‘Khuất phục’ trước đòn giáng của phương Tây, các công ty đóng tàu Trung Quốc từ bỏ Nga
(VNF) - Nga đã nổi lên như một thị trường khổng lồ cho các công ty đóng tàu Trung Quốc nhưng sự phát triển của thị trường này đang bị phá hủy bởi các lệnh trừng phạt.
Áp lực từ các lệnh trừng phạt
Một số công ty đóng tàu Trung Quốc nhìn thấy cơ hội từ các đơn đặt hàng của Nga nhưng buộc phải thích nghi trong bối cảnh áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moscow ngày càng gia tăng.
Báo cáo của các công ty và phương tiện truyền thông địa phương cho hay các nhà máy đóng tàu ở miền đông Trung Quốc đã cắt đứt quan hệ hợp tác lâu dài với các khách hàng Nga trong những tuần gần đây.
Theo ấn phẩm Upstream của ngành năng lượng có trụ sở tại Na Uy, động thái này diễn ra hai năm sau khi 5 công ty Trung Quốc được thông báo rằng họ sẽ phải ngừng tham gia dự án Artic-LNG 2 của Nga ở phía bắc Siberia do các lệnh trừng phạt từ Liên minh châu Âu.
Trong số năm thực thể đó có Wison New Energies, một công ty có trụ sở tại Thượng Hải, hiện cho biết họ đã “quyết định ngừng tất cả các dự án đang diễn ra với đối tác Nga và sẽ ngay lập tức ngừng nhận bất kỳ hoạt động kinh doanh mới nào của Nga vô thời hạn”.
Tuyên bố của Wison cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ tốt đẹp mà chúng tôi đã xây dựng với các đối tác Nga trong quá khứ và đánh giá cao những dự án chúng tôi đã làm cùng nhau. Tuy nhiên, vì tương lai chiến lược của công ty, chúng tôi phải đưa ra quyết định khó khăn này".
Theo các nhà phân tích, xu hướng này cho thấy các công ty Trung Quốc đã hứng chịu thiệt hại đáng kể khi phương Tây tăng cường nỗ lực trừng phạt Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, và khi các lệnh trừng phạt làm giảm động lực kinh doanh với Nga.
Họ cho biết các công ty đóng tàu Trung Quốc nên đa dạng hóa cơ sở khách hàng của mình để vượt qua cơn lốc địa chính trị, đây là một chiến thuật mà Wison dường như đang áp dụng khi công ty 27 năm tuổi này “tích cực tìm kiếm các cơ hội phát triển mới”.
Wison cũng cho biết họ đã quyết định bán cổ phần của mình tại Zhoushan Wison Offshore & Marine, một công ty ở tỉnh Chiết Giang lân cận đã giúp xây dựng các mô-đun cho dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng Artic-LNG 2 khổng lồ do nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai của Nga là Novatek tiến hành.
Trước đó, Reuters đưa tin vào tháng 4 rằng hoạt động hóa lỏng khí tại dự án Artic-LNG 2 đã bị đình chỉ do ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt và tình trạng thiếu tàu chở khí.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây áp dụng kể từ khi chiến sự Ukraine bắt đầu vào năm 2022 đã làm phức tạp các thỏa thuận giữa các công ty Trung Quốc và Nga.
Ngày 24/6, Bộ Thương mại Trung Quốc đã phản đối việc Liên minh châu Âu liệt kê các công ty Trung Quốc vào vòng trừng phạt thứ 14 lên Nga.
Gói trừng phạt ngày 24/6 bổ sung thêm 69 cá nhân và 47 thực thể bị phong tỏa tài sản và cấm đi lại. 19 trong số đó là các công ty Trung Quốc. Mục tiêu của EU lần này là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Bộ này cho biết: “Đây là những biện pháp trừng phạt đơn phương và cấu thành quyền tài phán lâu dài. Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các công ty Trung Quốc”.
