M&A

Hapro muốn bán hơn 21% vốn tại Kem Thuỷ Tạ

(VNF) - Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) vừa thông qua việc chuyển nhượng 637.500 cổ phần, tương đương 21,25% vốn tại Công ty cổ phần Thuỷ Tạ (UPCoM:TTJ).

Hapro muốn bán hơn 21% vốn tại Kem Thuỷ Tạ

Thuỷ Tạ sở hữu nhiều 'đất vàng' tại khu vực trung tâm Hà Nội.

Giao dịch dự kiến được thực hiện bằng phương thức thoả thuận và khớp lệnh không thấp hơn mệnh giá. Hiện, TTJ đang giao dịch trên sàn UPCoM quang vùng giá 80.000 đồng/cổ phiếu nhưng trắng thanh khoản.

Nếu thoái vốn thành công, Hapro sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Kem Thuỷ Tạ xuống 30% vốn.

Thương hiệu Kem Thủy Tạ ra đời từ năm 1945 gắn với nhà hàng Thủy Tạ bên Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội - tiền thân của công ty Thủy Tạ hiện tại. Sau khi công ty Thủy Tạ được thành lập từ tháng 5/1958, thương hiệu này trở thành một mảng kinh doanh nòng cốt, bên cạnh những lĩnh vực khác như nhà hàng, cung cấp dịch vụ.

Mặc dù là thương hiệu “vang bóng một thời” nhưng trong nhiều năm trở lại đây tình hình kinh doanh của Thuỷ Tạ lao dốc, lép vế trước các đối thủ đến sau.

Số liệu kiểm toán năm 2018 cho thấy doanh thu thuần của Thủy Tạ đạt hơn 102 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2017 và chỉ thực hiện gần 85% kế hoạch năm, công ty lãi sau thuế 2,3 tỷ đồng, giảm gần 60% năm 2017 và chỉ thực hiện được 30,6% kế hoạch năm.

Còn theo một báo cáo của Euromonitor, thị phần kem của Thủy Tạ chỉ đạt khoảng 1,5% cả nước. Vì hệ thống phân phối đa phần ở các cửa hàng nằm trên phố Lê Thái Tổ trực thuộc công ty, trong khi các điểm bán không phủ rộng nhiều như kem Tràng Tiền.

Năm 2019, Thuỷ Tạ đặt mục tiêu doanh thu đạt 109 tỷ đồng và lợi nhuận xấp xỉ 7 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty cho biết dây chuyền sản xuất kem và nước tinh khiết đã lạc hậu, không đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao. Công ty thông qua phươg án tăng vốn điều lệ gấp 10 lần hiện tại trong phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên, lên 300 tỷ đồng để đầu tư nhà máy, nâng cấp dây chuyền và di chuyển khu vực sản xuất ra khỏi nội đô.

Tin mới lên