Tài chính quốc tế

Khủng bố 11/9: Ngành công nghiệp hàng không toàn cầu thiệt hại hơn 100 tỷ USD

(VNF) - Sau 20 năm, các hãng hàng không thế giới công bố con số thiệt hại lên đến hơn 100 tỷ USD.

Khủng bố 11/9: Ngành công nghiệp hàng không toàn cầu thiệt hại hơn 100 tỷ USD

Ngành công nghiệp hàng không thiệt hại hơn trăm tỷ USD sau sự kiện ngày 11/9.

Ngày 11/9/2021 đánh dấu cột mốc 20 năm kể từ vụ tấn công khủng bố vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc ở Mỹ, làm thay đổi cả một nền kinh tế cũng như hoạt động của ngành hàng không.

Mới đây, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã ước tính tổng thiệt hại của các hãng hàng không toàn cầu là 102,1 tỷ USD, trong khi đó, chỉ riêng Mỹ đã chịu thiệt hại 60,6 tỷ USD. Đặc biệt, hai hãng hàng không American Airlines và United Airlines gánh chịu hậu quả nặng nề nhất khi những chiếc máy bay bị khủng bố cướp thuộc về hai hãng này.

Cụ thể, thông tin từ IATA cho biết, các hãng hàng không trên toàn cầu đã lỗ 13 tỷ USD vào năm 2001, sau khi kiếm được 3,7 tỷ USD một năm trước đó. Khoản lỗ tiếp tục kéo dài đến năm 2005. Tổng số lỗ ròng giai đoạn 2001-2005 là 41,5 tỷ USD. Trong giai đoạn 2001-2003, lỗ luỹ kế của ngành công nghiệp hàng không thế giới lên ước tính là 18,1 tỷ USD.

Riêng đối với ngành công nghiệp hàng không tại Mỹ, năm 2001 chịu khoản lỗ ròng 8 tỷ USD sau khi kiếm được 2,2 tỷ USD vào năm 2000. Khoản lỗ tiếp tục kéo dài suốt 4 năm, nâng tổng số lỗ lên 60,6 tỷ USD. Sau khi trừ đi lợi nhuận trước thuế, tổng số lỗ trong kỳ là 28,3 tỷ USD.

Sau vụ khủng bố, vào ngày 11/9/2001, Chính phủ Mỹ đã thông qua Đạo luật An ninh Hàng không và Vận tải. Những thay đổi về an ninh rất nhanh chóng nhận được sự đồng ý từ Quốc hội.

Tại các sân bay, Lực lượng Vệ binh Quốc gia thậm chí đã cung cấp vũ trang cho quân nhân. Các biện pháp an ninh cứng rắn hơn đã được áp dụng ngay sau khi hoạt động bay dân dụng được mở lại vào ngày 14/9.

Tổng giám đốc IATA, ông Willie Walsh, cho biết: "Sau 2 thập kỷ, chúng tôi vẫn đang sống với hậu quả của vụ đâm máy bay thảm khốc, bao gồm cả sự ảnh hưởng lên một hệ thống an ninh và tình báo được mở rộng để quản lý toàn bộ việc đi lại bằng đường hàng không".

Theo các chuyên gia, ở góc độ kinh tế, ngành hàng không liên tiếp phải đối mặt với vô vàn khủng hoảng. Vụ việc ngày 11/9 đã tạo ra một làn sóng tàn phá tài chính đối với ngành này, cùng với đó là suy giảm niềm tin của người dân về việc di chuyển bằng đường hàng không.

Khi chưa hoàn toàn hồi phục, đợt bùng phát dịch SARS năm 2003 lại như một đòn tấn công vào ngành công nghiệp vốn đang chịu nhiều tổn thất. Tới năm 2008, cuộc cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu tiếp tục ập đến tạo ra các khoản lỗ cho nhiều hãng bay.

Thách thức chưa dừng lại ở đó khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 khiến nhiều quốc gia phải đóng cửa biên giới, nhiều hãng bay liên tục báo lỗ thậm chí nộp hồ sơ phá sản.

Theo ông Willie Walsh, có một điểm tương đồng trong các bài học mà ngành hàng không cần lưu ý mỗi khi đối mặt với khủng hoảng đó là phải thiết lập được thời hạn hết hiệu lực cho các biện pháp và nhanh chóng yêu cầu các cách giải quyết nhanh chóng, kịp thời. 

Ông Walsh chia sẻ: "20 năm qua, ngành công nghiệp hàng không đã rất nỗ lực và vẫn luôn tìm được cách trụ vững sau mỗi thảm hoạ. Câu chuyện của 20 năm tới sẽ được viết tiếp từ khả năng của các chính phủ và ngành này trong việc chia sẻ, đồng lòng ứng phó với những rủi ro hiện tại".

Xem thêm >> Khủng bố 11/9: Nền kinh tế Mỹ gánh chịu hậu quả suốt 2 thập kỷ

Tin mới lên