Xây lắp Trường Sơn: Khởi nghiệp vốn hơn 1 tỷ đồng, trở thành nhà thầu quen thuộc của ngành điện
(VNF) - Liên tiếp trúng nhiều gói thầu ngành điện với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng và điểm chung tại các gói thầu mà Công ty Xây lắp Trường Sơn trúng đều có tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước với tỷ lệ “nhỏ giọt”.
Khởi nghiệp với số vốn ít ỏi
Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp Trường Sơn (Công ty Xây lắp Trường Sơn) thành lập ngày 29/8/2002 với vốn điều lệ ban đầu là 1,2 tỷ đồng. Công ty có trụ sở tại Khu công nghiệp Châu Sơn, phường Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình điện đến 500kV (thi công, xây lắp các công trình điện; sản xuất các sản phẩm từ bê tông). Theo giới thiệu trên website, mảng thi công xây lắp là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và là thế mạnh truyền thống của công ty từ khi thành lập đến nay.
Chủ tịch HĐQT của Công ty Xây lắp Trường Sơn là ông Nguyễn Văn Trường, sinh năm 1975. Ông có trình độ chuyên môn là cử nhân Quản lý kinh tế. Trong quá trình công tác, từ năm 1997 đến năm 2002, ông là đội trưởng tại Công ty Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Hà Nam. Từ năm 2004 đến năm 2022, ông là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tại Công ty Xây lắp Trường Sơn và kể từ năm 2022 tới nay, ông Trường chỉ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT.
Theo tìm hiểu, kể từ thời điểm thành lập năm 2002, Công ty Xây lắp Trường Sơn đã trải qua 7 lần tăng vốn điều lệ từ 1,2 tỷ đồng lên 350 tỷ đồng (tăng 291,6 lần so với thời điểm thành lập).
Đáng chú ý, tại lần tăng vốn thứ 6 từ 250 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng có ghi nhận cổ đông mới góp vào. Trong khi đó, lần tăng vốn thứ 7 từ 300 tỷ đồng lên 350 tỷ đồng là chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tại thời điểm 31/12/2023, công ty có 110 nhân viên.
Về cổ đông, tính đến ngày 31/12/2023, công ty có 3 cổ đông lớn gồm: ông Nguyễn Văn Trường (Chủ tịch HĐQT) nắm giữ 20% vốn điều lệ. Tiếp đó là bà Hoàng Kim Huế sở hữu 10% vốn điều lệ và bà Nguyễn Diệu Linh sở hữu 5% vốn điều lệ. Còn lại 65% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông khác.
Đáng chú ý, ở thời điểm ngày 1/1/2023, công ty chỉ có 1 cổ đông lớn là ông Nguyễn Văn Trường (Chủ tịch HĐQT) sở hữu 95% vốn điều lệ và còn lại 5% vốn điều lệ thuộc về cổ đông khác.
Trúng loạt gói thầu ngành điện
Khởi điểm từ một nhà thầu địa phương ở Hà Nam với số vốn ít ỏi, đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp Trường Sơn đã “phủ sóng” khắp các thị trường giàu tiềm năng nhất cả nước, trong đó có thủ đô Hà Nội.
Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy, Công ty Xây lắp Trường Sơn đã tham gia đấu thầu và trúng ít nhất 202 gói thầu, tổng giá trị trúng thầu hơn 3.558,9 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập hơn 835,9 tỷ đồng và tổng giá trị trúng thầu với vai trò liên danh hơn 2.722,9 tỷ đồng.
Tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán là 91.89%. Các tỉnh thành đã tham gia thầu: Hà Nội (218), Hà Nam (33), Nam Định (23), Hưng Yên (17), Hải Dương (13), Bắc Giang (13), Thái Bình (12), Hòa Bình (11), Thanh Hoá (10), Bắc Ninh (6), Lạng Sơn (6),...
Khởi động năm 2024, Công ty Xây lắp Trường Sơn với vai trò độc lập liên tiếp nhận được nhiều gói thầu ngành điện có trị giá lên tới hàng chục tỷ đồng chỉ trong một tháng (tháng 2/2024). Đơn cử, ngày 19/2/2024, Công ty Xây lắp Trường Sơn trúng Gói thầu: Cải tạo lộ 971 TG Nga Liên lên vận hành 22kV (xóa TG Nga Liên), tỉnh Thanh Hóa, do Công ty Điện lực Thanh Hoá – Chi nhánh Tổng công ty Điện lực Miền Bắc làm chủ đầu tư. Công ty trúng thầu với giá hơn 10,40 tỷ đồng; giá dự toán hơn 10,44 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước chỉ 0,3%.
Cũng trong ngày 19/2/2024, Công ty Xây lắp Trường Sơn cũng là nhà thầu trúng thầu tại Gói thầu: Cải tạo lộ 974 TG Nga Sơn lên vận hành 22kV do Công ty Điện lực Thanh Hoá – Chi nhánh Tổng công ty Điện lực Miền Bắc làm chủ đầu tư, với giá 7,69 tỷ đồng; giá dự toán gói thầu hơn 7,73 tỷ đồng. Như vậy, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước với tỷ lệ 0,5%.
Tiếp đó, tại Gói thầu 09.2-TBHT: Cung cấp và xây dựng lắp đặt vật tư thiết bị đường dây và ngăn lộ trạm biến áp, bao gồm tính toán trị số chỉnh định rơle, lập phương thức đóng điện, vận hành và xử lý sự cố, hệ thống camera giám sát, PCCC trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (trụ 162 đến cột cổng TBA 110kV Hà Tiên). Liên danh Công ty Xây lắp Trường Sơn – CTCP Đầu tư xây lắp và thương mại Tân Việt trúng thầu với giá hơn 113,98 tỷ đồng; giá dự toán gói thầu hơn 116,46 tỷ đồng; tiết kiệm cho ngân sách với tỷ lệ 2,1%.
Một gói thầu khác là Gói thầu số 52: Xây lắp đường dây đoạn tuyến từ VT141 đến VT151 (bao gồm VT151), do Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư cũng về tay Công ty Xây lắp Trường Sơn cùng liên danh CTCP Thái Bình Dương, với giá trúng thầu hơn 81,29 tỷ đồng; giá dự toán gói thầu hơn 81,31 tỷ đồng. Như vậy, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước với tỷ lệ 0,02%.
Cách đó không lâu, Công ty Xây lắp Trường Sơn cũng là nhà thầu độc lập may mắn trúng thầu tại Gói 6: Cung cấp, xây dựng và lắp đặt vật tư thiết bị do Tổng công ty Điện lực miền Nam TNHH làm chủ đầu tư, với giá trúng thầu hơn 64,65 tỷ đồng; giá dự toán hơn 66,11 tỷ đồng.
Đầu tư và xây lắp Trường Sơn kinh doanh thế nào?
Liên tục được chủ đầu tư “chọn mặt gửi vàng” trong các gói thầu có giá trị lớn và được nhận nhiều gói thầu “trúng sát giá”, tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách thấp nên không quá bất ngờ khi doanh thu của Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp Trường Sơn luôn đạt hàng trăm tỷ đồng trong nhiều năm qua.
Trong giai đoạn 2021 -2023, doanh thu tăng mạnh nhất của công ty vào năm 2022 khi đạt gần 500 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2021 doanh thu của Công ty Xây lắp Trường Sơn ở mức 394,4 tỷ đồng; năm 2022 tăng lên 470,1 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước đó.
Sang năm 2023, doanh thu bất ngờ sụt giảm 21,3% so với năm trước đó về mức 369,6 tỷ đồng. Mức doanh thu của năm 2023 còn thấp hơn của năm 2021.
Trong cơ cấu doanh thu (giai đoạn 2022 -2023) xây lắp chiếm tỷ trọng 52 - 54%, phần còn lại từ hoạt động bán hàng. Biên lợi nhuận gộp đạt lần lượt 9,4% và 9,8% trong hai năm qua.
Mặc dù doanh thu trăm tỷ mỗi năm nhưng Công ty Xây lắp Trường Sơn lại ghi nhận lợi nhuận chưa thực sự tương xứng. Điển hình như năm 2021, sau khi thu về 394,4 tỷ đồng, doanh nghiệp báo lãi 5,4 tỷ đồng; sang năm 2022, công ty báo lãi 3,2 tỷ đồng (giảm 40,7%).
Đáng chú ý, điều gây bất ngờ là năm 2023 dù là năm có doanh thu thấp nhất trong giai đoạn 2021 – 2023 nhưng công ty lại có khoản lợi nhuận sau thuế tới hơn 10 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Công ty Xây lắp Trường Sơn giai đoạn 2021 – 2023 có nhiều biến động qua từng năm. Cụ thể, năm 2021 công ty có tổng tài sản hơn 575,2 tỷ đồng; năm 2022 giảm về mức 561,2 tỷ đồng và tăng lên 585,2 tỷ đồng vào năm 2023.
Các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng qua từng năm, từ 172,5 tỷ đồng năm 2021 lên 204,4 tỷ đồng vào năm 2022 và năm 2023 tăng lên 206,3 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2023, nợ phải trả của Công ty Xây lắp Trường Sơn hơn 212 tỷ đồng, chiếm 57% vốn chủ sở hữu công ty. Tổng nợ vay của công ty hiện gần 99 tỷ đồng, tập trung chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.
Tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại các ngân hàng của Công ty Xây lắp Trường Sơn khá đang dạng từ: các hợp đồng thế chấp bất động sản, hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và nhà ở, hệ thống máy móc thiết bị hình thành trong tương lai, toàn bộ dây chuyền MMTB tại dự án Nhà máy sản xuất cột điện, cọc bê tông ly tâm dự ứng lực, hệ thống dây chuyền sản xuất cọc bê tông,…
CADI-SUN: Nhà thầu nghìn tỷ, đối tác 'quen thuộc' tại Điện lực Nghệ An, Thanh Hoá
MITEC: Đối tác công nghệ của loạt ngân hàng lớn
Y tế Việt Mỹ: Thắng thầu nghìn tỷ đồng trên phạm vi cả nước
- Xây dựng không phép, Công ty kính Ức Thịnh Việt Nam bị xử phạt 17/06/2024 06:45
- Cần Thơ: Giao đất làm Khu đô thị mới Hoàng Gia chưa đúng quy định 17/06/2024 08:45
- Campuchia có hàng tỷ m3 cát, sẵn sàng xuất sang Việt Nam làm đường cao tốc 16/06/2024 02:30
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.