Theo số liệu của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, sản lượng đóng tàu của nước này tăng 11,8% trong năm 2023, đạt 42,32 triệu tấn trọng tải, chiếm 50,2% tổng sản lượng của toàn cầu, vượt qua Hàn Quốc ở mức 26% và Nhật Bản ở mức 14%.
Ông Xu Tianchen, chuyên gia kinh tế cấp cao của công ty nghiên cứu thị trường Economist Intelligence Unit tại Bắc Kinh, cho biết sự phụ thuộc của Nga vào tàu và phụ tùng Trung Quốc có thể đã tăng lên kể từ năm 2022 vì việc cắt giảm nguồn cung ảnh hưởng đến việc đóng và bảo dưỡng tàu tại Nga.
“Nhưng việc thắt chặt lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra rủi ro ngay lập tức cho các công ty Trung Quốc vì tàu có thể dễ dàng được phân loại là hàng hóa sử dụng kép, đang được giám sát chặt chẽ hơn trước đây”, ông Xu cho biết thêm.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan
Đối với một số nhà máy đóng tàu, việc cắt đứt quan hệ với Nga có thể khiến họ rơi vào tình thế khó khăn về tài chính và không còn lựa chọn nào khác.
Ông Zeng Ji, giáo sư kỹ thuật đại dương tại Đại học Hàng hải Thượng Hải, cho biết các đơn đặt hàng từ Nga khó có thể thay thế đối với một số công ty đóng tàu Trung Quốc.
“Các đơn hàng lớn thường đến từ Nga vì nước này thiếu năng lực đóng tàu thương mại lớn. Một số xưởng đóng tàu ở Liêu Ninh và Sơn Đông ở miền bắc Trung Quốc, và Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc, dựa vào các thỏa thuận với Nga để duy trì hoạt động”, ông Zeng cho biết, đồng thời nói thêm rằng người mua Nga thấy các xưởng đóng tàu Trung Quốc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ có giá trị tương xứng với giá tiền.
“Các công ty đóng tàu Trung Quốc sản xuất linh kiện cho Nga, những công ty này cũng nhận được đơn đặt hàng từ khách hàng ở phương Tây. Hiện họ phải cân nhắc xem bên nào quan trọng hơn và đưa ra quyết định khó khăn. Giờ đây, họ cần đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và khách hàng của mình", ông Zeng cho biết thêm.
Cùng với ngành công nghiệp vũ trụ và hàng không, hợp tác đóng tàu là một trong những trọng tâm được nêu trong tuyên bố chung được ký trong chuyến thăm tháng 5 vừa qua của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Quốc nhân kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao.
Đầu tháng này, tờ Economic Daily do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đã trích dẫn lời ông Alexey Likhachev, giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Nhà nước Rosatom của Nga, cho biết ông gần đây đã báo cáo với Tổng thống Putin về việc cùng phát triển các tuyến đường vận chuyển ở Bắc Cực với Trung Quốc và rằng Nga sẽ thu hút các đối tác tại đây trong lĩnh vực đóng tàu, xây dựng cảng và hợp tác hậu cần.
Tờ báo trích lời ông Likhachev cho biết: "Đây sẽ là một dự án chung thực sự đáp ứng được lợi ích của hai nước".
Tân Hoa Xã cũng đưa tin trong tháng này rằng, tại một diễn đàn hợp tác song phương được tổ chức tại Saint Petersburg, NewNew Shipping Line có trụ sở tại Thượng Hải đã ký một thỏa thuận với Rosatom để liên doanh thiết kế và đóng các tàu container có khả năng chịu băng cao và cùng khai thác các tuyến đường Bắc Cực nối các cảng của Trung Quốc và Nga.
Công ty mẹ của NewNew Shipping Line, Torgmull, một công ty hậu cần, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng các chương trình hợp tác với Nga “hiện đang tiến triển tốt” nhưng họ sẽ theo dõi những diễn biến sắp tới.
Hàng nghìn kỹ sư công nghệ Trung Quốc không xin được thị thực Ấn Độ
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.