Tiêu điểm

‘Hơn 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số đang hướng về hội trường Diên Hồng với lòng biết ơn trời biển’

(VNF) – Phát biểu trước Quốc hội, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nói rằng: “Hơn 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số rất vui mừng, phấn khởi đang hướng về hội trường Diên Hồng với lòng biết ơn trời biển đối với công lao của Đảng và Nhà nước, với niềm tin sâu sắc Quốc hội sẽ phê duyệt đề án và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dành thêm nguồn lực đầu tư để đồng bào bớt đi một phần khó khăn, vất vả”.

‘Hơn 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số đang hướng về hội trường Diên Hồng với lòng biết ơn trời biển’

Ông Đỗ Văn Chiến

Sáng nay (1/11), Quốc hội đã thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung phiên thảo luận.

Sau 27 ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã phát biểu giải trình các nội dung liên quan đến đề án. Phát biểu của ông Chiến tập trung vào 3 nội dung chính.

Một là về tên gọi, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của đề án, ông Chiến đề nghị Quốc hội cho giữ tên của đề án là “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, theo đó ban hành chương trình mục tiêu quốc gia để tổ chức thực hiện.

Hai là về các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 – 2030, ông Chiến cho hay kết quả khảo sát cho thấy thu nhập thực tế bình quân của một người dân tộc thiểu số là 1,1 – 1,2 triệu đồng/tháng (tương đương 13 – 14 triệu đồng/năm). Nếu đến năm 2020 tăng gấp đôi thì thu nhập đạt khoảng 26 – 28 triệu đồng/năm.

“Năm 2020 so với 2015, Cao Bằng đề nghị tăng 2,1 lần, Quảng Ninh 2,2 lần, Hà Giang 1,85 lần, Hòa Bình 2,1 lần, Quảng Bình 2,5 lần, Ninh Thuận 2 lần, Gia Lai 2,1 lần, Sóc Trăng 1,8 lần, Bạc Liêu 2,1 lần. Chương trình Tam Nông xác định thu nhập của cư dân nông thôn tại Nghị quyết 26 Ban Chấp hành Trung ương Đảng sau 10 năm tăng 2,5 lần nhưng vừa qua tổng kết là tăng 3,8 lần, bình quân là 1,9 lần/5 năm. Do vậy, Ban soạn thảo trân trọng đề nghị cho giữ khoảng hai lần”, ông Chiến nói.

Đối với chỉ tiêu đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số, ông Chiến cho rằng đề án đề xuất tỷ lệ lao động dân tộc qua đào tạo khoảng 50% nhưng bằng cấp chứng chỉ 10 – 15% là phù hợp.

“Tăng cường đào tạo dạy nghề theo hướng cầm tay chỉ việc để thực hành được ngay, không nhất thiết phải cần bằng cấp chứng chỉ. Do đó, 50% này không phải cứ cấp chứng chỉ, bằng cấp”, ông nói.

Nội dung thứ ba là về các trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên. Ông Chiến ghi nhận các ý kiến của đại biểu Quốc hội và khẳng định: “Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc khi xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia sẽ xác định trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên theo hướng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị…”

Ngoài ba nội dung trên, ông Chiến cũng bày tỏ sự tiếp thu đối với các ý kiến của đại biểu Quốc hội về: phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi; các chính sách đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí thực hiện đề án…

Kết lại bài phát biểu, ông Chiến nói rằng: “Hôm nay Quốc hội dành trọn một buổi để thảo luận đề án do Chính phủ trình, đó là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, là tình cảm sâu nặng dành cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, bao gồm cả đồng bào dân tộc Kinh”.

“Hơn 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số rất vui mừng, phấn khởi đang hướng về hội trường Diên Hồng với lòng biết ơn trời biển đối với công lao của Đảng và Nhà nước, với niềm tin sâu sắc Quốc hội sẽ phê duyệt đề án và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dành thêm nguồn lực đầu tư để đồng bào bớt đi một phần khó khăn, vất vả”, mgười đứng đầu Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh.

Tin mới lên