Phương Tây đánh chặn, thanh toán bằng Nhân dân tệ của Nga ngày càng bế tắc
(VNF) - Đồng nhân dân tệ hiện đã trở thành loại tiền tệ chủ chốt trong thanh toán thương mại của Nga. Nhưng các lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn của Mỹ đang đóng băng và trì hoãn các khoản thanh toán này, khiến việc giao thương giữa Nga và các đối tác quốc tế trở nên khó khăn.
Khó khăn khi thanh toán bằng nhân dân tệ
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã đẩy Nga ra khỏi trật tự tài chính toàn cầu do đồng USD thống trị, dù vậy nước này vẫn duy trì được nền kinh tế thời chiến của mình nhờ đồng nhân dân tệ Trung Quốc. Nhưng cách thức này cũng đối mặt với rất nhiều trở ngại và có thể sẽ không được thực hiện nữa.
Nga đã phải đối mặt với sự chậm trễ đáng kể trong các giao dịch quốc tế với các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi các ngân hàng địa phương trở nên thận trọng hơn dưới áp lực từ các cơ quan quản lý phương Tây.
Một số nhà xuất khẩu hàng hóa lớn giấu tên của Nga cho hay giao dịch với Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn vì ngay cả các khoản thanh toán trực tiếp bằng đồng nhân dân tệ cũng bị đóng băng hoặc chậm trễ. Điều này cũng tương tự với khách hàng Trung Quốc mua sản phẩm của Nga.
Tháng 6 năm ngoái, một ngân hàng lớn của Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế các giao dịch sử dụng đồng nhân dân tệ giữa khách hàng Nga và ngân hàng phương Tây. Tới tháng 2 năm nay, một số ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã ngừng chấp nhận thanh toán từ các tổ chức tài chính Nga bị trừng phạt do lo ngại về lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ.
Phương Tây đã chặn một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống nhắn tin SWIFT được sử dụng rộng rãi để thanh toán ngay từ khi chiến sự Ukraine nổ ra, nhưng Nga và các đối tác thương mại của họ đã có thể né tránh các lệnh trừng phạt bằng cách sử dụng các ngân hàng nhỏ hơn hoặc các phương thức thanh toán khác.
Nhưng hiện tại, ngay cả một số ngân hàng nhỏ hơn của Trung Quốc cũng không xử lý được các khoản thanh toán bằng nhân dân tệ cho Nga.
Vào giữa tháng 6, các nhà phân tích tại Sberbank, một ngân hàng lớn của Nga, thừa nhận đã có vấn đề trong việc thiết lập giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.
Những trở ngại này nêu bật những thách thức mà nền kinh tế bị cô lập của Nga phải đối mặt do phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tìm cách thức thanh toán mới
Cơ quan giám sát rửa tiền của Nga ngày 17/7 cho hay trước cuộc bỏ phiếu của quốc hội về luật tài sản kỹ thuật số, Nga nên đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho thanh toán bằng tiền điện tử nhưng phải cân nhắc cẩn thận những rủi ro liên quan.
Bộ luật mới, dự kiến được quốc hội xem xét vào ngày 23/7, sẽ cho phép sử dụng giao dịch tiền điện tử trong thanh toán quốc tế để duy trì dòng chảy thương mại.
"Đây là nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong những trường hợp liên quan đến cơ chế trừng phạt, khi họ cần thâm nhập thị trường quốc tế và không phải lúc nào cũng có thể giải quyết bằng các phương pháp tiêu chuẩn", người đứng đầu cơ quan giám sát Yuri Chekhanchin cho biết.
Ông Chekhanchin nhấn mạnh luật tiền điện tử lỏng lẻo ở một số quốc gia là rủi ro chính và cho biết cơ quan giám sát của ông nên có quyền chặn các giao dịch như vậy khi chúng vi phạm luật pháp Nga.
Tiền điện tử hiện không được phép thanh toán bên trong nước Nga và luật mới khó có thể thay đổi điều đó. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nga thừa nhận rằng các vấn đề thanh toán là một trong những thách thức chính đối với nền kinh tế Nga.
Phát biểu tại một cuộc họp của chính phủ về việc sử dụng tiền kỹ thuật số, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi việc thử nghiệm đồng rúp kỹ thuật số, một loại tài sản dựa trên công nghệ blockchain được ngân hàng trung ương hỗ trợ.
Ngân hàng trung ương Nga và Iran đang nỗ lực kết nối hệ thống tiền kỹ thuật số của họ, điều này sẽ cho phép hai quốc gia bị trừng phạt thực hiện các giao dịch song phương. Các cuộc đàm phán tương tự đang được tiến hành với Trung Quốc và Belarus.
Ông Putin cho biết mức tiêu thụ năng lượng khổng lồ của các trang trại khai thác tiền điện tử gây ra rủi ro cho nguồn cung cấp năng lượng ở một số khu vực của Siberia, nơi nhiều trang trại như vậy mọc lên để khai thác giá điện địa phương thấp.
Ông cho biết quy định về thuế và giá điện đối với các trang trại khai thác mỏ nên là một phần của luật mới.
Mắc kẹt hàng trăm tỷ USD, công ty Âu - Mỹ trả giá đắt vì lệnh trừng phạt Nga
- Xây nhà máy năng lượng mặt trời: Trung Quốc bùng nổ, Mỹ lép vế 18/07/2024 04:27
- Công nhân Samsung tổng đình công: Không chỉ là những ‘cơn nấc cụt’ 18/07/2024 07:00
- Bóc trần mánh khoé lừa đảo tỷ USD của tỷ phú Trung Quốc lưu vong Quách Văn Quý 17/07/2024 11:40
Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.