HDBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.000 tỷ đồng

Duy Phan - 11/08/2022 09:38 (GMT+7)

(VNF) - Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE), Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HoSE: HDB) vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.030 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%.

VNF
HDBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.000 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 18/7, HĐQT HDBank đã phê duyệt triển khai tăng vốn điều lệ năm 2022 theo phương án được ĐHCĐ thông qua. Vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng từ 20.273 tỷ đồng lên 25.303 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, với tỷ lệ phân phối 25%, dự kiến hoàn thành trong quý III.

Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được dành khoảng 3.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay trung dài hạn, phần còn lại sẽ bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động khác.

Về kết quả kinh doanh, HDBank mới đây công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 5.304 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ và hoàn thành 54% kế hoạch năm. Thu thuần từ dịch vụ riêng lẻ tăng trên 113%, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 0,93%.

Trong quý II, toàn bộ các chỉ tiêu kinh doanh của HDBank đều tăng trưởng cao. Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 5.582 tỷ, tăng 31,2% so với cùng kỳ quý II/2021. Lợi nhuận trước thuế quý II đạt 2.776 tỷ, tăng 32,6% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm tổng thu nhập hoạt động đạt 10.704 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó thu nhập thuần từ lãi tăng 25,8%, thu nhập ngoài lãi tăng 32,6%. Đặc biệt mảng kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) và các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục khởi sắc mạnh với thu nhập thuần gấp hai lần cùng kỳ.

HDBank cho biết ngân hàng quản trị hiệu quả chi phí đồng thời ứng dụng công nghệ số để gia tăng năng suất lao động và quản trị rủi ro, giúp chi phí hoạt động 6 tháng đầu năm chỉ tăng 19,4% so với cùng kỳ.

Các chỉ tiêu an toàn hoạt động được đảm bảo ở mức tốt với hệ số an toàn vốn CAR (chuẩn Basel II) đạt 14,9%, mức cao dẫn đầu toàn ngành. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 0,93%, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu riêng lẻ đạt mức an toàn cao 109%.

Tại ngày 30/6/2022, tổng huy động vốn đạt trên 340 nghìn tỷ đồng. Dư nợ tín dụng hợp nhất đạt trên 245 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8% so với 31/12/2021.

Cùng chuyên mục
Tin khác