Hoá chất Thăng Long: Doanh thu trăm tỷ nhưng lợi nhuận nhỏ nhoi
(VNF) - Tham gia nhiều gói thầu có giá trị và liên tục trúng “sát giá” giúp doanh thu của Công ty Hoá chất Thăng Long đạt doanh thu hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại ghi nhận mức lợi nhuận bé ‘hạt tiêu’.
- Đầu tư và dịch vụ Sao Kim bị dừng làm thủ tục hải quan 25/06/2024 09:00
Đôi nét về Công ty Hoá chất Thăng Long
Công ty cổ phần Thiết bị và Hoá chất Thăng Long (Công ty Hoá chất Thăng Long) được thành lập vào năm 2005, có địa chỉ trụ sở tại số 8, ngõ 263 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác.
“Chỉ huy trưởng” của Công ty Hóa chất Thăng Long là doanh nhân Lê Xuân Tưởng. Hiện ông đang là Chủ tịch của Tập đoàn Tgroup, Chủ tịch CLB Doanh nhân họ Lê tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ IV 2024 – 2029.
Ông Tưởng từng là sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại Học Quốc gia Hà Nội, sau khi tốt nghiệp (năm 1998) ông theo đuổi con đường kinh doanh. Bởi theo ông chỉ có làm kinh doanh mới có tiền để thực hiện được ước mơ của mình.
Chia sẻ trước truyền thông, ông Tưởng cho biết trước khi thành lập Công ty Hóa chất Thăng Long vào năm 2005, ông từng có thời gian công tác tại Công ty đường Lam Sơn. Trên con đường khởi nghiệp của mình, ông kể rằng từng có lúc rơi vào cảnh đến chiếc xe máy cà tàng cũng không có mà đi. Khi đó, ông phải mượn xe máy của vợ và nhân viên cắm luân phiên để lấy vốn làm ăn, vực lại cơ nghiệp.
Theo ông Tưởng, một trong những chìa khóa của thành công là không được bỏ cuộc dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa.
Sau một thời gian dài lăn lộn trên thương trường và dưới bàn tay chèo lái của “thuyền trưởng” Lê Xuân Tưởng, hiện nay Công ty Hoá chất Thăng Long đã được nhiều nhãn hãng lớn trên thế giới “chọn mặt gửi vàng” làm nhà phân phối chính thức tại Việt Nam.
Đơn cử, Hóa chất Thăng Long phân phối chính thức cho nhãn hãng Sciex – LCMSMS, Eppendorf - Đức về máy ly tâm, pipette và giải pháp sinh học phân tử; Merck - Đức về máy lọc nước siêu sạch; Carl Zeiss – Đức về kính hiển vi; TA Instruments – Hoa Kỳ về máy lưu biến và phân tích cao su; ESCO Pharma – Singapore về thiết bị sản xuất và kiểm định dược; Gold standard diagnostics về máy Elisa và test nhanh thực phẩm; Philips – Hà Lan về máy siêu âm và Hillrom – Hoa Kỳ về thiết bị phòng khám.
Trúng nhiều gói thầu ngành thiết bị y tế với tỷ lệ tiết kiệm nhỏ giọt
Chỉ ít năm trở lại đây, với vai trò liên doanh liên kết hoặc độc lập Công ty Hóa chất Thăng Long đã tham gia dự thầu và trúng thầu hàng loạt gói thầu cung ứng máy móc, thiết bị y tế, hoá chất cho các Viện, bệnh viện,... trên cả nước.
Theo dữ liệu của VietnamFinance, công ty đã tham gia đấu và trúng ít nhất 97 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu hơn 589,8 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập hơn 471,1 tỷ đồng và tổng giá trị trúng thầu với vai trò liên danh hơn 118,67 tỷ đồng. Tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán là 95,19%. Chủ yếu trúng nhiều gói thầu tại Hà Nội (40 gói), Đà Nẵng (14 gói), TP. HCM (4 gói),…
Đơn cử, tháng 12/2023, Công ty Hóa chất Thăng Long với vai trò độc lập trúng thầu Gói thầu số 6: Cân điện tử và bộ quả cân chuẩn, do Viện Khoa học hình sự làm chủ đầu tư, với giá trúng thầu hơn 11,48 tỷ đồng; giá gói thầu 11,5 tỷ đồng. Như vậy, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước với tỷ lệ chỉ 0,17%.
Tháng 11/2023, với vai trò độc lập Công ty Hóa chất Thăng Long trúng Gói thầu: Mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ công tác giám định kỹ thuật hình sự, pháp y do Công an tỉnh Bắc Giang làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này trúng thầu với giá hơn 3,34 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 3,37 tỷ đồng; tiết kiệm cho ngân sách nhà nước với tỷ lệ chỉ 0,8%.
