Kim Jung-soo: Người con dâu vực dậy thương hiệu đã 'chết chìm' của ông lớn Hàn Quốc
Bảo Anh -
20/01/2024 11:47 (GMT+7)
(VNF) - Từ một công ty bị tuyên bố phá sản vào những năm 1990, công ty con thuộc Tập đoàn Thực phẩm Samyang đã “rũ bùn” để quay trở lại thị trường với sản phẩm gây sốt toàn cầu - mỳ cay “Buldak”. Thành quả này có được là nhờ công lớn của con dâu Tập đoàn Samyang, cũng chính là người phát minh ra món mỳ cay, bà Kim Jung-soo.
Đơn vị sản xuất thực phẩm hàng đầu Hàn Quốc, Tập đoàn Samyang, hay còn được biết tới là Samyang Roundsquare, sở hữu hơn 10 công ty con, bao gồm Samyang Foods và hãng sản xuất ramen Buldak.
Ban đầu, sản xuất mỳ ăn liền là một thế mạnh của công ty. Thế nhưng, đến khi hàng loạt các doanh nghiệp đối thủ mọc lên, lĩnh vực này của tập đoàn lại không trụ được do vẫn chưa tạo ra được hương vị độc đáo của riêng mình. Vì vậy, tháng 1/1998, giai đoạn cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra, chính là thời điểm công ty sản xuất mỳ ăn liền này tuyên bố phá sản.
Ý tưởng mỳ “bốc lửa” đến từ đâu?
Là con dâu tập đoàn lớn Samyang, bà Kim Jung-soo dành hầu hết thời gian sau khi kết hôn ở nhà và làm nội trợ. Đến một ngày, bà “bỗng” nhận được một công việc không ngờ tới, đó là phụ trách công ty mỳ ăn liền đã tuyên bố phá sản.
Bà Kim khi đó phải gia nhập công ty trong tình thế bị ép buộc, mặc dù trước đó bà hoàn toàn không có kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp.
Gia nhập công ty với tư cách là giám đốc bán hàng của Samyang, bà Kim phụ trách giúp gia đình giám sát và điều chỉnh mọi hoạt động chung của công ty, một trong những nhiệm vụ hàng đầu là cắt giảm chi phí để vực dậy tài chính doanh nghiệp.
“Chỉ có sự tuyệt vọng” là những gì bà Kim nhớ lại về khoảng thời gian này. Bà còn từng nhiều lần được cử đến Trung Quốc và Malaysia để tìm kiếm các nguyên liệu có giá thành rẻ hơn.
Ý tưởng sản xuất mỳ cay xuất hiện trong một lần bà Kim cùng con gái đi mua sắm. Họ tìm thấy một nhà hàng cơm chiên nổi tiếng với hương vị cay nồng và khi dùng bữa tại đây, bà phát hiện các thực khách đều "cạo sạch bát" của mình.
Vốn là người có khẩu vị thanh đạm, bà Kim nhận ra món ăn cay nóng quá sức với mình hoá ra lại rất được mọi người ưa chuộng: “Chúng ta phải có một phiên bản ramen cay nóng”.
Ngay lập tức, bà Kim tìm đến một siêu thị gần nhất và mua về 3 loại nước sốt, gia vị cay nhất bà có thể tìm được. Một lô được chuyển đến phòng thí nghiệm nghiên cứu của Samyang, một lô khác đến nhóm tiếp thị và lô cuối cùng được bà mang về nhà.
Khó khăn nhất khi tạo ra mỳ Buldak là ở khâu tìm kiếm hương vị phù hợp. Nhóm phát triển thực phẩm của Samyang đã phải dùng tới 1.200 con gà và 2 tấn nước sốt. Công ty nghiên cứu các loại ớt cay từ khắp nơi trên thế giới và dùng chính nhân sự nội bộ để trải nghiệm các hương vị được tạo ra.
