Để giữ vững nền độc lập trong thời hội nhập, chúng ta đang phấn đấu xây dựng một nền kinh tế hùng cường và tự chủ. Không tự chủ về kinh tế thì khó giữ được một nền độc lập quốc gia thực sự. Và vũ khí bách chiến bách thắng cho cuộc chiến mới này cũng là bốn chữ: Kinh tế tư nhân - KINH TẾ NHÂN DÂN – Tận lực phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là rường cột của nền kinh tế quốc gia - Không thể nào khác được!
Từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội chuẩn bị cho ngày Quốc khánh, Bác Hồ đã về ở nhà của một gia đình doanh nhân – nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ. Tại đây, Bác viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nói về tình trạng của nền kinh tế Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám trong bản Tuyên ngôn độc lập, Bác viết: “Chúng (thực dân Pháp) không để cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”. Theo cách lý giải của Bác, như vậy, các nhà tư sản dân tộc không ngóc được đầu lên, và công nhân ta bị bóc lột tàn nhẫn là những chỉ báo quan trọng của một nền kinh tế lệ thuộc.
Bác luôn trân trọng các nhà tư sản dân tộc và các nhà tư sản dân tộc không phụ lòng tin của Bác. Sau Quốc khánh 2/9, các nhà tư sản dân tộc đã trở thành giới chức xã hội đầu tiên được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời. Bác phát động “Tuần lễ Vàng” quyên góp nguồn tài chính cho hoạt động của Chính phủ lâm thời và các nhà tư sản dân tộc đã theo lời Bác đã trở thành lực lượng chủ công trong cuộc quyên góp này. Riêng gia đình ông bà Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ đã hiến cho cách mạng hơn 5.000 lượng vàng (tương đương với hơn 90% tài sản của gia đình và gấp đôi số tiền trong ngân khố Chính phủ lâm thời lúc đó…). Còn rất nhiều những minh chứng như vậy cho lòng yêu nước cháy bỏng của giai cấp tư sản dân tộc, góp phần duy trì hoạt động của Chính phủ, bảo vệ nền độc lập nước nhà từ những ngày còn trong trứng nước.
Nhân ngày doanh nhân Việt Nam năm 2004, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã trao tặng Thủ tướng Phan Văn Khải tấm ảnh Bác Hồ chụp chung với giới công thương Việt Nam. Ảnh tư liệu
Ngày 13/10/1945, Bác Hồ gửi thư cho giới công thương kêu gọi các doanh nhân tham gia Công Thương cứu quốc đoàn. Trong bức thư lịch sử này, Người viết: “việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.
Người khẳng định một chân lý: Sự thịnh vượng của quốc gia gắn liền với sự thịnh vượng của giới công thương.
Nhưng điều kiện cuộc chiến tranh tàn khốc và cơ chế kế hoạch hoá tập trung diễn ra trong suốt nhiều thập kỷ sau đó, đã không cho phép chúng ta thực hiện những chỉ dẫn của Bác về xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần và phát triển kinh tế tư nhân. Phải chờ đến giữa thập kỷ 80, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, bắt đầu từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đã đánh dấu một quyết định chính trị hệ trọng: Trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh, chuyển nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường và phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Từ thân phận xấu xa của “thằng bán tơ” trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Mụ Lường” trong “kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi, “Con buôn, con phe” trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung, “đối tượng bị cải tạo” trong các cuộc cải tạo công thương nghiệp, từ chỗ không có tên trong từ điển tiếng Việt, các doanh nhân Việt Nam đã được “Tổ quốc gọi tên mình”.
Theo đề nghị của Chủ tịch VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, vào năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm làm Ngày doanh nhân Việt Nam. Đảng ta cũng ban hành các Nghị quyết riêng về xây dựng đội ngũ doanh nhân và phát triển kinh tế tư nhân. Quốc hội hiến định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong Hiến pháp. Các doanh nhân có mặt trong khối diễu hành toàn dân tộc trên quảng trường Ba Đình ngày Quốc khánh. Doanh nghiệp, doanh nhân tự hào là lực lượng chủ công góp phần xây dựng nền kinh tế nước nhà.
Trải qua 35 năm kể từ khi đổi mới, đội ngũ doanh nhân và khu vực tư nhân ở Việt Nam đã có những bước tiến thần kỳ. Cho đến thời điểm này, khu vực tư nhân đang tạo ra 85% tổng số việc làm, đã đóng góp trên 42% GDP của nền kinh tế. Sự phát triển của khu vực tư nhân đã đưa hàng chục triệu đồng bào và đưa Việt Nam thành nước có thu nhập trung bình từ một nước nghèo, bị tàn phá bởi chiến tranh. Chính khu vực tư nhân là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế.
Bên cạnh một cộng đồng kinh doanh đông đảo với hơn 5,6 triệu hộ kinh doanh, chúng ta đã có trên 800.000 doanh nghiệp tư nhân đang có mặt trên mọi lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế. Chúng ta cũng đã có những doanh nghiệp lớn, sánh vai các thương hiệu hàng đầu trên thế giới và khu vực, góp phần làm rạng danh đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập toàn cầu.
Nhưng, chúng ta cũng chưa thể yên tâm khi số lượng doanh nghiệp lớn và vừa trong nền kinh tế nước ta còn quá ít. Khoảng 98 - 99% các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thuộc quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn chưa cao, định hướng phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm xã hội chưa trở thành hệ giá trị phổ cập trong cộng đồng doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam, nhìn chung vẫn chưa kết nối có hiệu quả được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Khu vực tư nhân đã đóng góp tới trên 40% GDP, nhưng phần đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân chỉ đạt trên dưới 10%, còn lại 30% GDP vẫn là đóng góp các khu vực của hộ kinh doanh cá thể - khu vực không chính thức trong nền kinh tế. Sản xuất, kinh doanh nhỏ vẫn là phổ biến và các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam vẫn đơn độc trong thời hội nhập.
Hiện nay, khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và điều đáng nói là khu vực FDI rất thiếu vắng sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước. Chúng ta quá lệ thuộc FDI, và nếu tiếp tục lệ thuộc vào FDI bằng gia công, bằng lao động giá rẻ và thiếu liên kết với khu vực kinh tế trong nước thì năng suất và giá trị gia tăng của nền kinh tế luôn thấp, khó vượt lên được, khó trở thành nước phát triển tự chủ và thịnh vượng.
Nhà máy Vinfast tại Hải Phòng. Ảnh tư liệu.
Chúng ta mở rộng cửa, nhưng khu vực kinh tế nội địa của chúng ta vẫn chưa được hưởng lợi nhiều và chưa phát huy được hết tiềm năng. Miếng bánh hội nhập vẫn mang lại lợi ích nhiều hơn cho các doanh nghiệp ngoại. Trong khi doanh nhân Việt cần phải trở thành rường cột của nền kinh tế nước nhà. Thị trường nội địa và doanh nghiệp bản địa cần phải là điểm tựa. Thị trường gần 100 triệu dân và tương lai là hơn thế, với tầng lớp trung lưu bùng nổ và một nền kinh tế đang phát triển với tốc độ cao, có quy mô đủ lớn sẽ nâng “đôi cánh” để “đàn chim Việt” bay cao. Đội ngũ doanh nghiệp Việt với hàng triệu chủ thể tràn trề sức sống, đang phát triển, với hơn 100.000 doanh nghiệp được thành lập mới mỗi năm, sẽ phải đủ sức để trở thành lực lượng nòng cốt phát triển đất nước này, không thể nào khác được.
Nhìn ra nước ngoài, chúng ta thấy không một nền kinh tế nào có thể trở nên hùng cường chỉ trông cậy vào các FDI nhưng cũng không một nền kinh tế nào có thể trở nên hùng cường nếu không kết nối được cộng đồng doanh nhân dân tộc với cộng đồng doanh nhân quốc tế. Chúng ta dang tay, kết nối bốn phương, nhưng phải trụ vững trên đôi chân của chính mình. Đó là điều chúng ta đang ngộ ra, đang trải nghiệm, trong bối cảnh của đại dịch Covid, chiến tranh thương mại, cuộc cách mạng 4.0. Chuỗi cung ứng toàn cầu đang trở nên mong manh hơn, thị trường quốc tế dễ trở nên đứt gãy, các nhà đầu tư và các thương hiệu hàng đầu đang trở về chính quốc, các nền kinh tế Mỹ, châu Âu đang trở lại với tiến trình tái công nghiệp hoá, thị trường nội địa được đề cao, doanh nghiệp dân tộc trở thành điểm tựa… Trong xu thế này, việc phát triển cộng đồng doanh nghiệp dân tộc phải là quốc sách của chúng ta.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng, chúng ta hoan nghênh Chính phủ, trong đề án Chiến lược phát triển doanh nghiệp đến năm 2030, đã nhấn mạnh yêu cầu phát triển khu vực kinh tế tư nhân cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và một đề án phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân đang được khẩn trương soạn thảo. Cộng đồng doanh nghiệp mà trước hết là các doanh nghiệp tư nhân hãy chung tay với các cơ quan Chính phủ chuẩn bị dự án này. Đề án không chỉ là sáng kiến và tầm nhìn của các cơ quan Chính phủ mà trước hết phải là tầm nhìn và định hướng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Doanh nhân chủ động, Chính phủ chung tay. Tinh thần đối tác công tư cũng phải thể hiện mạnh mẽ hơn trong công việc hệ trọng này.
Thành tựu xuất nhập khẩu của Việt Nam có sự đóng góp vô cùng to lớn của khối doanh nghiệp tư nhân. Ảnh tư liệu.
Chúng ta hoan nghênh các doanh nghiệp lớn của khu vực tư nhân đã có sáng kiến, kiến nghị và sẵn sàng đầu tư phát triển một số lĩnh vực và dự án công nghiệp trọng yếu có liên quan tới yêu cầu phát triển bứt phá và tự chủ của quốc gia. Chính phủ hãy yểm trợ cho họ thông qua những đột phá về thể chế và chính sách. Không thể có đột phá trong phát triển nếu thiếu những đột phá dẫn đường về thể chế và chính sách. Muốn kiến tạo nền kinh tế phải kiến tạo chính nền thể chế, các nhà nước kiến tạo thành công trên thế giới đều làm như vậy.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, gần 2 năm qua trong bối cảnh dịch Covid -19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đã cố gắng dũng cảm, kiên cường trụ vững để đóng góp vào tăng trưởng, lo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách. Và ngay trong bối cảnh thua lỗ, khó khăn, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, các doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đi đầu trong việc ủng hộ cho quỹ vắc xin phòng chống Covid, cho các hoạt xã hội từ thiện, ủng hộ cho người lao động, người nghèo những đối tượng yếu thế với kinh phí nhiều ngàn tỷ đồng… Có doanh nghiệp đã tiên phong trong đầu tư sản xuất thiết bị y tế, vắc xin, bất chấp lỗ lãi, miễn là góp được phần bảo đảm tự chủ nguồn cung ứng vắc xin cho đồng bào mình. Đó là những nghĩa cử rất đáng khuyến khích, tôn vinh.
Hãy coi doanh nhân là đối tác để đồng hành chứ không phải đối tượng để quản lý và giám sát. Hãy trọng các doanh nhân (kinh doanh có trách nhiệm) như hiền tài và nguyên khí quốc gia. Hãy coi bảo vệ doanh nghiệp là bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ sinh kế của người dân, bảo vệ nền độc lập và tự chủ của đất nước. Hãy “tận tâm giúp giới doanh nhân” như Bác Hồ đã dạy. Chúng ta đánh giá cao những khẩu hiệu giản dị mà có sức cổ vũ đang lan toả ở một địa phương như: “Doanh nghiệp phát tài thì địa phương phát triển”. “Trong thành công của doanh nghiệp có nghĩa vụ của chính quyền, trong thất bại của doanh nghiệp có trách nhiệm của chính quyền”…
Đội ngũ doanh nhân dân tộc mà chúng ta đang dầy công xây dựng và đề cập ở trên là đội ngũ doanh nhân có lòng yêu nước, có trách nhiệm xã hội, kinh doanh sáng tạo và nhân văn, chọn con đường phát triển bền vững là đích đến. Đây cũng là xu hướng chung của cộng đồng doanh nhân quốc tế thời hiện đại. Đã qua rồi thời của chủ nghĩa tư bản vị kỷ, coi lợi nhuận là tối thượng (Milton Friedman, 1970), nền kinh thế thị trường đang hướng tới vì lợi ích của tất cả các bên (Joseph Stiglitz, 2001) và các doanh nghiệp làm ra lợi nhuận cho mình bằng cách phụng sự xã hội.
Doanh nghiệp phải tích hợp và cân bằng các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường – doanh nghiệp không chỉ cần mang lại lợi ích cho cổ đông, mà còn chăm lo người lao động, cho khách hàng, cho các cháu học sinh, cho những người khốn khó … và cho cả hành tinh của chúng ta. Giá trị đích thực bền vững của doanh nghiệp là giá trị xã hội, giá trị nhân văn chứ không chỉ là tiền bạc. Nền kinh tế thị trường và công nghệ 4.0 rất cần trái tim nhân ái của con người.
Hệ thang bậc giá trị như vậy với các doanh nghiệp của chúng ta là không mới, nhưng hành trình hiện thực hoá vẫn còn xa. Những tháng ngày Covid khắc nghiệt này là khoảng lặng để mỗi doanh nhân, mỗi con người ngộ ra và lựa chọn tốt hơn cho tương lai của chính mình. Và chúng ta tin rằng, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm sẽ là hệ giá trị định hình đội ngũ doanh nhân Việt trong thời gian tới trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Cỗ xe tam mã: kinh tế tư nhân, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sẽ là động lực phát triển của đất nước này.
Và chúng ta tin rằng, có thể trong lĩnh vực quản trị tài chính, nhân sự, công nghệ hay tiếp thị… thì doanh nhân của chúng ta còn rất nhiều thời gian để khép lại khoảng cách so với các nền kinh tế hàng đầu, nhưng trong định hướng phát triển một nền kinh tế nhân văn, sáng tạo thì doanh nghiệp Việt có điểm trội để vượt lên. Đó là tố chất của “đồng bào” ta, của con người, và xã hội Việt Nam, là thương hiệu nội sinh là năng lực cạnh tranh của làng doanh nhân Việt. Hãy tin ở cộng đồng doanh nhân Việt – Hãy tin ở hoa hồng!
Bây giờ, để giữ vững nền độc lập trong thời hội nhập, chúng ta đang phấn đấu xây dựng một nền kinh tế hùng cường và tự chủ. Không tự chủ về kinh tế thì khó giữ được một nền độc lập quốc gia thực sự và vũ khí bách chiến bách thắng cho cuộc chiến mới này cũng là bốn chữ: Kinh tế tư nhân - KINH TẾ NHÂN DÂN – Tận lực phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là rường cột của nền kinh tế quốc gia - Không thể nào khác được!
Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam!
TS. VŨ TIẾN LỘC
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, Chủ tịch VIAC nói đây là thời điểm mở cửa để đưa nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp quay lại quỹ đạo phát triển.
01
Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế của Việt Nam hiện nay?
Chưa bao giờ doanh nghiệp gặp khó khăn như trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử khi chúng ta công bố về GDP theo quý là tăng trưởng âm. Nếu tình hình không được cải thiện trong những tháng tới thì tình hình tăng trưởng sẽ còn sụt giảm nhiều hơn. Đó là một hồi chuông báo động về thực trạng nền kinh tế của chúng ta. Doanh nghiệp đang đau và nền kinh tế đang bị ốm, cần phải có những giải pháp để cứu nền kinh tế và cứu doanh nghiệp.
Tôi nghĩ bây giờ chính là thời gian mà cả hệ thống chính trị đồng lòng quyết tâm mở cửa và triển khai đồng bộ các chính sách, biện pháp để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Hơi tiếc là kế hoạch phục hồi kinh tế đang được chuẩn bị nhưng còn tương đối chậm. Tôi rất hoan nghênh các địa phương đã chủ động các phương án, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh đã có một khuôn khổ riêng, có một kế hoạch riêng cho mình.
Cần có sự đồng lòng, một giải pháp tổng thể để cùng mở cửa, cùng kết nối thì sẽ là một giải pháp tạo nên động lực cho giai đoạn phục hồi và phát triển của nền kinh tế đất nước chứ không phải của riêng thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Hà Nội cũng đã có những biện pháp phòng chống dịch rất là tốt và bây giờ đã đẩy mạnh việc mở cửa, và nếu cả hai đầu tầu kinh tế lớn nhất cả nước cùng với các tỉnh thành phố khác đồng loạt mở cửa trên cơ sở đảm bảo điều kiện kinh doanh an toàn chấp nhận rủi ro nhưng có kiểm soát thì đó sẽ là cách đi của chúng ta. Không thể nào cầu toàn được, không thể nào chậm trễ được. Mở cửa sớm là mệnh lệnh của cuộc sống.
02
Ông có cho rằng chính phủ nên có những gói hỗ trợ đặc cách cho những ngành gặp nhiều khó khăn như hàng không, du lịch?
Để phục hồi kinh tế thì không chỉ nỗ lực phục hồi cho các trung tâm kinh tế, mà còn cho những ngành kinh tế quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt, tạo tác động lan tỏa và đó cũng là những lĩnh vực có năng lực cạnh tranh nhưng mà đang gặp khó khăn tạm thời. Cho nên việc hỗ trợ cho ngành hàng không, ngành du lịch là tuyệt đối cần thiết còn cách thức như thì không phải chỉ dành cho các ngành hay doanh nghiệp của nhà nước mà còn phải dành cho các ngành này của tư nhân để đảm bảo sự bình đẳng.
