Hành trình từ startup đến công ty tỷ đô của Lazada
Hà Trương -
15/11/2018 20:24 (GMT+7)
Doanh nghiệp Singapore được cho là một trong những sàn thương mại điện tử thành công nhất khu vực.
Sau 6 năm hoạt động, Lazada dần trở thành cái tên quen thuộc với những người quen mua hàng qua mạng ở Việt Nam.
Khởi đầu với 30 nhân viên và một văn phòng đại diện ở TP HCM năm 2012,Lazadađã đứng vào hàng "đại gia" trên thị trường thương mại điện tử Việt với quy mô nhân sự lên đến hàng nghìn người. Từ một nhà kho nhỏ ở Cát Lái năm 2015, 5 năm sau, công ty có bốn nhà kho lớn tại TP. HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và 43 trung tâm giao nhận trên cả nước.
Tốc độ tăng trưởng gấp đôi sau mỗi năm. Thống kê từ công ty cho thấy riêng quý III năm nay, sàn thương mại điện tử này có 30 triệu lượt truy cập hàng tháng, 3.000 thương hiệu, 155.000 nhà bán hàng phục vụ 560 triệu lượt người dùng, cùng 300 triệu sản phẩm thuộc nhiều danh mục, từ điện tử đến hàng gia dụng, đồ chơi, thời trang, thiết bị thể thao...
Không chỉ ở Việt Nam, trên thị trường châu Á, Lazada đã được xếp vào hàng ngũ các unicorn, thuật ngữ chỉ các công ty khởi nghiệp có giá trị trên một tỷ USD.
Được sáng lập năm 2012 bởi tập đoàn Rocket Internet đến từ Đức, Lazada nhanh chóng được rót được hàng trăm triệu USD sau vài vòng huy động vốn đầu tiên từ các nhà đầu tư như Tesco, Temasek Holdings, Summit Partners, JPMorgan Chase, Investment AB Kinnevik.
Hoạt động chủ yếu là 6 nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, Lazada nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, thu hút sự chú ý của ông lớn thương mại điện tử Alibaba. Năm 2016, Alibaba bỏ ra một tỷ USD để đổi lấy cổ phần chi phối tại Lazada và kể từ đó đến nay bơm thêm 3 tỷ USD vào công ty.
Dù vậy, thương mại điện tử Đông Nam Á nhanh chóng thu hút thêm nhiều đối thủ khi là một miếng bánh màu mỡ với quy mô thị trường 630 triệu USD, tăng trưởng thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Tại đây, quy mô giao dịch thương mại điện tử đã tăng từ 5,5 tỷ năm 2015 lên 7,9 tỷ USD năm 2017, được dự báo lên con số 88,1 tỷ USD năm 2025.
Trong bối cảnh đó, công nghệ sẽ là lời giải cho bài toán cạnh tranh của Lazada. Để tối ưu hóa hoạt động, sàn thương mại điện tử này chú trọng ứng dụng công nghệ nhằm thu hút khách hàng và người bán tiềm năng.
Tháng 6 vừa qua, LEX Express - đơn vị giao nhận thương mại điện tử của hãng giới thiệu hệ thống phân loại hàng hóa tự động bằng robot thứ hai với diện tích gần 10.000 m2 tại Hà Nội.
Công ty phát triển hệ thống quản lý vận chuyển, giao diện lập trình ứng dụng API, xây dựng bảng thời gian thực... tới các nhà cung cấp dịch vụ. Đồng thời, áp dụng tự động hóa vào quy trình chọn và đóng gói, phân loại bưu kiện, thông minh định tuyến...
Chăm sóc khách hàng và gia tăng trải nhiệm người dùng cũng là một ưu tiên của hãng. Đại diện Lazada bày tỏ tham vọng dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Việt Nam và khu vực khi liên tục đưa ra chính sách mới, vừa nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng, vừa hỗ trợ người kinh doanh. Gần đây nhất, từ tháng 11, Lazada giới thiệu 8 vùng vận chuyển 0 đồng từ Bắc tới Nam.
Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến được ra mắt, tiêu biểu là LazMall cung cấp sản phẩm 100% chính hãng do Lazada hoặc thương hiệu và nhà uỷ quyền thương hiệu phân phối. Hãng cam kết hoàn tiền hai lần nếu là hàng không chính hãng, cho phép đổi trả trong 15 ngày và giao nhận ngày hôm sau.
Để cạnh tranh về logistics, Lazada tách bộ phận giao nhận hàng và phát triển thành đơn vị độc lập mang tên Lazada Express từ 2015.
Công ty cũng tiến hành thử nghiệm phát triển đội giao hàng bằng xe đạp, xe máy và xe ba bánh điện, đặt mục tiêu tăng hàng trăm chiếc cuối năm 2018, dựa trên phân tích về khả năng phát triển của thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
Theo đại diện công ty, việc đầu tư vào đội ngũ giao hàng xanh, thân thiện với môi trường mang đến nhiều lợi ích như: giảm chi phí đầu tư, vận hành và bảo dưỡng, có khả năng đi vào những con đường hẹp và đông, đậu được nhiều nơi...
"Kết quả kinh doanh ngày càng tăng trưởng là minh chứng cho những nỗ lực của chúng tôi", đại diện Lazada nhận định. Mới đây nhất, chương trình "đại tiệc mua sắm" trực tuyến ngày 11/11 của hãng công bố đón nhận 20 triệu người mua sắm ở Đông Nam Á, 50 triệu voucher Lazada đã phát hành, với 400.000 thương hiệu và người bán hàng tham gia.
Theo công bố từ đại diện Lazada, chỉ trong 60 phút đầu tiên trong ngày, 1,2 triệu đơn hàng đã được đặt tại khu vực Đông Nam Á.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone