Khách thuê ‘phi bán lẻ’ đang là cứu tinh của trung tâm thương mại

Lê Nguyễn - 21/03/2019 15:10 (GMT+7)

(VNF) - Nhận thấy mối đe dọa từ sự bùng nổ công nghệ, các nhà điều hành trung tâm thương mại đã bắt đầu chào đón những khách thuê cung cấp dịch vụ “phi bán lẻ”, điển hình là những nền tảng kết nối cộng đồng như không gian co-working, hệ thống giáo dục, và phòng tập thể hình.

VNF
Theo JLL, khách thuê ‘phi bán lẻ’ đang là cứu tinh của trung tâm thương mại

Theo báo cáo quý IV/2018 của Jones Lang LaSalle (JLL), tổng nguồn cung thị trường bán lẻ tại TP. HCM và Hà Nội đạt khoảng hơn 2 triệu mét vuông, với tỷ lệ lấp đầy lần lượt đạt 89,7% và 88,1%.

Với kỳ vọng gia tăng tỷ lệ lấp đầy đồng thời tăng lưu lượng người dùng đến với trung tâm thương mại, nhiều nhà điều hành đã và đang chào đón những vị khách thuê “phi truyền thống” như một giải pháp hữu hiệu.

Việc thiết lập một không gian co-working, lớp học ngoại ngữ hoặc phòng gym trong trung tâm thương mại không chỉ mang lại không gian năng động cho người tiêu dùng, mà còn cung cấp đầy đủ các chức năng thiết yếu khác như vị trí thuận tiện, bãi đậu xe rộng rãi, hàng loạt các tiện ích như mua sắm, giải trí và ăn uống, và nhiều loại dịch vụ khác.

Ngược lại, những thương hiệu fitness, co-working hoặc giáo dục nổi tiếng có thể thu hút một lượng khách ổn định với hàng ngàn thành viên thường xuyên ra vào trung tâm thương mại. Những vị khách này sẽ trở thành nguồn khách hàng tiềm năng cho các thương hiệu bán lẻ - ăn uống, quần áo thể thao hoặc thiết bị công nghệ.

Nhờ các dịch vụ này, nhà điều hành trung tâm thương mại được trao vô số cơ hội để giữ chân khách hàng.

JLL ghi nhận lượng nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp co-working, gym và giáo dục vào trung tâm bán lẻ tại TP. HCM, chiếm diệm tích từ 500 mét vuông đến vài ngàn mét vuông sàn; và thường ký hợp đồng thuê dài hạn từ 5 đến 10 năm.

“Đối với thế hệ nhân viên văn phòng hiện nay, đặc biệt là thế hệ millenials, khung giờ hành chính truyền thống đang dần chuyển sang chế độ tích hợp công việc - cuộc sống. Do đó, trung tâm thương mại trở thành một nơi lý tưởng để xây dựng không gian cung cấp dịch vụ không thuộc bán lẻ, nơi mà cư dân đô thị có thể dễ dàng tham gia vào các cộng đồng kinh doanh, mua sắm, học ngoại ngữ hay thậm chí là tập yoga chỉ trong vài bước chân,” ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, nhận định.

Trước năm 2016, các nhà điều hành trung tâm thương mại luôn xem xét ưu tiên những thương hiệu bán lẻ lớn như là nguồn khách thuê chủ chốt, làm tăng giá trị cho dự án. Nhưng hiện nay, chủ đầu tư đưa lĩnh vực ‘phi bán lẻ’ vào chiến lược mới nhờ vào sự linh hoạt mô hình dịch vụ này trong việc lấp đầy những diện tích ở các tầng cao hơn và có vị trí khuất hơn trong trung tâm thương mại.

Một yếu tố quan trọng khác là những trung tâm fitness, co-working và giáo dục là loại hình thương mại khó chuyển đổi sang trực tuyến. Đầu tư không gian “phi truyền thống” cho những diện tích bán lẻ trống chính là món đầu tư lâu dài.

“Chúng tôi dự đoán đây sẽ là một trong những xu hướng chính trong mười năm tới, các khối đế thương mại trên toàn thành phố sẽ cần phải định vị lại bản thân để duy trì sự hấp dẫn trong lĩnh vực năng động này. Thất bại trong việc thích ứng chắc chắn sẽ dẫn đến tỷ lệ trống cao”, ông Stephen kết luận.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.