược lại, đêm tăng mạnh thì sáng ra đã thấy phái sinh đỏ lòm. Nhà đầu tư cứ quay cuồng không biết đằng nào mà lần.
Trưa nay, thị trường phái sinh Mỹ với đại diện là Hợp đồng tương lai Dow Jones lại có một cú sập cực mạnh kịch biên độ 5% và lại “rút phích” đúng lúc thị trường trong nước tạm nghỉ. Khi thị trường Việt Nam mở cửa trở lại, nhà đầu tư lại cuống cuồng bán ra khiến VN-Index rơi "như một viên sỏi" trong khoảng 30 phút. Chỉ số từ mốc 752,58 điểm giảm xuống 742,12 điểm tức là bốc hơi 10,46 điểm, tương đương gần 1,41%.
Tuy nhiên lần này tâm lý nhà đầu tư có vẻ tốt hơn. Thị trường chỉ chao đảo trong vòng 30 phút và ổn định lại ngay. Lực cầu bắt đáy xuất hiện không chỉ chặn được đà giảm sâu hơn mà còn kéo dần giá phục hồi. VN-Index leo dốc về cuối phiên và cuối cùng chinh phục được mốc tham chiếu, tăng 1,88 điểm.
Thực ra cũng chỉ có một số cổ phiếu vốn hóa lớn là tác nhân chính dẫn đến cú sốc giữa trưa đó. VIC, VNM, VHM, GAS là những mã giảm nhiều nhất trong cùng thời điểm, kéo VN-Index xuống rất mạnh. Các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hầu như không bị ảnh hưởng và giao dịch theo hướng riêng. Đến khi nhóm ngân hàng và một số mã khác phục hồi, các cổ phiếu đầu cơ bùng nổ tăng nóng hàng loạt.
Tình trạng biến động của thị trường trong nước quá nhạy cảm với các thị trường quốc tế đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong vài tuần qua. Kết quả khá tích cực hôm nay với mức tăng nhẹ trên VN-Index phần nào thể hiện sự “chai lỳ” nhất định của nhà đầu tư. Hốt hoảng có xuất hiện, nhưng qua nhanh, đồng thời không có áp lực bán tháo lớn như trước.
Gần 320 cổ phiếu tăng giá hôm nay với khoảng 180 mã tăng vượt 2% thể hiện sức mạnh tốt hơn ở cổ phiếu, so với diễn biến của chỉ số. Thực vậy, nếu SAB không giảm tới 3,61%, GAS giảm 3,01%, VNM giảm 1,04% thì kết quả cuối phiên của VN-Index sẽ tích cực hơn nhiều. VIC, VHM đã quay đầu đáng kể, nhóm ngân hàng lớn còn tăng khá dữ dội: VCB tăng 2,67%, BID tăng 2,22%.
Chỉ số VN-Index trong 4 phiên gần nhất đã không tạo đáy sâu mới.
Các thị trường chứng khoán quốc tế đang quay cuồng chiết khấu rủi ro của nguy cơ suy thoái kinh tế từ châu Âu sang Mỹ. Nguy cơ đó chắc chắn ảnh hưởng xấu tới Việt Nam. Không phải đến lúc này thị trường trong nước mới liên thông với quốc tế một cách chặt chẽ như vậy. Tuy nhiên đây là tuần thị trường có khả năng trụ vững nhất suốt từ đầu tháng 3 tới nay. VN-Index đã không giảm sâu hơn trong 4 phiên gần nhất bất chấp thị trường quốc tế trồi sụt cực mạnh một cách hỗn loạn. Đó có thể là một tín hiệu tốt về tâm lý của nhà đầu tư dần bình thản hơn trước các biến động bên ngoài.
Điều còn lại là khả năng quay đầu phục hồi như thế nào. Thị trường Việt Nam không thể một mình một đường trong khi thế giới lao dốc được. Các yếu tố cơ bản xấu của quốc tế cũng gây khó cho Việt Nam. Vì thế cơ hội lớn nhất cũng chỉ là cầm cự và tạo đáy ở thời điểm hiện tại. Mặt khác, mối lo về áp lực rút vốn của khối ngoại vẫn chưa dừng, hoặc ít nhất phải chờ tới sau khi các quỹ ETF tái cơ cấu xong trong tuần này.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone