Khánh Hòa sẽ có khu đô thị, du lịch 3.600ha tại Khu kinh tế Vân Phong

Khánh Hồng - 03/09/2023 10:24 (GMT+7)

(VNF) - UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) Khu đô thị, du lịch Vĩnh Yên - Mũi Đá Son (Phân khu 04).

VNF
Khu kinh tế Vân Phong.

Đây là một trong số 19 phân khu trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Khu đô thị, du lịch Vĩnh Yên - Mũi Đá Son có tổng diện tích khoảng 3.566ha thuộc xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh). Trong đó, khu vực đất liền khoảng 1.723ha (có khoảng 172ha khu vực dự kiến lấn biển), vùng mặt nước biển khoảng 1.843ha.

Phân khu này được quy hoạch là Khu đô thị, dịch vụ du lịch, khai tái định cư. Dự báo, Phân khu 04 có khoảng 11.000 người, trong đó có 6.500 người dân thường trú và 4.500 người quy đổi.

Nhiệm vụ quy hoạch được duyệt là cơ sở để Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong tổ chức lập, trình thẩm định và phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) Khu đô thị, du lịch Vĩnh Yên - Mũi Đá Son theo quy định pháp luật. Thời gian lập đồ án quy hoạch không quá 9 tháng kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.

Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 5 phân khu tại Khu kinh tế Vân Phong.

Trong đó có Khu du lịch sinh thái đảo Hòn Lớn (Phân khu 01); Khu du lịch núi Khải Lương (Phân khu 02); Trung tâm cảng biển – đô thị Đầm Môn (Phân khu 03) Khu đô thị du lịch Cổ Mã – Tu Bông (Phân khu 08) và Khu đô thị và công nghiệp Bắc Hòn Hèo (Phân khu 17).

Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3/2023.

Khu kinh tế Vân Phong có diện tích khoảng 150.000ha, trong đó phần mặt nước khoảng 80.000ha, phần đất liền và đảo khoảng 70.000ha; bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên 12 xã, thị trấn thuộc huyện Vạn Ninh; 9 xã, phường thuộc thị xã Ninh Hòa.

Nơi đây được quy hoạch là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Trong đó, kinh tế biển là nền tảng, có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác.

Cùng chuyên mục
Tin khác