Khi doanh nhân cũng là nhà đầu tư chứng khoán

Thanh Long - 13/10/2023 10:13 (GMT+7)

(VNF) - Không chỉ có những doanh nhân sở hữu, điều hành các công ty đầu tư, quản lý quỹ mới “vừa là doanh nhân, vừa là nhà đầu tư”, trên thực tế, chính doanh nhân lại là lực lượng nhà đầu tư chủ lực trên thị trường chứng khoán, nhất là tại Việt Nam.

VNF
Doanh nhân là lực lượng nhà đầu tư chủ lực trên thị trường chứng khoán

Nhà đầu tư có phải là doanh nhân không, khi cùng là chủ sở hữu cổ phần của doanh nghiệp? Theo quan điểm của Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (Sleader), mỗi doanh nhân là một nhà đầu tư, nhưng không phải mọi nhà đầu tư đều là doanh nhân. Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng, doanh nhân không nhất thiết là nhà đầu tư, chẳng hạn như các nhà lãnh đạo doanh nghiệp “làm thuê”.

Xưa nay, mối quan hệ giữa doanh nhân và nhà đầu tư nhiều khi “cơm không lành, canh chẳng ngọt” bởi những xung đột về quan điểm điều hành, góc nhìn về hiệu quả tài chính cũng như vấn đề chia sẻ lợi ích. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được doanh nhân và nhà đầu tư có mối quan hệ cộng sinh chặt chẽ.

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng nhấn mạnh: “Tôi là một nhà đầu tư giỏi hơn vì tôi là một doanh nhân, và là một doanh nhân giỏi hơn vì tôi là một nhà đầu tư”. Chủ tịch Tập đoàn Berkshire Hathaway - tỷ phú Warren Buffett có lẽ là gương mặt tiêu biểu nhất đại diện cho những “doanh nhân - nhà đầu tư” trên thế giới.

Trong một bài viết đăng trên Tạp chí FORTUNE vào năm 1988, một người bạn của Warren Buffett đã đúc kết lại rằng, điểm chung giữa “hai ông Buffett” - nhà đầu tư và doanh nhân - là họ cùng nhìn nhận giá trị doanh nghiệp theo cách giống nhau. Nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội mua một phần doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán với mức giá thấp hơn giá trị nội tại. Tương tự nhà đầu tư, doanh nhân cũng biết giá trị nội tại của doanh nghiệp ở mức nào và sẽ không mua cổ phần với giá cao hơn giá trị nội tại.

Nói thêm về việc khả năng đầu tư của ông được hỗ trợ bởi kinh nghiệm kinh doanh, tỷ phú Warren Buffett ví von: “Bạn có thể giải thích cho một con cá biết việc đi lại trên cạn là như thế nào không? Đối với con cá, một ngày trên đất liền đáng giá hàng nghìn năm nói về điều đó. Một ngày điều hành doanh nghiệp cũng có giá trị tương tự”. Ông bày tỏ: “Thật tuyệt vời khi được đặt chân vào cả hai phe”.

Warren Buffett cũng được mệnh danh là “doanh nhân của các doanh nhân”. Berkshire Hathaway là một tập đoàn đầu tư, vì vậy, Warren Buffett không chỉ là doanh nhân điều hành Berkshire Hathaway mà còn có vai trò quan trọng đối với các doanh nhân điều hành doanh nghiệp mà Berkshire Hathaway sở hữu lượng lớn cổ phần. Công việc mà Warren Buffett đánh giá là ông có năng lực đặc biệt, đó là phân bổ vốn, định giá và phân tích các con số. Charlie Munger, Phó chủ tịch Berkshire Hathaway, nói rằng: “Warren sẽ “chết” nếu ông ấy không nhận được số liệu hàng tháng”. Tuy nhiên, miễn là các con số trông như bình thường, Buffett sẽ không tham gia vào hoạt động điều hành tại các doanh nghiệp thành viên mà để các nhà quản lý doanh nghiệp tự do điều hành. Khi nói về loại công ty mà ông muốn mua, Buffett luôn nhấn mạnh đến yếu tố ban điều hành. Ông nói: “Chúng tôi không thể cung cấp nhân sự điều hành và cũng sẽ không làm như vậy”. 

Louis Vincenti, cựu chủ tịch của Wesco, trước khi qua đời ở tuổi 79, thường xuyên đặt câu hỏi với Warren Buffett rằng liệu ông có nên đào tạo người kế vị hay không. Warren Buffett từ chối trả lời bằng một nụ cười tươi: “Này, Louie, dạo này mẹ bạn cảm thấy thế nào?”.

Vai trò tương tự như Warren Buffett cũng thường thấy ở các công ty đầu tư, quản lý quỹ tại Việt Nam, tuy nhiên lựa chọn có thể khác nhau. Có những nhà quản lý quỹ can thiệp sâu vào doanh nghiệp sau khi đầu tư, dung hợp triết lý làm việc của quỹ với doanh nghiệp; trong khi một số khác thì để ban điều hành cũ tự vận hành.

Nhưng không chỉ có những doanh nhân sở hữu, điều hành các công ty đầu tư, quản lý quỹ mới “vừa là doanh nhân, vừa là nhà đầu tư”, trên thực tế, chính doanh nhân lại là lực lượng nhà đầu tư chủ lực trên thị trường chứng khoán, nhất là tại Việt Nam.

Có một hiểu lầm thường thấy của nhà đầu tư nhỏ lẻ là “cá mập” trên thị trường chứng khoán là các quỹ đầu tư, tổ chức nước ngoài, các công ty chứng khoán (bộ phận tự doanh). Tuy nhiên, chính các chủ doanh nghiệp niêm yết mới là những người làm chủ cuộc chơi, bởi không ai hiểu doanh nghiệp của họ hơn họ, bên cạnh đó, vốn dĩ họ đã sở hữu phần lớn cổ phần doanh nghiệp và lượng cổ phần này là nguồn tạo tiền cho họ đầu tư chứng khoán, song song với các nguồn tiền khác của họ.

Đặc biệt, nhiều chủ doanh nghiệp - hoặc có lẽ là đa số chủ doanh nghiệp - không trực tiếp sở hữu toàn bộ cổ phần của họ mà chia ra cho các cá nhân, tổ chức khác nắm giữ, trong đó, nhiều cá nhân, tổ chức không thuộc diện phải công bố thông tin. Điều này giúp họ dễ dàng đạt hiệu quả cao hơn khi đầu tư trong khi vẫn đang giữ vai trò là doanh nhân.

Nhưng đó mới chỉ là một góc của bức tranh “doanh nhân - nhà đầu tư”. Thị trường chứng khoán là thị trường của dòng tiền, và giới nhiều tiền nhất chắc chắn là doanh nhân. Vì vậy, ngay cả nếu không tính đến các chủ doanh nghiệp niêm yết, các “doanh nhân - nhà đầu tư” khác cũng có vai trò rất quan trọng trên thị trường chứng khoán. Họ có kinh nghiệm và nhạy cảm trong kinh doanh, trong quản lý dòng tiền và đặc biệt là họ thường hành động giống nhau trong cùng một thời kỳ ở cùng một giai đoạn của chu kỳ kinh tế, và họ cầm “tiền lớn”, nên sức ảnh hưởng đến thị trường rất mạnh mẽ.

Tất nhiên, dù rằng một nhà đầu tư sẽ giỏi hơn nếu họ cũng là một doanh nhân, và một doanh nhân sẽ giỏi hơn nếu họ cũng là một nhà đầu tư, nhưng không điều gì đảm bảo rằng họ không thất bại trong kinh doanh và đầu tư. Như chính Warren Buffett, ông không muốn đóng cửa các nhà máy dệt - mảng kinh doanh truyền thống của Berkshire Hathaway, ông thử mọi cách để vực dậy mảng kinh doanh này, thường xuyên khen ngợi ban quản lý lẫn người lao động về những nỗ lực không ngừng nghỉ của họ, nhưng cuối cùng, ông phải thừa nhận thất bại vào năm 1985.

Cùng chuyên mục
Tin khác