Tài chính

Hà Đô xoay trục kinh doanh: Thách thức nào đang chờ đón?

(VNF) - Lợi nhuận ròng của Tập đoàn Hà Đô được dự báo sẽ tăng 11% trong năm 2020 nhưng sẽ giảm 13,2% trong năm 2021 do thiếu hụt các dự án bất động sản lớn. Cùng với đó, dòng tiền kinh doanh nhiều khả năng sẽ vẫn yếu cho đến năm 2022.

Hà Đô xoay trục kinh doanh: Thách thức nào đang chờ đón?

Hà Đô xoay trục kinh doanh: Thách thức nào đang chờ đón?

Xoay trục sang kinh doanh điện

Thành lập từ năm 1992 với tư cách là công ty xây dựng trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự - Bộ Quốc phòng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) đã thực hiện cổ phần hóa vào năm 2004 và chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) từ năm 2010.

Doanh nghiệp này đã xây dựng thương hiệu trên thị trường bất động sản với hàng loạt dự án bất động sản nhà ở như: Dự án 183 Hoàng Văn Thái (2009), Dự án Nguyễn Văn Công (2010), dự án CC1 (2014), trước khi gây tiếng vang lớn với dự án HaDo Centrosa (2016).

Từ năm 2019, HDG đã dần chuyển hướng kinh doanh sang mảng năng lượng tái tạo nhằm đón đầu xu hướng tăng trưởng nhanh của ngành điện Việt Nam.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNDirect trong báo cáo lần đầu về HDG, chiến lược mới của HDG dựa trên 4 lý do.

Thứ nhất, theo nghiên cứu của Viện Năng lượng Viêt Nam, nhu cầu điện tại Việt Nam dự báo sẽ tăng 8,5%/năm trong giai đoạn 2021-25 nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, tình trạng thiếu điện sẽ kéo dài đến năm 2026 do nguồn cung đang tăng trưởng chậm hơn nhiều so với nhu cầu.

Thứ hai, giá điện tại Việt Nam đang thấp hơn khoảng 50% so với mức trung bình của các nước Châu Á – Thái Bình Dương, do đó tiềm năng tăng giá điện vẫn còn rất lớn.

Thứ ba, Chính phủ đang tự do hóa ngành điện giúp lợi nhuận của hầu hết các nhà máy điện được cải thiện, đặc biệt là các nhà máy thủy điện với mức chi phí sản xuất thấp.

Thứ tư, Chính phủ đang ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo với hàng loạt chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi cho vay tín dụng, miễn tiền thuế đất và thực hiện thu mua điện với giá hấp dẫn hơn các nguồn điện tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch.

Ngoài ra, việc tập trung vào phát triển mảng năng lượng sẽ tạo ra nguồn thu nhập ổn định hàng năm và là nền tảng vững chắc giúp HDG tránh những rủi ro thị trường bất động sản suy thoái trong tương lai.

Ban đầu, HDG chỉ đầu tư vào các nhà máy thủy điện nhỏ (công suất thiết kế dưới 30MW), sau đó dần mở rộng danh mục đầu tư sang các dự án điện gió và điện mặt trời nhằm nắm bắt cơ hội từ các ưu đãi chính sách.

Tới cuối tháng 9/2020, HDG đã sở hữu 3 nhà máy thủy điện với tổng công suất 119MW và 2 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 98MWp. Ngoài ra, công ty đang tiến hành đầu tư 3 nhà máy điện khác với tổng công suất 245MW.

Theo ước tính của VNDirect, tổng công suất thiết kế của HDG sẽ đạt 444MW, dự kiến lọt top 5 công ty niêm yết có công suất năng lượng tái tạo lớn nhất vào năm 2021.

Trong dài hạn, HDG vẫn tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư với mục tiêu nâng công suất phát điện lên 1.000MW. Công ty đang tiến hành nghiên cứu đầu tư 8 nhà máy điện mặt trời và điện gió với tổng công suất khoảng 500MW.

Ước tính của VNDirect cho thấy chi phí đầu tư của HDG vào một nhà máy thủy điện khoảng vào 31-33 tỷ đồng/MW (đã điều chỉnh theo lạm phát năm 2019). Mặc dù mức chi phí xây dựng này tương đương với các nhà máy thủy điện có cùng quy mô và được xây dựng gần đây, nhưng quá trình xây dựng của các nhà máy thủy điện HDG lại nhanh hơn đáng kể so với các nhà máy khác.

Với điện mặt trời, Hồng Phong 4 – dự án điện mặt trời đầu tiên của HDG - đã chính thức phát điện từ tháng 6/2019 và được hưởng mức giá bán điện theo hợp đồng thu mua trong 20 năm là 9,35 cent/kWh. Theo tính toán của VNDirect, số giờ nắng tại dự án Hồng Phong 4 lên tới 1.896 giờ/năm, cao hơn hẳn so với mức trung bình của các công ty cùng ngành với khoảng 1.500-1.650 giờ/năm. Ước tính doanh thu nhà máy này sẽ đạt bình quân 17 tỷ đồng/tháng trong năm 2020.

HDG xoay trục sang kinh doanh điện

Mảng bất động sản: Thiếu hụt dự án lớn trong tương lai

Song song với việc xoay trục sang kinh doanh điện, mảng bất động sản dường như không được HDG chú trọng như trước.

Trong năm 2020, lợi nhuận của HDG ở mảng bất động sản vẫn được đảm bảo bằng dự án HaDo Centrosa.

