Kinh nghiệm triển khai chính sách đặc thù hỗ trợ DN thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Hoàng Ngân - 12/11/2024 11:13 (GMT+7)

(VNF) - "Thực hành kinh doanh có trách nhiệm và vấn đề pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cần quan tâm" là bản tin do BQL Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021 - 2025 phối hợp Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực xây dựng.

TP. HCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, là đầu tàu, động lực có sức thu hút và lan tỏa lớn trong vùng và cả nước.

Theo thống kê, TP. HCM có 286.336 DN (Trong đó có trên 92% DN có quy mô lao động nhỏ và siêu nhỏ), 465.348 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể hoạt động với 4.729.917 lao động làm việc trong các thành phần kinh tế.

Số người làm việc trong khu vực phi chính thức khá lớn, chiếm gần 1/3 số lao động tham gia hoạt động kinh tế. Số lượng DN và lực lượng lao động tham gia làm việc trong các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố xếp vào hạng đông nhất cả nước.

Với những chủ trương và chính sách mà Chính phủ và Trung ương dành cho TP. HCM được ban hành trong thời gian vừa qua, thành phố đang cụ thể hóa và có những chính sách đặc thù để giúp cho DN vượt qua khó khăn trước mắt và tiếp tục phát triển. Thành phố đã và đang tập trung nguồn lực triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.

TP. HCM cho biết đang khẩn trương và sớm cụ thể hóa từng cơ chế, chính sách nhằm giữ vững vai trò đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội, là cực tăng trưởng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thành phố, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Theo đó, thành phố cũng đang khẩn trương hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xây dựng thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư.

Đối với trách nhiệm thúc đẩy DN thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Hiện nay, TP. HCM chia sẽ thành phố cũng đã nhận thức rằng, sự phát triển kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu nên bắt buộc phải chuyển hướng kiến tạo sang một hành trình mới, một hành trình tăng trưởng xanh với một tầm nhìn, tương lai bền vững với mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Một số hoạt động có thể coi đó là điểm sáng trong việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm trên địa bàn thành phố đã và đang được triển khai trong cộng đồng DN và nhân dân và nhận được sự hết sức hưởng ứng, biểu dương:

Thành phố đưa thêm các chỉ số mới liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm vào việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở - ban, ngành và địa phương năm 2023

Phát huy kết quả bước đầu của việc khảo sát đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở - ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2022, bước sang năm 2023, UBND TP.HCM tiếp tục triển khai đánh giá DDCI.

Bộ chỉ số DDCI 2023 đã được thành phố tham vấn và ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ các DN, các chuyên gia, tư vấn độc lập để đảm bảo được tính toàn diện, đa chiều từ góc nhìn của nhiều bên.

Bộ chỉ số DDCI 2023 đã có sự chắt lọc từ những tiêu chí cũ, gắn với từng ngành, từng lĩnh vực của DN. Đặc biệt, Bộ chỉ số đã đề xuất tiêu chí mới (như chỉ số xanh, chỉ số sức khỏe và môi trường, tính công khai minh bạch trong tiếp cận thông tin). Thành phố kỳ vọng những tiêu chí mới này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị thành phố và cộng đồng DN về phát triển bền vững.

Cụ thể, Bộ chỉ số gồm 10 chỉ tiêu. Trong đó nhiều chỉ số mới được bổ sung, như chỉ số “Tiếp cận minh bạch thông tin và chuyển đổi số” (gộp 2 chỉ số cũ của năm 2022), “chỉ số xanh”, “chỉ số sức khoẻ và môi trường”; trong đó, chỉ số xanh được tham chiếu theo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 và định hướng thúc đẩy kinh tế xanh của lãnh đạo TP. HCM. Chỉ số sức khỏe và môi trường tham chiếu thông lệ quốc tế và định hướng xây dựng TP. HCM thành Trung tâm Tài chính quốc tế.

Cách đánh giá chỉ số DDCI của TP. HCM cũng có điểm mới, có đội ngũ những chuyên gia tham gia, đồng thời thể hiện tính công khai, khách quan, độc lập. Hội đồng phải chịu trách nhiệm với kết quả đó.

Một điểm quan trọng là khi đã đưa ra kết quả rồi thì giải quyết được tồn tại của năm trước, tức là sẽ lắng nghe thêm ý kiến của nhiều những DN, những nhà đầu tư chiến lược của thành phố, đưa ra những nhận định quan trọng mang tính khái quát để giúp cho thành phố có định hướng phát triển trong tương lai và trên nền đó đưa ra những nhận định cụ thể.

