Hai lần làm chủ tịch Novaland của ông Bùi Thành Nhơn

Vĩnh Chi - 14/10/2024 08:00 (GMT+7)

(VNF) - Đầu năm 2022, ông Bùi Thành Nhơn bất ngờ từ nhiệm chủ tịch HĐQT Novaland. Nhưng chỉ 1 năm sau, ông lại quay về với cương vị này. Giữa hai lần “thoái vị - đăng cơ” đó là quãng thời gian đầy sóng gió với Novaland, nhưng cũng đồng thời cho thấy bản lĩnh thương trường của vị doanh nhân đã tạo lập nên “đế chế” bất động sản lớn nhất miền Nam.

20 năm dựng nghiệp

Không quá khi nói rằng nền kinh tế Việt Nam hiện nay được “thống trị” bởi các doanh nhân trở về từ Đông Âu – những người đang nắm giữ những ngân hàng, tập đoàn thuộc hàng lớn nhất cả nước. Song, thị trường cũng có không ít doanh nhân xuất thân quốc nội, tự lực vươn đến đỉnh cao, trở thành “bá chủ” một ngành, một vùng. Ông Bùi Thành Nhơn và Novaland là một ví dụ tiêu biểu.

Sinh năm 1958 tại Đồng Tháp, ông Bùi Thành Nhơn bắt đầu sự nghiệp của mình bằng những vị trí trong cơ quan nhà nước. Với tấm bằng cử nhân ngành chăn nuôi thú y, ông đã có hơn 10 năm làm việc tại Phòng Nông nghiệp của UBND huyện Nhà Bè và Công ty Vật tư Chăn nuôi Thú y cấp I ở TP. HCM.

Đến năm 1992, ông Nhơn mới khởi nghiệp bằng việc lập ra Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu, phân phối các sản phẩm thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thủy sản… và xây biệt thự cho thuê. Đây chính là tiền đề để 15 năm sau đó NovaGroup ra đời, bao gồm 2 đơn vị lớn là Công ty Cổ phần Anova hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Dù kinh doanh đa ngành với 2 đơn vị lớn nêu trên, song NovaGroup được biết đến rộng rãi hơn với tư cách là doanh nghiệp bất động sản. Nguyên do là chỉ trong vòng 10 năm kể từ khi ra mắt, Novaland đã vượt qua hàng loạt tên tuổi gạo cội để trở thành “trùm” bất động sản miền Nam.

Bắt đầu từ năm 2009, Novaland ghi dấu ấn đầu tiên của mình tại quận 7, TP. HCM bằng dự án Sunrise City. Đây là dự án có quy mô lớn, gồm 12 tòa tháp, tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD. Thành công của dự án này đã tạo bàn đạp cho Novaland vượt qua cuộc khủng hoảng bất động sản 2011 – 2013 để có những dự án tiếp theo gồm: Tropic Garden, Lexington Residence (cùng ở quận 2) và The Prince Residence (quận Phú Nhuận).

Dự án Sunrise City

Cũng nhờ cuộc khủng hoảng 2011 – 2013, Novaland – bằng nguồn lực dồi dào từ các dự án thành công, đã thâu tóm được hàng loạt dự án từ các đối thủ đã bị suy yếu. Hệ quả là từ năm 2014 trở đi, công ty phất lên như diều gặp gió. Riêng trong năm 2014, Novaland M&A tới 7 dự án gồm: Icon 56, Galaxy 9, RiveGate, The Sun Avenue, Lucky Garden, Orchard Garden và GardenGate, chưa kể còn xây dựng được 12 sàn giao dịch tại TP. HCM.

Giai đoạn 2015 - 2016, Novaland tiếp tục “oanh tạc” thị trường TP. HCM bằng danh mục dự án đồ sộ gồm: Golf Park, Wilton Tower, Sunrise Cityview, Sunrise Riverside, Kingston Residence, Golden Mansion, Orchard Parkview, The Botanica, Richstar, Saigon Royal Residence, Lakeview City, Newton Residence, Botanica Premier…

Điều này dẫn đến từ 2014 đến 2016, kết quả kinh doanh của công ty đại tiến, doanh thu tăng từ 2.802 tỷ đồng lên 7.359 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng từ 96 tỷ đồng lên 1.659 tỷ đồng. Quy mô doanh nghiệp cũng được mở rộng lên tới 40 công ty con và 6 công ty liên kết.

Cuối năm 2016, Novaland chính thức lên sàn HoSE. Với hơn 589 triệu cổ phiếu niêm yết giá 50.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa chào sàn của Novaland đạt 29.500 tỷ đồng, lớn thứ 2 thị trường, chỉ sau Vingroup. Ông Bùi Thành Nhơn cũng qua đó trở thành người giàu thứ 4 trên sàn chứng khoán Việt Nam, đứng sau các doanh nhân: Phạm Nhật Vượng (Vingroup), Trịnh Văn Quyết (FLC) và Trần Đình Long (Hòa Phát). Đến năm 2017, nhờ cú nhận chuyển nhượng 19,5 triệu cổ phiếu từ Credit Suisse AG (Singapore) gia đình ông Nhơn chính thức lọt vào nhóm tỷ phú USD trên sàn chứng khoán với tổng tài sản ước tính 1,3 tỷ USD.

Những năm tiếp theo, Novaland tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Giai đoạn 2017 – 2018, công ty chứng kiến doanh thu tăng vọt lên 11.632 tỷ đồng rồi 15.290 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 2.061 tỷ đồng và 3.267 tỷ đồng.

Năm 2019, Novaland khiến toàn thị trường rúng động khi cho ra mắt 3 dự án rất lớn gồm: Aqua City (Đồng Nai, gần 1.000ha), NovaWorld Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu, gần 1000ha) và NovaWorld Phan Thiết (Bình Thuận, gần 1.000ha). 3 dự án này là nền tảng kinh doanh của công ty suốt từ đó đến nay.

Dự án Aqua City

Tính trong giai đoạn 2019 – 2022, các dự án trên đã đóng góp quan trọng cho nguồn thu của Novaland. Doanh thu thuần các năm này (ngoại trừ 2020 bị tác động mạnh của dịch bệnh) đều trên 10.000 tỷ đồng (lần lượt là: 10.931 tỷ đồng, 14.903 tỷ đồng, 11.134 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế đều trên 2.000 tỷ đồng (lần lượt là: 3.387 tỷ đồng, 3.454 tỷ đồng, 2.181 tỷ đồng).

Vào năm 2022, sau những thành công của các dự án trên, ông Bùi Thành Nhơn chính thức được Forbes công nhận là tỷ phú USD với khối tài sản lên tới 2,9 tỷ USD. Đây cũng là đỉnh cao cuộc đời của vị doanh nhân này.

Bão giông sau ngày “thoái vị”

Đầu năm 2022, ông Bùi Thành Nhơn gây bất ngờ khi quyết định thôi làm chủ tịch đồng thời rút khỏi HĐQT Novaland, trao quyền cho những cộng sự đã cùng ông gây dựng nên “đế chế” gồm: ghế chủ tịch HĐQT cho ông Bùi Xuân Huy, ghế CEO cho ông Nguyễn Ngọc Huyên, 2 ghế phó tổng gám đốc cho các bà: Dương Thị Thu Thủy và Võ Thị Cao Ly. Bản thân ông Nhơn rút về làm chủ tịch NovaGroup, lãnh đạo Novaland ở sau “cánh gà”.

Ở thời điểm ông Nhơn “thoái vị”, Novaland cơ bản vẫn tốt. Tuy nhiên chỉ sau đó ít tháng, cục diện đã thay đổi 180 độ. Hai “quả bom” trái phiếu doanh nghiệp là Tân Hoàng Minh và An Đông (thuộc Vạn Thịnh Phát) liên tiếp “phát nổ” đã làm rung chuyển thị trường tài chính. Tâm lý hoảng loạn bao trùm đã kích hoạt làn sóng rút tiền trước hạn của các trái chủ đồng thời ngăn chặn nỗ lực phát hành trái phiếu mới của các doanh nghiệp.

Chưa dừng lại ở đó, từ quý III/2022, mặt bằng lãi suất bắt đầu dâng lên, trong khi room tín dụng của các ngân hàng lại gần như đã cạn. Cơn khát tiền diễn ra trên toàn thị trường, đẩy các doanh nghiệp vào sát chân tường. Những hoạt động bán hàng trong bối cảnh ngặt nghèo không mang lại nhiều kết quả, dù cho doanh nghiệp đã chủ động chiết khấu sản phẩm lên tới hàng chục %.

Hậu quả là hàng loạt doanh nghiệp lâm vào cảnh “vỡ nợ kĩ thuật” do không thể trả nợ trái phiếu đúng hạn. Và lần đầu tiên sau 10 năm, kể từ cuộc khủng hoảng 2011 – 2013, thị trường bất động sản lâm vào cảnh “đóng băng” toàn diện: các dự án ngừng triển khai, số lượng giao dịch lao dốc, hàng vạn nhân sự bị sa thải, số doanh nghiệp đóng cửa lên tới hàng nghìn…

Trong cơn khủng hoảng tồi tệ chưa từng có đó, Novaland là một trong những đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các dự án lớn như: Aqua City, NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm… đều “đứng hình”, hoạt động bán hàng hầu như tê liệt, dòng tiền doanh nghiệp vô cùng khó khăn do tiền mặt bị tạm khóa ở các ngân hàng trong khi áp lực trả nợ trái phiếu nặng như núi đè... Tới quý IV/2022, tiếng “kêu cứu” của Novaland đã vang lên trên khắp các diễn đàn.

Với ông Bùi Thành Nhơn và gia đình, cuộc khủng hoảng đã “thổi bay” hàng trăm triệu cổ phiếu NVL khỏi tầm tay, khiến tỷ lệ sở hữu tại Novaland sụt giảm đáng kể đồng nghĩa với tài sản bị hao hụt rất lớn. Cùng với sự sụt giảm của thị giá NVL, đây là những nguyên nhân cơ bản khiến ông Nhơn bị loại khỏi danh sách tỷ phú USD của Forbes vào đầu năm 2023.

Dự án NovaWorld Phan Thiết

Tái xuất để giải cứu “đế chế”

Trước tình cảnh khó khăn nghiêm trọng của Novaland, tháng 2/2023, ông Bùi Thành Nhơn quyết định quay lại ghế chủ tịch HĐQT và thực hiện một cuộc “đại phẫu”. Điểm nhấn của công cuộc này là tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp mà cốt lõi là tăng vốn. Theo phương án ban đầu, Novaland sẽ chào bán 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 nhằm huy động 19.501 tỷ đồng và chào bán riêng lẻ 975 triệu cổ phiếu để huy động 9.750 tỷ đồng. Nếu thành công, Novaland sẽ hút về 29.250 tỷ đồng, qua đó giải quyết được tình trạng nợ nần và có nguồn lực để tiếp tục triển khai các dự án.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, phương án này đã được thu hẹp về quy mô. Theo đó, Novaland chỉ dự kiến chào bán 1,17 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động 11.700 tỷ đồng và chào bán riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu để thu về 2.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu thực hiện thành công, Novaland sẽ thu về 13.700 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến các phương án chào bán trên là trong năm 2024 hoặc một thời điểm khác theo quyết định của HĐQT.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 (AGM 2024), các phương án phát hành trên cơ bản được giữ nguyên, ngoại trừ điều chỉnh tỷ lệ thực hiện quyền ở việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, từ “cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 6 quyền mua, cứ 10 quyền mua được mua 6 cổ phiếu mới” thành “cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 quyền mua, cứ 10 quyền mua được mua 6 cổ phiếu mới”.

Song song với việc tăng vốn, Novaland cũng lên phương án phát hành cổ phiếu theo yêu cầu của các chủ nợ để hoán đổi các khoản nợ. Ngoài ra, công ty cũng kêu gọi các chủ nợ hoán đổi nợ lấy sản phẩm bất động sản. Việc đàm phán giãn thời điểm thanh toán các lô trái phiếu cũng được thúc đẩy.

Những nỗ lực này sau một năm đã có hiệu quả rõ rệt. Tại AGM 2024, lãnh đạo Novaland báo cáo: công ty đã giảm nợ vay khoảng 7.156 tỷ đồng so với năm 2022, thỏa thuận thống nhất phương án tái cấu trúc liên quan đến trái phiếu chuyển đổi có tổng trị giá 300 triệu USD, tổng giá trị gia hạn thanh toán gốc trái phiếu trong nước theo hướng dẫn tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP đạt trên 9.200 tỷ đồng. Đáng chú ý, công ty đã hoàn tất một giao dịch hoán đổi trái phiếu có tổng trị giá 2.346 tỷ đồng với phần vốn chủ sở hữu trong một dự án. Ngoài ra, công ty cũng thành công trong các thỏa thuận việc hoán đổi trái phiếu và giá trị công nợ bằng sản phẩm của tập đoàn với tổng giá trị thực hiện đạt khoảng 2.500 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, sau năm 2023 trầm lắng, với doanh thu chỉ 4.757 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 485 tỷ đồng, nửa đầu năm 2024, kết quả kinh doanh của Novaland đã có dấu hiệu khởi sắc: doanh thu đạt 2.246 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 344 tỷ đồng. Đáng chú ý, các dự án lớn của Novaland đã được tái khởi động ngay từ giữa năm 2023 và sang năm 2024 đang ghi nhận những chuyển biến tích cực. Tất cả những điều này cho thấy Novaland đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang bước chân trên con đường hồi phục, dẫu rằng hành trình phía trước vẫn còn không ít gian nan.

Những sóng gió của giai đoạn 2022 – 2023 và sự hồi phục của Novaland trong giai đoạn hiện nay đã một lần nữa làm nổi bật bản lĩnh thương trường của ông Bùi Thành Nhơn – vị doanh nhân có hơn 30 năm “chinh chiến” và đã gặt hái hầu hết vinh quang của đời kinh doanh. Xét lịch sử phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam, ông Bùi Thành Nhơn và Novaland rõ ràng có một vị trí lớn. Vị trí này rất có thể sẽ còn lớn hơn nữa trong tương lai, bởi những gì đã qua không phải là khởi đầu cho một kết thúc mà chỉ là kết thúc của một khởi đầu. Cuộc chơi vẫn còn dài lắm…

Cổ phiếu NVL bị cảnh báo, Chủ tịch Bùi Thành Nhơn viết tâm thư nói ‘có làm sẽ có sai sót'

Cổ phiếu NVL bị cảnh báo, Chủ tịch Bùi Thành Nhơn viết tâm thư nói ‘có làm sẽ có sai sót'

Doanh nghiệp
(VNF) - Chủ tịch Bùi Thành Nhơn vừa có tâm thư gửi đến cổ đông và nhà đầu tư thừa nhận việc tồn tại những sai sót, đồng thời khẳng định trách nhiệm của doanh nghiệp đối với khách hàng, cổ đông và nhà đầu tư.
Cùng chuyên mục
Tin khác