Góc nhìn chứng khoán: Tiền ngoại vào đột biến

Song Tử - 28/05/2020 16:25 (GMT+7)

(VNF) - Vốn ngoại bất ngờ đảo chiều sang mua mạnh trong phiên hôm nay nhưng không giúp ích nhiều cho thị trường. Đà phục hồi suy yếu dần theo thời gian do nhóm blue-chips thiếu hụt thanh khoản và bị chốt lời khá mạnh.

VNF
VN30-Index tăng không đáng kể từ đầu tuần tới nay thể hiện diễn biến lình xình ở nhóm blue-chips.

Quy mô giải ngân với cổ phiếu trên hai sàn của nhà đầu tư nước ngoài phiên này khá ấn tượng. Hơn 701 tỷ đồng mua cổ phiếu trong khi chỉ bán ra khoảng 430 tỷ đồng. Mức mua ròng bất ngờ này đã lập tức đảo chiều cho cả tuần, từ chỗ bán ròng 233,3 tỷ đồng 3 phiên đầu tuần thành mua ròng gần 38 tỷ đồng tính đến hôm nay.

Khối ngoại giải ngân nhiều nhất vào POW, VRE, CTG, VCB, VHM, STB, BID. Tuy vậy cầu ngoại không đẩy giá được rõ rệt. Trong số các cổ phiếu nói trên, chỉ có VRE tăng 5,49%, VCB tăng 1,93% và BID tăng 2,26%, STB tăng 1,98% là đáng kể.

Tuy vậy nếu không tính vài phiên có thỏa thuận đột biến như với VHM, MSN hồi đầu tháng thì hôm nay là phiên dòng vốn ngoại mua vào đáng kể nhất kể từ sau Tết. Khối này xả rất lớn khi giá giảm nhưng hiện thị trường đã lên khá mạnh lại quay sang mua ròng. Riêng với các mã thuộc VN30, khối ngoại mua ròng hơn 280 tỷ đồng nhưng chỉ số của nhóm này tăng có 0,34%, còn yếu hơn mức tăng 0,46% ở VN-Index.

Nhóm blue-chips VN30 có 14 cổ phiếu tăng giá và 10 cổ phiếu giảm giá hôm nay nhưng lại không có sự đồng thuận rõ trên mặt bằng chung. Ngoài 3 cổ phiếu tăng đáng kể nói trên, chỉ còn CTD tăng 3,64. Phần lớn các mã khác tăng yếu như VIC tăng 0,1%, VHM tăng 0,4%, SAB tham chiếu, VNM giảm 0,17%, GAS giảm 1,47%, HPG, MSN, TCB cũng không tăng được.

Đà tăng khựng lại có thể nhìn thấy rõ tại nhóm VN30 với rất ít cổ phiếu có tiến triển giá cao hơn trong tuần này. Dù luôn có phiên tăng phiên giảm, nhưng tính cả tuần cổ phiếu đa số dậm chân tại chỗ. Điều này cũng phản ánh lên chỉ số VN30-Index khi từ đầu tuần tới giờ tăng không tới 1 điểm (0,92 điểm).

Rất có thể các blue-chips vẫn đang bị xả hàng nhiều và chỉ có một vài cổ phiếu tăng khá hơn hoặc thay nhau đỡ chỉ số VN-Index. VCB, BID khá nổi bật trong tuần này nhưng VHM, CTG, VPB, FPT, VJC, HDB, HPG lại yếu (giảm giá so với tuần trước). GAS, VNM, VIC, SAB hầu như chỉ đứng im.

Một trong những yếu tố thể hiện sức mạnh của cổ phiếu là mức độ tăng giá theo thời gian. Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu nhìn thấy lợi nhuận tích cực từng ngày cũng là yếu tố củng cố tâm lý hưng phấn. Khi danh mục bất động, tăng yếu hơn mặt bằng chung hoặc thậm chí giảm, đó là tín hiệu của sự chậm nhịp và suy yếu, dù chưa thể khẳng định là giá đã đạt đỉnh.

Riêng đối với các blue-chips lớn, đà tăng giá còn mang ý nghĩa quan trọng hơn, là cũng cố xu hướng đi lên của VN-Index. Trong các nhịp tăng dứt khoát hồi đầu tháng 4 hay đầu tháng 5 vừa qua, vai trò đẩy thị trường của nhóm blue-chips là rất rõ ràng. Hiện tại đang có áp lực chốt lời xuất hiện và các mã này luôn có sức ì lớn hơn nhóm vốn hóa nhỏ, do có nhiều nhà đầu tư lớn tham dự. Nếu không có sự đồng thuận trong các nhà đầu tư này thì cổ phiếu rất khó tăng bốc.

Vốn ngoại vào mạnh nhóm VN30 cũng là một yếu tố hỗ trợ tích cực ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên nếu như giai đoạn trước khối này xả ồ ạt, nhà đầu tư trong nước gồng mình mua đỡ thì lúc này, vốn ngoại mua có thể gặp phải lực xả lớn từ nhà đầu tư trong nước. Tính về quy mô mua gom, khối nhà đầu tư trong nước đã tích lũy lượng cổ phiếu rất lớn. Nếu quy mô mua của khối ngoại không bằng được mức độ bán trước đây, áp lực chốt lời của nhà đầu tư trong nước sẽ chiến thắng.

Giao dịch tích cực hiện tại tập trung chủ yếu vào hai nhóm cổ phiếu: Nhóm một số mã lớn luân phiên để nâng đỡ chỉ số - ví dụ hôm nay là VCB, BID – và nhóm các cổ phiếu vẫn đang trong đà đầu cơ mạnh. DBC là ví dụ, giá đã vượt qua mọi ngưỡng cản và sự tưởng tượng của nhà đầu tư với lợi nhuận tăng trưởng trong hai tháng qua trên 180% mà vẫn chưa dừng lại.

Đối với thị trường chung, việc VN-Index vẫn đi lên cao hơn là điều không khó khăn nếu vẫn còn các cổ phiếu lớn luân phiên đỡ. Điều quan trọng hơn nên quan sát là khả năng lợi nhuận trên bình diện chung đối với cổ phiếu. Chẳng hạn việc nắm giữ cổ phiếu ngắn hạn như 3 phiên, 5 phiên hay 7 phiên có đem lại lợi nhuận hay không, tốc độ tăng lợi nhuận nhanh hay chậm dần. Đây mới là điều phản ánh sức mạnh thật sự của thị trường, chứ không phải chỉ số.

Cùng chuyên mục
Tin khác