TP. HCM cho biết luôn nỗ lực quan tâm chăm lo đời sống của người lao động bằng những việc làm thiết thực và sẻ chia, xem công nhân lao động là vốn quý của DN để cùng nhau phát triển doanh nghiệp bền vững

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm, quan hệ lao động, hàng năm trong mỗi dịp kỷ niệm ngày truyền thống của các sở ngành hoặc dịp tết đến xuân về, UBND TP. HCM đã chỉ đạo Sở LĐTBXH phối hợp với Liên đoàn Lao động Thành phố, Bảo hiểm xã hội Thành phố, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp - Khu công nghệ cao, Hiệp hội doanh nghiệp thành phố, cùng UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức để triển khai ký kết thực hiện các chương trình hợp tác chăm lo, hỗ trợ người lao động với tinh thần “đồng hành cùng doanh nghiệp” – “Hội nhập để phát triển” với các nội dung chính như: phối hợp trong việc kịp thời tham gia giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tập thể xảy ra trong khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên công đoàn và công nhân lao động; hỗ trợ tư vấn pháp luật cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động và DN đang hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp thực hiện đúng theo pháp luật và những quy định của địa phương, phối hợp tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tạo sân chơi lành mạnh nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động tại DN, khu lưu trú và các khu nhà trọ.

Hàng năm, UBND TP. HCM chỉ đạo Hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể tổ chức tuyên dương chủ DN có các chế độ chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động.

Thông qua hoạt động bình xét, tôn vinh những chủ doanh nghiệp được tôn vinh hàng năm là những chủ DN không ngừng nâng cao trình độ quản lý, năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời, luôn tôn trọng luật pháp; quan tâm chăm lo đời sống cho người lao động, xem công nhân lao động là vốn quý của DN; xây dựng văn hoá kinh doanh, văn hóa DN.

Ngoài ra, Liên đoàn lao động thành phố cũng chỉ đạo các cấp công đoàn thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình dư luận xã hội trong đoàn viên công đoàn, công nhân lao động, đang cư trú ở địa bàn dân cư, khu nhà trọ để phối hợp với các ngành chức năng giải quyết những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp TP tích cực triển khai các chương trình hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp nhằm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động.

Bên cạnh đó, phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp thành phố và các Hiệp hội ngành hàng tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, tư vấn và giải quyết tranh chấp lao động trong khu chế xuất, khu công nghiệp; triển khai các hoạt động về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động.

Phối hợp các DN ký kết phúc lợi đoàn viên, tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu lưu trú và các khu nhà trọ; phối hợp tổ chức các hoạt động liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Chuyển đổi Xanh sẽ là cơ hội để DN TP.HCM “đi tắt, đón đầu,” vượt qua thách thức và bắt kịp được đà phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang phát triển như vũ bão trên toàn cầu.

Mặc dù, nhiều năm qua, trên địa bàn thành phố đã có nhiều DN trên địa bàn chủ động đầu tư xử lý chất thải, nước thải; sử dụng nguyên liệu và quy trình thân thiện với môi trường cho hoạt động sản xuất kinh doanh để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Ý thức đóng góp trong bảo vệ môi trường sống của quốc gia và trách nhiệm về sản phẩm với người tiêu dùng trong DN ngày càng được nâng cao. Qua đó, nhiều DN đã lấy tôn chỉ kinh doanh có trách nhiệm với môi trường để xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững.

Để động viên tinh thần đó, UBND TP. HCM đã tổ chức giải thưởng “Doanh nghiệp Xanh” và được duy trì thường niên. Với việc xét chọn và trao Danh hiệu “Doanh nghiệp Xanh” mục đích để kết nối cộng đồng DN chia sẻ về những thông tin liên quan đến các rào cản kỹ thuật xanh đang được áp dụng phổ biến tại thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, thành phố khuyến khích DN có giải pháp hỗ trợ phù hợp thực hiện chuyển đổi sản xuất xanh, tăng cường năng lực cạnh tranh hướng tới phát triển bền vững.

Thông qua việc trao Danh hiệu Doanh nghiệp Xanh TP. HCM, UBND TP mong muốn tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo đảm quyền, trách nhiệm, đồng thời khuyến khích DN đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số nhằm bắt kịp xu hướng tăng trưởng xanh đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh để phát triển nhanh và bền vững vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan trong các hoạt động này là trách nhiệm của cả Nhà nước, DN và xã hội. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam đã khẳng định quan điểm “coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển”.

Để thực hiện mục tiêu đó, TP. HCM luôn đi đầu trong việc định hướng, khuyến khích thúc đẩy doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm và đã đạt được những dấu mốc quan trọng, nhiều ý nghĩa.

Tuy nhiên, để tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch hơn, ngoài sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp chính quyền thành phố, thì sự chủ động, chung tay, hành động tập thể của cộng đồng DN sẽ có ý nghĩa quyết định giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực; tạo ra những tác động mang tính lan tỏa cao hơn, thúc đẩy nhanh hơn đưa các chủ thể hướng đến chuẩn mực phát triển văn minh vì con người vì môi trường bền vững.

Cùng chuyên mục
Tin khác