Ra mắt vào năm 2012, món mỳ “bốc lửa” nhanh chóng được lan truyền như một hiện tượng. Bắt đầu với những Youtuber có sức ảnh hưởng, đến những ngôi sao Kpop như BTS hay Blackpink cũng đều tham gia thử thách ăn hết món mỳ đỏ sẫm. Theo chia sẻ của Samyang, công ty không hề trả tiền cho bất kỳ ngôi sao trực tuyến nào để quảng bá sản phẩm và những gì họ chia sẻ hoàn toàn đến từ cảm nhận cá nhân.
Được các “ông lớn” ngành bán lẻ Mỹ săn đón
Từ một công ty có hàng loạt vấn đề pháp lý, bà Kim Jung-soo đã từng bước dựng lại thương hiệu nhờ món mỳ ăn liền do chính bà tạo ra. Sản phẩm mỳ cay của công ty, Buldak, đang gây sốt không chỉ tại Hàn Quốc mà còn ở nhiều khu vực lân cận, thậm chí là được bày bán cả trên các kệ hàng tại Mỹ.
Hiện nay, doanh số bán mỳ ăn liền toàn cầu đang ngày một gia tăng, khi nhu cầu tìm kiếm những bữa ăn dễ nấu, rẻ tiền đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo ước tính từ Euromonitor International, thị trường mỳ ăn liền trên toàn thế giới đạt khoảng 50 tỷ USD vào năm 2023, tăng 52% so với 5 năm trước.
Bên cạnh sự phát triển như vũ bão của mỳ ăn liền tại nhiều quốc gia trên thế giới, Mỹ đang được coi là thị trường tiềm năng khi mỳ ăn liền vẫn còn là một khái niệm không mấy được quan tâm tại đây.
Nhà bán lẻ hàng đầu Mỹ, Walmart cho biết mỳ Buldak đang là loại mỳ ramen cao cấp được bán chạy nhất trong các cửa hàng. Không chỉ Walmart, sau khi kiểm tra doanh số bán hàng của Buldak tại một số cửa hàng chọn lọc ở bờ Tây, thương hiệu bán lẻ Costco của Mỹ cũng đang cân nhắc triển khai sản phẩm mỳ Buldak trên toàn quốc vào năm 2024.
Giám đốc bán hàng của công ty Albertsons, bà Jennifer Saenz từng ca ngợi từ bao bì bắt mắt của Samyang, đến chất lượng của sản phẩm: “Chúng tôi rất ấn tượng bởi hương vị và nhận thấy loại mỳ gói này có tiềm năng vô cùng to lớn khi có thể đáp ứng nhu cầu về ramen ngày một gia tăng của người tiêu dùng”.
Trước đây, các sản phẩm tại châu Á chỉ có thể mua tại một vài cửa hàng thực phẩm châu Á nhất định. Song, hiện tại, các siêu thị Mỹ hiện nay cũng đã mở rộng các gian hàng thực phẩm quốc tế, đồng nghĩa với việc các sản phẩm châu Á như mỳ gói, sushi sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Cổ phiếu của công ty mỳ ăn liền Samyang đã tăng 70% vào năm 2023. Theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc về lĩnh vực xuất khẩu mỳ ramen trong nước, Samyang là một trong những doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất, dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay.
Sau sự thành công của Samyang, bà Kim Jung-soo đã trở thành nhân vật nhận được tín nhiệm cao trong tập đoàn. Đến tháng 9/2023, bà Kim chính thức trở thành Giám đốc điều hành của Samyang.
Ông Kim Kyeong-jun, Chủ tịch CEO Score cho biết tại hầu hết các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Huyndai… những người lãnh đạo đều là nam giới. Chính vì vậy, sự thành công của bà Kim dưới cương vị con dâu tập đoàn là một trường hợp cực kỳ hiếm có, dự kiến sẽ tạo ra nhiều bước ngoặt thay đổi trong tương lai.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone