Hàng loạt 'đại gia' thép bị ngân hàng siết nợ trăm tỷ đồng
(VNF) - Một loạt doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép bị ngân hàng xiết nợ. Mới đây, BIDV rao bán tài sản thế chấp của một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm từ thép trị giá hàng trăm tỷ.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ngãi (BIDV Quảng Ngãi) vừa thông báo về việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản và khoản nợ của Công ty TNHH Việt Quang. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm từ thép như: lưới B40, dây thép, đinh thép, dây mạ kẽm,...
Khoản nợ của Công ty Việt Quang được hình thành từ năm 2010, có tổng dư nợ tính đến 31/7/2024 là 185,227 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là hơn 127,869 tỷ đồng, nợ lãi là 56,964 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ này gồm: máy móc, thiết bị sản xuất; trạm biến áp 2.500 kVA; máy móc, thiết bị thuộc dự án đầu tư Nhà máy sản xuất thép mạ kẽm và vật liệu hàn; tài sản gắn liền với đất tại 3 thửa đất thuộc Khu công nghiệp Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Cùng với đó là các quyền sử dụng đất tại tổ 45, phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng; quyền sử dụng đất xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng; quyền sử dụng đất tại lô BS1-13 KDC TS mở rộng, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng; nhà đất tại tổ 9, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng; quyền sử dụng đất và nhà ở tại Khu đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi.
Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn bao gồm toàn bộ hàng tồn kho và toàn bộ quyền đòi nợ của doanh nghiệp. Các tài sản đảm bảo trên được thế chấp rải rác trong thời gian từ năm 2010-2018.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp thép cũng bị các ông lớn ngân hàng rao bán tài sản thế chấp trị giá hàng trăm tỷ đồng. Có những khoản nợ đã được rao bán hàng chục lần trong nhiều năm nhưng vẫn chưa tìm được người mua.
Tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Agribank thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ trị giá xấp xỉ 361 tỷ đồng của Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam và CTCP Đầu tư Khang Duy (một doanh nghiệp có cùng hệ sinh thái với Thép KDG).
Giá trị sổ sách của hai khoản nợ tính đến 31/3 là 360,904 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là 250,480 tỷ đồng, nợ lãi 110,424 tỷ đồng. Khoản nợ của Thép KDG có giá trị ghi sổ tạm tính là 182,595 tỷ đồng, khoản nợ của Khang Duy tạm tính đến 31/3 là 178,308 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Thép KDG gồm quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác phát sinh từ hợp đồng thuê đất giữa Thép KDG và chủ đầu tư Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – TNHH MTV Becamex IDC Corporation. Dự án đầu tư nhà xưởng Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam và máy móc thiết bị của nhà xưởng.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty Khang Duy gồm quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác phát sinh từ Hợp đồng thuê đất ký giữa Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam và chủ đầu tư Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – TNHH MTV Becamex IDC Corporation. Dự án đầu tư Nhà xưởng Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam; xe đầu kéo và sơ mi rơ moóc tải, xe ô tô.
Agribank đặt giá khởi điểm đấu giá cho hai khoản nợ trên là 360,9 tỷ đồng, bằng đúng giá trị ghi sổ tính đến ngày 31/3.
Cùng thời gian trên, Agribank cũng chào bán khoản nợ của một doanh nghiệp trong ngành thép là CTCP Thép Nguyên Phát (Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội). Khoản nợ phát sinh theo hai hợp đồng tín dụng từ năm 2012. Giá trị khoản nợ tính đến tháng 1/2024 là 2,769 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 1,607 tỷ đồng. Ngân hàng không tiết lộ thông tin về tài sản đảm bảo của khoản nợ, giá khởi điểm là 1,820 tỷ đồng.
Agribank AMC cũng nhiều lần tổ chức đấu giá các tài sản đảm bảo là bất động sản cho khoản vay của Công ty TNHH Thương mại Thép UK. Những khoản vay trên đã liên tục được đem ra đấu giá kể từ cuối năm 2022 đến gần nhất là tháng 3/2024.
Đáng chú ý, BIDV đã có trên 20 lần rao bán khoản nợ của CTCP Thép Việt Nhật. Khoản nợ của Thép Việt Nhật lên tới 447 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 194 tỷ đồng. Sau nhiều lần hạ giá, mức giá khởi điểm của khoản nợ này chỉ còn hơn 80 tỷ đồng. Tài sản thế chấp cho khoản nợ trên gồm bất động sản, xe ô tô các loại và dây chuyền sản xuất thép.
Trước đó, BIDV cũng từng rao bán các khoản nợ của những doanh nghiệp trong ngành thép như CTCP Hoàng Long Steel, CTCP Luyện cán thép Sóc Sơn, CTCP Thép Việt Nga…
Vietcombank cũng nhiều lần có thông báo phát mại tài sản đảm bảo là bất động sản của CTCP Thép DANA - UC. Bất động sản này có địa chỉ tại 92 Phan Châu Trinh, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Thửa đất có diện tích 214,4m2, có 8 tầng (thực tế 9 tầng, một tầng tum), diện tích xây dựng 214,4m2 và diện tích sử dụng 1.883,8m2.
Tương tự, VietinBank cũng đã nhiều lần rao bán khoản nợ trị giá 183 tỷ đồng (nợ gốc 132 tỷ đồng) của CTCP Thép Úc SSE và khoản nợ 306 tỷ đồng (nợ gốc 267 tỷ đồng) của CTCP Thép Nam Thuận. Cả hai doanh nghiệp này đều do ông Lâm Văn Hùng làm Tổng Giám đốc. Giá khởi điểm của hai khoản nợ chỉ tương đương với dư nợ gốc của từng khoản nợ.
Ngân hàng lần thứ 10 rao bán dự án của Tân Hoàng Minh tại Phú Quốc
- Hàng loạt tài sản giá trị của Thép Việt Nhật bị BIDV hạ giá còn 114 tỷ đồng để 'xiết nợ' 24/05/2023 09:18
- Ngân hàng rao bán cả loạt resort, khách sạn để xiết nợ 27/09/2022 03:05
- Điểm tên loạt đại gia thép dính nợ xấu ngân hàng 14/04/2024 10:59
Toàn cảnh Vinhomes Royal Island qua những khung hình từ trên cao
(VNF) - Dự án Vinhomes Royal Island đã được mở bán từ cuối tháng 3 với quy mô 877 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD nằm trọn trên đảo Vũ Yên.