'Cao tốc' FTA: Đừng để doanh nghiệp vừa và nhỏ hụt hơi
(VNF) - Các Hiệp định thương mại tự do được ví như đường 'cao tốc' để DN xuất khẩu hàng hóa. Các DN nhỏ và vừa; doanh nghiệp siêu nhỏ đang cần chính sách hỗ trợ tận dụng FTA để không bị tụt lại trên đường đua.
Xuất khẩu Việt Nam đã có nhiều tín hiệu tích cực nhờ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thế nhưng, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ hiện vẫn “mắc cạn” với nhiều khó khăn để nhập cuộc.
Doanh nghiệp nhỏ dần thay đổi tư duy bền vững
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ có cả lợi và hại.
Hại ở chỗ, doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa tận dụng được hết được cơ hội của hội nhập.
Còn lợi thì rõ là chúng ta có cơ hội xuất khẩu và nhập khẩu những mặt hàng cần.
“Nếu chúng ta không có áp lực thì lúc nào chúng ta cũng đi sau”, ông Thân nói và cho rằng, dứt khoát phải có áp lực, có thể mấy năm đầu khó khan. Nhưng nếu không biết đối diện thì chúng ta luôn đi sau.
Thực tế, nhờ có FTA, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp làm rất bài bản, và họ có nghiên cứu thực sự.
Đặc biệt, họ đã hình thành tư duy phát triển bền vững, thay vì cách làm “ăn xổi” như trước đây.
“Có những đơn vị như cà phê, công ty ở Anh chỉ muốn ký thu mua hàng thô, nhưng doanh nghiệp cương quyết bỏ tiền ra để chế biến sâu. Bởi về lâu dài, doanh nghiệp tạo được mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn”, ông Thân dẫn chứng và nhận định, cơ quan nhà nước, cũng cần có tư duy dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
“Tôi nghĩ cái này Chính phủ phải “Đề pa” (khởi động) cho họ mà tôi nghĩ phải đề pa tốt thì tôi nghĩ doanh nghiệp sẽ làm tốt. Bởi vì doanh nghiệp của Việt Nam có một đặc thù rất hay là tính quyết chiến, tính chịu thương chịu khó, làm ngày làm đêm”, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh.
Còn nhiều khó khăn
Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, còn nhiều khó khăn để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thị trường FTA.
Đầu tiên phải nói tâm lý ngại “va chạm” của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi doanh nghiệp nước ngoài đặt hàng, nhất là Châu Âu, họ rất nguyên tắc. Kí kết hợp đồng nếu không đảm bảo là bị trả hàng ngay. Điều này khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ rất sợ.
Thứ 2 là về vốn, đối tượng này khó tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng với yêu cầu thế chấp. Ngân hàng cũng là một cơ sở kinh doanh, không thể cho vay mà không có gì đảm bảo.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có rất nhiều giải pháp để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp ở nhiều khía cạnh.
Trong đó cũng có nhiều những nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp để có thể có đủ năng lực để xuất khẩu. Các giải pháp, chính sách hỗ trợ như đào tạo, tư vấn, nâng cấp doanh nghiệp.
Ví dụ, cử chuyên gia tư vấn xuống doanh nghiệp để đánh giá về những điểm yếu, những điểm chưa đạt và có những chuyên gia để giúp cho doanh nghiệp xây dựng lại các kế hoạch kinh doanh, những chiến lược định hướng thị trường sản phẩm, thị trường xuất khẩu nào, những thị trường ngách thì như thế nào và cách thức mình hoàn thiện sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu của các FTA.
Hay là, triển khai những hoạt động như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử hay cũng triển khai các chính sách tiếp cận thị trường…
“Bây giờ các FTA đưa thuế về bằng 0 hoặc rất thấp thì nước họ áp dụng rất nhiều tiêu chuẩn gọi là rào cản kỹ thuật. Có nhiều những rào cản mà doanh nghiệp Việt chưa bao giờ biết đến (ví dụ những tiêu chuẩn về lao động hay môi trường thì còn dễ nhưng có những tiêu chuẩn rất khó có những khía cạnh rất tinh vi của các nước phát triển)…Trong khi, doanh nghiệp Việt một là thiếu thông tin, hai là có thông tin rồi cũng không đáp ứng được”, bà Thuỷ nói.
Trước thực tế trên, bà Thuỷ cho rằng, chương trình hỗ trợ chuyên sâu thành một gói riêng cho doanh nghiệp để tận dụng FTA cần phải bàn.
“Tôi cho rằng có thể cần phải có một chương trình chuyên sâu hơn, ngoài xúc tiến thương mại, ngoài hỗ trợ nâng cấp thông thường thì phải có riêng một gói cho các doanh nghiệp mà có cơ hội xuất khẩu để đáp ứng được, tận dụng được yêu cầu của FTA.
Cái này, các bộ, ngành cũng cần phối hợp với các hiệp hội để bàn xem đưa những chính sách vào thì chắc là mình sẽ phát huy được hơn những ưu thế, những cơ hội của FTA”, bà Thuỷ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cũng kiến nghị, chính sách hỗ trợ tận dụng FTA nên tập trung vào các doanh nghiệp vừa để dẫn dắt, kéo các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Lợi thế FTA: Doanh nghiệp FDI tận dụng tốt, DN nội còn hạn chế
- Lợi thế FTA đưa cà phê Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường khó tính 26/10/2024 05:45
- Tận dụng FTA: Năm vấn đề lớn của thủy sản Việt Nam 24/10/2024 11:40
- FTA Index: Kỳ vọng về chỉ số hội nhập thương mại cấp tỉnh thành 24/10/2024 11:44
Hình dáng cầu vượt biển dài nhất miền Trung vươn mình qua cửa Thuận An
(VNF) - Cầu vượt qua cửa biển Thuận An đang dần được hoàn thành, trên vùng cửa biển mênh mông, cây cầu và tuyến đường nổi lên như 1 nét chấm phá tuyệt đẹp. Công trình cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy phát triển vùng ven biển Thừa Thiên Huế. Xin giới thiệu những hình ảnh mới nhất về cầu vượt biển dài nhất miền Trung của tác giả Minh Tú tham dự cuộc thi 'Đánh thức những miền đất'.