Tiêu điểm

Làm gì với 1 triệu tỷ đồng đang 'ngủ quên'?

(VNF) - Do tắc nghẽn giải ngân đầu tư công, Bộ Tài chính phải gửi số tiền 1 triệu tỷ đồng vào ngân hàng với lãi suất 0,8%/năm. Thực trạng này đang làm dấy lên quan ngại nền kinh tế có thể mất đi một trong những động lực tăng trưởng chính.

Làm gì với 1 triệu tỷ đồng đang 'ngủ quên'?

Tiền bị giam, ai cũng sốt ruột, nhưng…

TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thừa nhận việc 1 triệu tỷ đồng bị “nhốt” tại ngân hàng, trong khi bức tranh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay khiến “ai cũng sốt ruột”. Tuy nhiên, ông cho rằng trong vấn đề này, Bộ Tài chính cũng ở tình thế bị động.

“Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, số tiền này đã có danh mục chi tiêu cố định, đồng nào mua mắm, đồng nào mua muối, vì vậy không được điều chuyển tiền từ danh mục chi tiêu này sang danh mục chi tiêu khác, muốn tiêu sang mục đích khác phải kiến nghị sửa luật”, TS Lê Xuân Nghĩa nói với Đầu tư Tài chính.

Cũng theo ông Nghĩa, trong hơn 1 triệu tỷ đồng đang nằm tại hệ thống ngân hàng, phần lớn là tiền đầu tư công, vì vậy tốc độ tiêu tiền phụ thuộc vào tiến độ của việc giải ngân đầu tư công, có thể tháng này ít, tháng sau nhiều và tháng sau nữa nhiều hơn… Do đó, khó có thể yêu cầu 1 triệu tỷ đồng “nằm không” đó tại sao không dùng để thực hiện việc khác, bởi nếu chẳng may chi tiêu vì mục đích khác, đến khi tiến độ đầu tư công gia tăng thì sao? Chưa kể, trong số hơn 1 triệu tỷ đồng này còn có dự phòng rủi ro ngân sách, tức là khoản dự phòng thiên tai, dịch bệnh, địch họa… càng không thể điều chuyển được.

Vậy, làm gì với 1 triệu tỷ ngân quỹ đọng trong ngân hàng? Theo ông Nghĩa, tiền của hạng mục nào thì cần đẩy nhanh hạng mục đó, ở đây chính là đầu tư công ví dụ như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng… “Hiện tồn đọng lớn nhất của giải ngân đầu tư công nằm ở thủ tục pháp lý liên quan đến giải phóng mặt bằng, do đó cần nhanh chóng gỡ vướng về thủ tục để giải ngân mạnh đầu tư công”, ông Nghĩa kiến nghị.

Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể chủ động

Trước tình cảnh 1 triệu tỷ đồng với lãi suất thấp còn tồn trong ngân sách, ông Nghĩa cho rằng nên linh hoạt nguồn vốn này thông qua sự phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa. Theo ông, việc sử dụng 1 triệu tỷ đồng này có hiệu quả hay không hiện phụ thuộc vào Ngân hàng Nhà nước.

Ông Nghĩa phân tích: hơn 1 triệu tỷ đồng “nhốt” tại ngân hàng đồng nghĩa với việc hệ thống ngân hàng đang bị động hút tiền về từ lưu thông và nhốt tại hệ thống. “Ngân hàng Nhà nước không nên chờ đợi vào việc giải ngân đầu tư công ngay lập tức sẽ có bước tiến bộ. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước phải coi đó là lượng tiền mình đang nắm giữ và hoàn toàn có thể phát hành tiền của mình để ném vào lưu thông. Điều này Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể chủ động. Nếu làm được như vậy, nền kinh tế có thêm ‘luồng máu mới’, tạo ra tâm lý mới từ phía chính sách tiền tệ. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm hơn, từ đó tăng lòng tin đối với thị trường tài sản, nhất là chứng khoán, trái phiếu hay bất động sản… Trong trường hợp sau này đầu tư công phục hồi trở lại, Ngân hàng Nhà nước hút tiền về cũng không muộn”.

