Thị trường

Khó khăn về vốn, doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận cả tín dụng đen

Nghiên cứu của InsightAsia chỉ ra vốn là khó khăn lớn nhất của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Theo sau là các vấn đề về nguồn khách hàng, nhà xưởng và pháp lý.

Khó khăn về vốn, doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận cả tín dụng đen

Phó chủ tịch VCCI TP.HCM Trần Ngọc Liêm. Ảnh: Saigon Times.

Tại hội thảo "Các trợ lực để doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ngành sản xuất tăng tốc trong thời đại số" do Saigon Times tổ chức ngày 3/10 ở TP.HCM, nhiều chuyên gia chỉ ra hàng loạt thách thức khối SME tại Việt Nam đang đối mặt.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ thua lỗ của nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ là 32%, doanh nghiệp nhỏ là 17%, doanh nghiệp quy mô vừa là 16%.

Trong khi đó, tỷ lệ này của nhóm doanh nghiệp quy mô lớn là 10%. Phó chủ tịch VCCI TP.HCM Trần Ngọc Liêm cho biết doanh nghiệp quy mô càng nhỏ, tỷ lệ hoạt động có lãi càng thấp.

Bên cạnh đó, đại diện VCCI cho biết 51% doanh nghiệp siêu nhỏ trong 2 năm tới vẫn hoạt động ở quy mô hiện tại và chưa có ý định "lớn lên". Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường InsightAsia, trong số các khó khăn của khối SME ở Việt Nam, vốn là vấn đề lớn nhất.

Kết quả khảo sát của InsightAsia cho biết 62% chủ doanh nghiệp được hỏi cho rằng họ gặp khó về nguồn vốn, trong đó chủ yếu là để đầu tư nhà xưởng, máy móc. Xếp thứ hai là khó khăn về nguồn khách hàng với tỷ lệ 60%. Tiếp theo là vấn đề nhà xưởng và pháp lý với tỷ lệ tương ứng 55% và 45%.

Phân tích về khả năng tiếp cận vốn hạn chế, ông Liêm cho biết chỉ 40% doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Con số này ở doanh nghiệp nhỏ là 62%, doanh nghiệp quy mô vừa là 74% và doanh nghiệp lớn lên tới 81%.

Ngoài ra, Phó chủ tịch VCCI TP.HCM cũng nêu trường hợp có doanh nghiệp phải bồi dưỡng nhân viên ngân hàng để được vay vốn.

"Doanh nghiệp càng nhỏ khả năng tiếp cận nguồn vốn càng khó. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải khai thác nguồn tín dụng không chính thống, cho vay tín dụng đen có rủi ro rất cao", ông Liêm chia sẻ.

Phó chủ tịch VCCI TP.HCM đề xuất cần hình thành hệ thống cung cấp vốn thuận lợi và minh bạch hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch kinh doanh. Đồng thời, phía ngân hàng thương mại cũng cần có năng lực tốt hơn trong việc đánh giá, thẩm đinh kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.

Đại diện VCCI cũng kiến nghị với Chính phủ cần cải thiện tính minh bạch của môi trường kinh doanh để giảm bớt và xóa bỏ chi phí không chính thức mà doanh nghiệp khối SME đang phải chịu. 

Ngoài ra, các tỉnh, thành cần tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính theo hướng đơn giản; giảm gánh nặng thanh, kiểm tra doanh nghiệp, tránh tình trạng trùng lặp, chồng chéo. 

Một số đề xuất khác của VCCI gồm thiết kế chính sách hỗ trợ SME phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp; xây dựng chính sách mang tính hệ thống; tham vấn cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt mong muốn và nhu cầu của đối tượng thực hiện và thụ hưởng chính sách; thông tin về chính sách, pháp luật hiệu quả hơn; cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Tin mới lên