Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: Tiền đột nhiên chững lại

(VNF) - VN-Index kết phiên đóng cửa ở mức cao nhất ngày và chính thức vượt 920 điểm lên 924 điểm. Xu thế đi lên trong phiên hôm nay rất tốt nhưng bất ngờ thanh khoản lại giảm sốc.

Góc nhìn chứng khoán: Tiền đột nhiên chững lại

Thanh khoản bất ngờ giảm đáng kể hôm nay mặc dù VN-Index vẫn tăng tốt nhất tuần.

Thị trường đang quen với các phiên khớp lệnh 8.000 tỷ đồng, đột nhiên hôm nay giao dịch co lại chỉ còn hơn 6.400 tỷ đồng. Sự thay đổi này có lẽ ít được chú ý vì giá cổ phiếu nhìn chung vẫn tăng tích cực.

Thanh khoản giảm thể hiện cường độ hoạt động của dòng tiền đã yếu đi, nhưng có vẻ sức ép đã không khiến giá cổ phiếu giảm theo. Số lượng cổ phiếu đóng cửa dưới tham chiếu sàn HSX đã ít đi (197 mã so với 253 mã hôm qua) nhưng số lượng tăng giá cũng không cải thiện rõ (188 mã/158 mã). Điều này thể hiện cổ phiếu tạm thời cân bằng hơn là quay đầu phục hồi rõ nét.

Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn thấp hơn phiên trước 19,5% nhưng thỏa thuận tăng 116% nhờ ACB chuyển nhượng tới gần 40 triệu cổ trị giá 858,1 tỷ đồng. TCB, OGC, TPB, VPB, NVL, GEX... cũng thỏa thuận khá nhiều. Mặc dù vậy giá trị khớp lệnh giảm vẫn là biểu hiện của sự suy yếu trong giao dịch, vì rất ít nhà đầu tư bình thường thực hiện thỏa thuận lô lớn.

Mức giảm thanh khoản đến từ cả hai sàn. HNX chứng kiến ACB và PVS chỉ giao dịch bằng một nửa hôm qua khiến giá trị sàn giảm gần 20%. HSX cũng giảm giao dịch (khớp lệnh) khoảng 19,5%. MSN, TCH, CTG tăng thanh khoản không bù lại được rất nhiều cổ phiếu khác giao dịch giảm quá nhiều như HPG, STB, GTN, CTD, VNM, HSG, VPB, MBB, MWG, FPT... Rổ VN30 ghi nhận giảm giá trị giao dịch 14,2%, rổ Midcap giảm 25,2% và rổ Smallcap giảm 22%.

Hiện tượng thanh khoản chững lại là hơi đột ngột vì mức giảm quá nhiều. Cụ thể, trung bình 5 phiên trước giá trị khớp lệnh HSX và HNX vào khoảng 8.334 tỷ đồng/ngày, nghĩa là mức giảm hôm nay tới hơn 22% so với bình quân 5 phiên. Thanh khoản có thể trồi sụt thay đổi từng ngày nhưng đột nhiên co lại ở toàn bộ các nhóm cổ phiếu ở mức trên 20% thì chắc chắn phải có hiện tượng chậm giao dịch trong số đông nhà đầu tư.  

Hệ quả của việc co rút thanh khoản mạnh thường là lo lắng về khả năng suy yếu của lượng vốn sẵn sàng mua. Thị trường đang bon bon 8.000 tỷ mỗi ngày tức là tiền xoay vòng rất năng động. Đột nhiên hàng ngàn tỷ đồng biến mất dù thị trường diễn tiến không bất lợi, thậm chí còn tốt hơn so với hôm qua. Hi vọng rằng sự suy giảm này chỉ mang tính thời điểm.

Giao dịch có giảm cường độ nhưng hôm nay VN-Index hình thành được xu thế tăng trọn phiên và đóng cửa ở mức cao nhất 924 điểm và cũng là đỉnh của tuần. Mặc dù chỉ số lên cao hơn nhưng thực tế biên lợi nhuận ngắn hạn ở cổ phiếu lại đang giảm đi. Kể từ đầu tuần thì tỷ lệ cổ phiếu ghi nhận mức lãi ngắn hạn T3 đến T7 trong rổ VN100 lại giảm. Đây có thể là hiện tượng chốt lời mạnh hơn. Chẳng hạn đầu tuần tỷ lệ cổ phiếu T3 lãi trên 1% khoảng 55% rổ, hôm nay chỉ còn 23%.

Từ tuần tới, các kết quả kinh doanh sẽ xuất hiện nhiều hơn và hiện tượng “tin ra là bán” cũng có thể gia tăng. Hiện tại kết quả kinh doanh là mạch thông tin hỗ trợ chính, lấn át các yếu tố bên ngoài. Với mức tăng giá rất khá nhiều tuần nay thì khả năng cao là đã có hiện tượng đầu cơ trước thông tin. Theo logic thì thông tin tốt nhiều sẽ khuyến khích nhà đầu tư mua mạnh hơn và dẫn tới giá tăng tốt hơn. Thanh khoản không tăng thêm và giá yếu đi thêm là hệ quả không phù hợp.

Tin mới lên