Intracom lớn mạnh thế nào dưới tay 'Shark' Nguyễn Thanh Việt?

Đức Thọ - 26/06/2021 08:29 (GMT+7)

(VNF) - Ngoài những sai phạm tại Dự án chung cư Intracom 1, phải thừa nhận rằng, dưới tay ông Nguyễn Thanh Việt (gọi tắt là Shark Việt), Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) đã phát triển không ngừng và tạo ra một hệ sinh thái trên nhiều lĩnh vực.

VNF

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Intracom tiền thân là Công ty Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Giao thông đô thị với 100% vốn nhà nước, từng là thành viên của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico).

Sau gần một thập kỷ hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tính đến ngày 30/6/2015, quy mô tổng tài sản của Intracom đạt mức 2.050 tỉ đồng, tăng 41 lần so với thời điểm cổ phần hoá.

Tuy nhiên, Intracom thời điểm đó về cơ bản đã thuộc về tay tư nhân khi ông Nguyễn Thanh Việt (SN 1963) nắm giữ tới 17,8 triệu cổ phần, tương đương 98,98% vốn điều lệ. Còn Handico chỉ nắm giữ 0,555% vốn điều lệ.

Đến năm 2015, cổ đông Nhà nước đã đem toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ tại Intracom bán đấu giá, với mức giá khởi điểm là 16.100 đồng/cổ phần.

Sau khi cổ đông Nhà nước thoái lui, dưới sự chèo lái của “Shark” Nguyễn Thanh Việt, công ty này liên tục gia tăng quy mô tổng tài sản.

Trong giai đoạn 2017 – 2019, tổng tài sản của Intracom (công ty mẹ) tăng cả nghìn tỉ đồng mỗi năm, từ 3.097,3 tỷ đồng lên mức 5.019,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh vẫn chưa thật sự tương xứng, bởi lẽ, công ty này chỉ báo lãi một lần duy nhất trong 3 năm kể trên. Đó là vào năm 2019 nhưng khoản lãi cũng chỉ vỏn vẹn 60 triệu đồng.

Kết quả kinh doanh hợp nhất của Intracom đem đến một bức tranh khác, có khả quan hơn. Trong nửa đầu năm 2020, công ty này báo lãi 44 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước báo lãi gần 41 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Intracom trong nửa đầu năm 2020 cũng chỉ ở mức khiêm tốn, đạt mức 2,55%.

Tính đến cuối Quý 2/2020, dư nợ của Intracom đạt mức 3.928,4 tỷ đồng, tăng 654 tỷ đồng so với Quý 2/2019 và cao gấp 2,28 lần so với quy mô vốn chủ sở hữu.

Trong số nợ tăng thêm, khó có thể bỏ qua lô trái phiếu 100 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, mà Intracom đã phát hành ngày 14/2/2020. Chỉ 2 ngày trước đó, vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thanh Việt – Trần Thị Lý đã đem 9,65 triệu cổ phần Intracom thế chấp tại một nhà băng tư nhân trong nước.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Intracom – ông Nguyễn Thanh Việt – còn được công chúng biết tới rộng rãi thông qua chương trình “Shark Tank Việt Nam” mùa 2, với các khoản chi mạnh tay dành cho các start-up.

Sở hữu Intracom, ‘Shark’ Nguyễn Thanh Việt nắm trong tay ‘hệ sinh thái’ hoạt động trên 6 lĩnh vực, nổi bật là bất động sản, thuỷ điện và y tế.

Trong lĩnh vực bất động sản, Intracom sở hữu danh mục gồm 8 dự án, bao gồm: Intracom 1-6, Intracom 8 và Intracom 208.

Đối với lĩnh vực thuỷ điện, Intracom rót vốn đầu tư vào thuỷ điện Cẩm Thuỷ 1 tại tỉnh Thanh Hoá (38MW), các dự án thuỷ điện Tà Lơi 2-3 và Nậm Pung tại Lào Cai (tổng công suất 26,8MW).

Đối với lĩnh vực y tế, Intracom cùng với Công ty TNHH Tổ hợp Y tế Phương Đông để đầu tư vào dự án Tổ hợp Y tế Phương Đông, quy mô 9,5ha với 1.000 giường bệnh.

Công ty TNHH Tổ hợp Y tế Phương Đông được thành lập từ năm 2010, với 2 cổ đông sáng lập là Intracom và Fair Enterprising Holdings Limited (có trụ sở tại Trung Quốc).

Tới tháng 10/2015, công ty này nâng vốn lên 1.136,5 tỉ đồng, trong đó Intracom góp 1.022,9 tỉ đồng (tương đương 90% vốn điều lệ) và Fair Enterprising Holdings Limited góp 113,6 tỉ đồng (tương đương 10% vốn điều lệ).

Đến tháng 10/2020, cổ đông ngoại bất ngờ giảm tỉ lệ sở hữu tại Tổ hợp Y tế Phương Đông xuống chỉ còn 1% vốn điều lệ. Đồng thời, cơ cấu cổ đông cũng xuất hiện thêm 1 cá nhân mới là ông Nguyễn Công Minh – có cùng đăng ký thường trú với “Shark” Nguyễn Thanh Việt, với tỉ lệ sở hữu 9%.

Tổ hợp Y tế Phương Đông bắt đầu ghi nhận doanh thu từ năm 2019 với giá trị đạt 89,2 tỉ đồng, song báo lỗ lên tới 53,78 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của công ty này đạt mức 1.039,69 tỉ đồng.

Riêng đối với tòa nhà Intracom 1 Trung Văn, Thanh tra Chính phủ nêu rõ một loạt sai phạm đối với Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom).

Cụ thể như, việc xây dựng công trình tòa nhà Intracom 1 Trung Văn sai Giấy phép xây dựng số 95/GPXD ngày 28/7/2011 do Sở Xây dựng TP. Hà Nội cấp. Cụ thể là: tự ý chuyển đổi công năng sử dụng tại các tầng KT, M và tầng T thành 33 căn hộ đế bán.

Tự ý thay đổi chiều cao xây dựng các tầng so với hồ sơ thiết kế được phê duyệt; công tác tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu còn nhiều tồn tại, hạn chế nên không đạt được sự đồng thuận của các cư dân hiện đang sinh sống tại tòa nhà.

Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ kết luận, "việc quản lý vận hành nhà chung cư từ năm 2014 đến năm 2019 nhưng không đảm bảo các quy định của pháp luật về năng lực thực hiện".

>>>> https://vietnamfinance.vn/chung-cu-intracom-1-loi-hua-muon-sau-10-nam-sai-pham-20180504224254885.htm

Cùng chuyên mục
Tin khác