Tiếp đó, ngày 24/11/2023, Công ty Hóa chất Thăng Long “một mình một ngựa” trúng thầu Gói số 9: Thiết bị khoa học công nghệ, thuộc dự án Cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất và tăng cường năng lực nghiên cứu do Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch làm chủ đầu tư. Theo đó, doanh nghiệp này trúng thầu với giá hơn 21,09 tỷ đồng; giá dự toán hơn 21,10 tỷ đồng; tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách chỉ 0,04%.
Tiếp đó, Công ty Hóa chất Thăng Long cũng được lựa chọn là nhà thầu trúng thầu tại Gói thầu số 03: Sửa chữa trang thiết bị khoa học kỹ thuật (do Cục Quân y - Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc Phòng làm chủ đầu tư), với giá trúng thầu hơn 2,35 tỷ đồng; giá dự toán hơn 2,36 tỷ đồng. Như vậy, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước với tỷ lệ 0,4%.
Hay Gói thầu: Cung cấp thiết bị phụ trợ do Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia làm chủ đầu tư, với giá trúng thầu 2,345 tỷ đồng; giá gói thầu 2,38 tỷ đồng. Tiết kiệm cho ngân sách nhà nước với tỷ lệ 1,4%.
Ngoài ra, với vai trò liên danh Công ty Hóa chất Thăng Long cùng Công ty TNHH Sao Đỏ Việt Nam trúng Gói thầu: Mua sắm thiết bị đo tính chất vật lý và hóa học của vật liệu xây dựng (Viện vật liệu xây dựng làm chủ đầu tư) với giá trúng thầu hơn 8,57 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 8,86 tỷ đồng.
Năng lực tài chính của Công ty Hoá chất Thăng Long có gì?
Theo dữ liệu của VietnamFinance, trong giai đoạn 2020-2023, doanh thu thuần của Công ty Hoá chất Thăng Long liên tục giảm qua từng năm. Đáng chú ý, giai đoạn 2022-2023 doanh thu thuần của công ty có dấu hiệu sụt giảm mạnh nhất.
Cụ thể, năm 2020 doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt hơn 211,35 tỷ đồng; năm 2021 giảm xuống còn 188,95 tỷ đồng; tới năm 2022 giảm về mức hơn 172,43 tỷ đồng. Sang năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần giảm mạnh tới hơn 130 tỷ đồng về mức hơn 41,71 tỷ đồng, tương đương mức giảm tới 75,8% so với năm trước đó.
Trong khi đó, lợi nhuận gộp của công ty trong giai đoạn 2020-2023 có nhiều biến động. Từ mức hơn 20,17 tỷ đồng (năm 2020) tăng lên 24,66 tỷ đồng vào năm 2021. Sau đó giảm về mức hơn 20,83 tỷ đồng vào năm 2022 và giảm mạnh tới 40% vào năm 2023, xuống còn hơn 12,56 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu của công ty ghi nhận tới hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của Công ty Hoá chất Thăng Long giai đoạn 2020-2023 khá mờ nhạt.
Cụ thể, kết thúc năm 2020 công ty ghi nhận khoản lãi hơn 134,58 triệu đồng; năm 2021 tăng vọt lên 637,11 triệu đồng. Tới năm 2022, lợi nhuận sau thuế của công ty tụt sâu xuống còn hơn 82,79 triệu đồng và năm 2023 chỉ lãi hơn 19,32 triệu đồng.
Trong giai đoạn 2020-2023, tổng cộng tài sản của Công ty Hoá chất Thăng Long nhảy múa theo từng năm. Cụ thể, năm 2020 ở mức hơn 179,75 tỷ đồng; năm 2021 tăng lên 243,41 tỷ đồng. Sang năm 2022 giảm nhẹ về mức 216,29 tỷ đồng (giảm hơn 11%) và tăng vọt lên hơn 246,11 tỷ đồng vào năm 2023. Như vậy, sau 4 năm tổng cộng tài sản của Công ty Hoá chất Thăng Long tăng gấp gần 1,37 lần.
Hàng tồn kho của công ty liên tục gia tăng theo từng năm trong giai đoạn 2021-2023. Từ 4,94 tỷ đồng năm 2021, sau đó tăng lên 12,64 tỷ đồng năm 2022 và năm 2023 tăng lên 21,15 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 năm hàng tồn kho tăng gấp gần 4,3 lần.
Cũng theo dữ liệu của VietnamFinance, giai đoạn 2020-2023, nợ phải trả của công ty có nhiều biến động. Cụ thể, năm 2020 là hơn 78,33 tỷ đồng, sang năm 2021 tăng lên hơn 141,35 tỷ đồng. Tiếp đó, năm 2022 giảm về chỉ còn hơn 114,14 tỷ đồng và sang năm 2023 tăng lên 143,94 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của công ty trong giai đoạn 2021-2023 không có nhiều biến động lớn và luôn duy trì quanh mức trên 102 tỷ đồng.
Y tế Việt Mỹ: Thắng thầu nghìn tỷ đồng trên phạm vi cả nước
Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.