Khi 'sếu đầu đàn' bay về Hà Tĩnh

Văn Tuân - 05/08/2022 21:41 (GMT+7)

(VNF) - Việc mời gọi các doanh nghiệp lớn, những “sếu đầu đàn” về “làm tổ” được xem là chiến lược nhằm đưa Hà Tĩnh trở thành một cực tăng trưởng của khu vực Bắc Miền Trung. Thời gian qua, một loạt tập đoàn lớn như Vingroup, TH Group, T&T Group, HBRE, Ecopark… đã và đang trở về Hà Tĩnh “làm tổ” với những dự án khổng lồ.

VNF
Năm 2021, tỉnh này thu hút được 52 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký mới trên 14.600 tỷ đồng và một dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 2,5 tỷ USD.

Theo thống kê của Hà Tĩnh, năm 2021, tỉnh này thu hút được 52 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký mới trên 14.600 tỷ đồng và một dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 2,5 tỷ USD. Nối tiếp thành tựu này, 6 tháng đầu năm nay, Hà Tĩnh đã triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức mới, hướng vào các lĩnh vực giàu tiềm năng của tỉnh như công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ du lịch biển và đáng kể là điện gió.

Dự án điện gió của Tập đoàn HBRE là dự án đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện VII) với tổng mức đầu tư 4.687 tỷ đồng. Sản lượng điện thương phẩm hằng năm của dự án ước tính 350,357 GWh/năm.

Ông Hồ Tá Tín - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE, cho biết: “Sở dĩ chúng tôi lựa chọn Hà Tĩnh để đầu tư dự án do đây là địa phương có tiềm năng về năng lượng gió lớn, nhất là các vùng thuộc huyện Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Cùng với đó, cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư của Hà Tĩnh cũng có nhiều thuận lợi. Chúng tôi đang tích cực hoàn thiện các bước liên quan để có thể sớm xây dựng dự án và đưa vào hoạt động”.

Nhiều dự án điện gió khác như Kỳ Anh ĐT2 công suất 49,5 MW (diện tích khoảng 2.698 ha đất liền và khoảng 4.416 ha trên mặt biển thuộc địa phận huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh), Cẩm Xuyên 1 công suất 70 MW (gần bờ thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên)… cũng đang trong giai đoạn khảo sát đầu tư và được UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch điện VIII.

Ngoài điện gió, lĩnh vực khu đô thị, khu du lịch biển cao cấp cũng đang thu hút các nhà đầu tư đổ vào Hà Tĩnh với những dự án quy mô lớn như: khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa Hà Tĩnh, tổng mức đầu tư hơn 952 tỷ đồng; TNR Stars Hồng Lĩnh, tổng mức đầu tư trên 335 tỷ đồng; tổ hợp du lịch, thể thao, nghỉ dưỡng tại phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, tổng mức đầu tư dự kiến 330 tỷ đồng… Vừa qua, trong chuyến làm việc của lãnh đạo tỉnh với Công ty Cổ phần Tập đoàn Ecopark, doanh nghiệp này cũng bày tỏ mong muốn được khảo sát, đầu tư trong các lĩnh vực như đô thị sinh thái và các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí trên địa bàn.

Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao cũng là lĩnh vực được nhà đầu tư quan tâm. Đơn cử như Tập đoàn TH, trong một cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Tĩnh, bà Thái Hương - Chủ tịch tập đoàn, đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh được thực hiện 3 dự án, bao gồm: dự án trồng cây ăn quả và cây lấy gỗ, dự án trồng và chiết xuất dược liệu, thảo mộc, dự án nghỉ dưỡng và du lịch lòng hồ Kẻ Gỗ.

Bên cạnh đó, Tập đoàn TH còn dự kiến liên kết với các hộ nông dân thông qua mô hình hợp tác xã chăn nuôi bò sữa công nghệ cao… Các dự án này dự kiến sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng thu ngân sách, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh, từng bước xây dựng nền nông nghiệp Hà Tĩnh trở thành trụ cột, là động lực và là nền tảng phát triển các ngành nghề khác.

Để sẵn sàng mở cửa đón các “ông lớn” trên các lĩnh vực mới đến hoạt động trên địa bàn, Hà Tĩnh nhất quán quan điểm “thành công của doanh nghiệp và các nhà đầu tư là thành công của tỉnh”, từng bước nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thể hiện hình ảnh năng động, đầy tiềm năng. Theo đó, Hà Tĩnh đặc biệt coi trọng công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư khi đến với tỉnh, nhanh chóng giải quyết các thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí và thời gian đi lại.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư được chủ động thực hiện bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, như: đẩy mạnh các hoạt động gặp gỡ, trao đổi, làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T, Tập đoàn TH, GS Holding...; tổ chức các hội thảo, hội nghị trực tuyến với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Trần Nguyễn Huỳnh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư Hà Tĩnh, cho biết: “Với những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, tỉnh đã thu hút nhiều dự án lớn có tính đột phá, tạo sức bật mới cho nền kinh tế toàn tỉnh. Ngoài các dự án phụ trợ cho khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa tại khu kinh tế Vũng Áng, các nhà đầu tư đã và đang nghiên cứu, đầu tư nhiều dự án trên những lĩnh vực mới, giàu tiềm năng của tỉnh để tạo động lực và sự cân bằng, đa dạng trong cơ cấu kinh tế như công nghiệp hậu thép, điện gió, nông nghiệp công nghệ cao, khu đô thị, du lịch biển cao cấp, du lịch sinh thái…”

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của tỉnh. Từ quan điểm và các giải pháp đúng đắn cùng tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, tỉnh Hà Tĩnh tự tin sẽ tiếp tục đón thêm nhiều “sếu đầu đàn” là các nhà đầu tư lớn, tập đoàn đa quốc gia giàu tiềm năng...

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.