VNDirect cho biết dự án đã được bán hết trong nửa đầu năm 2018 và mang lại tổng giá trị ký bán đạt khoảng 10.700 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2018. Các căn hộ thấp tầng và 4 tháp cao tầng đã bàn giao trong giai đoạn 2017-2019 trong khi 4 tháp còn lại được dự kiến sẽ bàn giao trong năm 2020-2021. Ước tính HDG sẽ hạch toán 3.983 tỷ đồng trong năm 2020, tương đương 80–85% tổng doanh thu từ 4 tòa tháp này, phần còn lại sẽ được ghi nhận trong nửa đầu năm 2021.

Hiện tại, HDG đang sở hữu danh mục đầu tư gồm 7 dự án với gần 250.000 m2 diện tích sàn. Các dự án dự kiến sẽ được phát triển trong giai đoạn 2020-2023. Tuy nhiên, VNDirect nhấn mạnh HDG sẽ không có dự án lớn nào sẵn sàng bàn giao trong 2 năm tới.

Trong danh mục này, dự án được phát triển từ năm 2008 là Charm Villas sở hữu quy mô lớn nhất, với 528 căn nhà phố và biệt thự liền kề. Trong đó, 152 căn hộ đã được bán thành công nhưng dự án đã bị trì hoãn do thủ tục pháp lý kéo dài cũng như nhu cầu ngành bất động sản giảm mạnh từ năm 2009. Sau khi điều chỉnh quy hoạch tổng thể dự án, HDG đặt mục tiêu tung ra thị trường 376 căn còn lại để bán trong nửa cuối năm 2020.

Theo khảo sát, giá bán tại dự án bình quân rơi vào khoảng 7–9 tỷ đồng/căn và dự kiến sẽ đem lại 3.300 tỷ đồng doanh số ký bán trong giai đoạn 2020-2022. Mặc dù vậy, quy mô của Charm Villas tương đối nhỏ so với HaDo Centrosa (khoảng 10.700 tỷ đồng doanh số ký bán).

"Mặc dù sở hữu quỹ đất lớn nhưng chúng tôi nhận thấy quỹ đất sạch và sẵn sàng triển khai của HDG đang gặp khá nhiều hạn chế. Hai dự án đáng chú ý còn lại là Noong Tha và Alilla Bảo Đại vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý và chưa có quy hoạch tổng thể chi tiết", báo cáo của VNDirect cho hay.

Tăng trưởng lợi nhuận và dòng tiền chịu thách thức

Năm 2020, VNDirect kỳ vọng nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 sẽ đi vào hoạt động trong quý IV/2020, trong khi nhà máy điện mặt trời Infra 1 và Hồng Phong 4 sẽ vận hành với công suất lần lượt là 25% và 95% trong năm nay. Doanh thu mảng năng lượng được dự báo sẽ tăng 27,4% so với năm 2019.

Ở mảng bất động sản, việc hạch toán những căn cuối cùng tại dự án bất động sản HaDo Centrosa sẽ đem về cho HDG lợi nhuận "khủng".

Tựu trung, VNDirect dự báo năm 2020, doanh thu và lợi nhuận ròng của HDG sẽ tăng lần lượt 15,9% và 11% so với năm ngoái.

Tuy nhiên, năm 2021, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng của HDG có thể sẽ chịu thách thức không nhỏ.

Cụ thể, năm 2021, VNDirect dự báo doanh thu mảng năng lượng của HDG sẽ tăng trưởng gấp đôi so với năm 2020 nhờ nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 và điện gió 7A sẽ đi vào hoạt động lần lượt trong quý I và quý II/2021, đem lại khoảng 600 tỷ đồng doanh thu trong năm. Cùng với đó, nhà máy điện mặt trời Infra 1 sẽ hoạt động với hiệu suất cao 80%. 2 nhà máy thủy điện Za Hưng và Nậm Pông cũng nhận được đánh giá tích cực do nguy cơ thiếu nguồn nước sẽ giảm bớt vào năm 2021 dưới tác động của hiện tượng La Nina sắp xảy ra.

Đối với mảng bất động sản, doanh thu dự báo sẽ giảm 45,1% do thiếu các dự án lớn, đóng góp chính đến kết quả kinh doanh mảng này vẫn là phần còn lại của dự án HaDo Centrosa và 37,5% doanh thu ước tính tại dự án Charm Villas.

Chốt năm 2021, VNDirect dự báo doanh thu của của HDG sẽ giảm 11,1%, lợi nhuận ròng giảm 13,2% so với năm 2020.

Bên cạnh dự báo kết quả kinh doanh, báo cáo của VNDirect cũng nêu nhận định rằng dòng tiền kinh doanh của HDG vẫn sẽ yếu cho đến năm 2022.

Dự báo dòng tiền hoạt động kinh doanh của HDG trong thập kỷ tới

Theo đó, dòng tiền của HDG sẽ yếu cho đến năm 2021 và phụ thuộc lớn vào tiến độ bán tại dự án bất động sản Charm Villas. Sau đó, khi tất cả các nhà máy điện đi vào hoạt động từ năm 2021 sẽ giúp dòng tiền từ hoạt động kinh doanh quay trở lại mức dương trong năm 2022.

Ngoài ra, HDG cũng phải đối diện với các rủi ro như rủi ro thời tiết ảnh hưởng lớn đến mảng năng lượng, hoặc rủi ro chính sách liên quan đến giá mua điện, thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế suất quyền sử dụng đất có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà máy năng lượng tái tạo.

Tin mới lên