Mặt khác, theo ông Nghĩa, trong 5 tháng đầu năm, cung tiền chỉ mới tăng khoảng 2,7% - 3%, thấp hơn nhiều so với GDP danh nghĩa. Cung tiền thiếu, Ngân hàng Nhà nước phải tăng bên này, hạ bên kia sao cho cung tiền đảm bảo lưu thông được lượng GDP danh nghĩa. Như vậy, lẽ ra trong trường hợp này, Ngân hàng Nhà nước phải tăng cung tiền để giảm lãi suất huy động và cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

“Lãi suất của chúng ta dù đã giảm nhưng còn rất cao. Chúng ta nói rằng thanh khoản của các ngân hàng dồi dào, tăng trưởng tín dụng chậm do khách hàng không vay vốn vì thiếu đơn hàng… nhưng thanh khoản tốt là tốt với lãi suất nào?” ông Nghĩa bình luận và cho biết có những ý kiến nêu lên thực tế các doanh nghiệp trong điều kiện hiện tại không biết vay để làm gì? Chẳng hạn, nhà thầu xây dựng không có dự án nào để thi công, dệt may và giày da không có đơn hàng nên doanh nghiệp không có nhu cầu vay. Trong khi đó, có rất nhiều người, nhiều doanh nghiệp muốn vay lại không vay được, ngay cả khi có tài sản đảm bảo hoặc phải vay với lãi suất “trên trời”.

“Thanh khoản tốt thì hạ lãi suất, căng thẳng thì tăng lãi suất; nhiều người vay thì tăng lãi suất, ít người vay thì hạ lãi suất. Ngân hàng Nhà nước nên mạnh dạn tăng cung tiền để giảm lãi suất xuống, phải làm đi chứ. Bên cạnh đó, điều kiện tín dụng nên nới ra một ít, khư khư điều kiện phải có tài sản đảm bảo lại còn đòi 2,3 năm liên tục có doanh thu, kinh doanh có lãi... thì các doanh nghiệp vừa thoát khỏi đại dịch lấy đâu ra”, ông Nghĩa bình phẩm.

Tránh hiện tượng tay trái đi vay, tay phải có tiền không tiêu

Cũng trăn trở về số tiền 1 triệu tỷ đồng đọng trong ngân hàng vì nghẽn giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. HCM) cho biết, vấn đề chậm giải ngân đầu tư công đã tồn tại, trầm kha nhiều năm. Tỷ lệ giải ngân thông thường các năm đạt 70% - 80%, riêng trong năm 2020 đạt hơn 90%.

Với đầu tư công, kế hoạch đưa ra thường rất lớn nhưng giải ngân lại tùy vào khả năng hấp thụ của thị trường, tùy giai đoạn và tiến trình thực hiện giải ngân. Lấy ví dụ tại TP. HCM, quý I giải ngân đầu tư công 1.600 tỷ đồng nhưng sang tháng 4, tháng 5 tăng lên trên 8.800 tỷ đồng.

Ông Ngân cho rằng giải ngân đầu tư công phụ thuộc rất lớn vào công đoạn của quá trình triển khai dự án, nhất là quá trình giải phóng mặt bằng. “Giải phóng mặt bằng thì vấn đề thu hồi đất là cả một quy trình, điểm rơi là sau từ 3 - 6 tháng mới ra được quyết định thu hồi và đền bù thỏa đáng cho người dân. Nói như vậy để thấy, đừng nhìn số liệu 3 tháng đầu mới được vài % mà đánh giá”, ông Ngân nói và lưu ý những công trình đang đầu tư mà dở dang mới lãng phí. Đơn cử như dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia nhưng bị vướng đủ thứ gây lãng phí nguồn lực.

Về việc xử lý 1 triệu tỷ đồng gửi ngân hàng, ông Ngân cho biết điều này phụ thuộc vào khả năng điều hành của Chính phủ. “Hình ảnh Thủ tướng, các Phó thủ tướng, Bộ trưởng lăn xả trên các công trình dự án thời gian qua cho thấy sự quyết tâm để thúc đẩy tiến độ nhanh hơn”, ông Ngân nói và nhấn mạnh điều quan trọng hơn là cần rà soát rào cản, vướng mắc để tháo gỡ, “Suy cho cùng, đây là những quy định do chúng ta đưa ra, tự ghè chân, cản trở mình, là lỗi của chúng ta”.
 

Tin mới lên