Tất nhiên cách thức đối với mỗi khu vực là khác, hãng hàng không quốc gia là doanh nghiệp của nhà nước, vốn liếng của họ là nhà nước, nhà nước là chủ sở hữu thì cách thức của nhà nước hỗ trợ hãng hàng không quốc gia có thể khác, nhưng cũng cần phải có những biện pháp hỗ trợ cho những doanh nghiệp trong lĩnh vực đó của khu vực tư nhân để đảm bảo sự bình đẳng.
03
Nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, với tư cách là những người đã dường như lăn lộn suốt cả sự nghiệp của mình trong sự nghiệp của doanh nhân, ông có thể cho biết một số cảm nghĩ của ông?
Có thể nói tôi có duyên phận với doanh nhân. Trước ở Viện thì nghiên cứu những cơ chế chính sách để thúc đẩy cho sự phát triển của doanh nghiệp, của nền kinh tế; sau đó về VCCI thì tiếp tục góp ý và xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh và đặc biệt là triển khai các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ, mở đường chắp mối cho các doanh nghiệp. Bây giờ về Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam thì cũng là một chế định để giúp cho các doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro, xử lý tranh chấp để có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và an toàn. Cho nên cả vòng đời công tác của tôi là gắn liền với doanh nghiệp, từ khâu đầu đến khâu cuối: khâu làm chính sách, khâu xúc tiến thúc đẩy, khâu bảo vệ yểm trợ.
Tôi tin rằng chừng nào mà kinh tế của nhân dân, kinh tế tư nhân chưa trở thành lực lượng dẫn dắt là động lực chủ yếu của nền kinh tế này thì chừng đó chúng ta chưa thể sánh vai với các nền kinh tế hùng cường. Bởi vì tất cả các nền kinh tế hùng cường trên thế giới đều vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng khu vực tư nhân đóng vai trò chủ đạo, tất nhiên có sự quản lý của nhà nước. Chúc cộng đồng doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước!
NỘI DUNG: DIỆU LINH
THIẾT KẾ: ANH THƯ
ẢNH: TƯ LIỆU VCCI
Xin mời bấm link để đọc các bài viết trong chùm bài
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone
(VNF) - Được ca ngợi là “người hùng” khi đưa Haxaco thoát khỏi bờ vực phá sản và trở thành nhà phân phối Mercedes-Benz hàng đầu Việt Nam, nhưng với doanh nhân Đỗ Tiến Dũng, đó là điều ông chưa từng mong đợi. Giống như câu chuyện cười ông thường kể, tất cả chỉ vì bất đắc dĩ: bị đẩy vào thế khó và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến lên.
(VNF) - Xây dựng được bản sắc văn hoá của doanh nghiệp không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng, Tân Hiệp Phát đã làm được điều này và tạo dựng được nét riêng trong văn hoá doanh nghiệp bằng chính tinh thần "phụng sự xã hội" được nuôi dưỡng xuyên suốt 30 năm hình thành và phát triển.
(VNF) - Hiểu rằng việc gắn liền mục tiêu kinh doanh với kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng là một bài toán khó, thế nhưng các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, trong đó có Tân Hiệp Phát đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực sản xuất xanh.
ROX Group (tiền thân là TNG Holdings Vietnam) đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
để mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất khi thụ hưởng các sản phẩm – dịch vụ trong
hệ sinh thái thuận ích của Tập đoàn.
(VNF) - Khu công nghiệp Hòa Tâm là khu công nghiệp đa ngành, đầu tư các loại hình công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển, tập trung thu hút các ngành lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng.
(VNF) - Xuyên suốt quá trình gần 30 năm phát triển, hoạt động đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn, phát huy nghĩa cử “tương thân, tương ái", “lá lành đùm lá rách" luôn được Công ty Tân Hiệp Phát chú trọng.
(VNF) - Khi nói đến AI, câu hỏi đầu tiên của nhiều lãnh đạo ngân hàng là “điều đó có giúp ngân hàng kiếm được nhiều tiền hơn không/ có giúp ngân hàng tiết kiệm được nhiều tiền không?. Tuy nhiên, chúng ta không thể khẳng định được điều đó một cách chắc chắn.
(VNF) - Để AI hoạt động hiệu quả, cần dữ liệu chất lượng cao và đa dạng. Tuy nhiên, việc thu thập, lưu trữ, và xử lý dữ liệu hiện đang có hạn chế về chất lượng và độ tin cậy. Việc xây dựng và duy trì hạ tầng công nghệ thông tin cần thiết cho AI cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính cũng như kỹ thuật.