Tài chính quốc tế

Lần đầu tiên sau 17 năm Trung Quốc mất vị trí nước xuất khẩu số 1 sang Mỹ

(VNF) - Trung Quốc khả năng cao sẽ bị đánh bật khỏi vị trí nước xuất khẩu hàng đầu sang Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 2006 khi căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới định hình lại chuỗi cung ứng.

Giảm nhập khẩu từ Trung Quốc

Theo dữ liệu vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Mỹ đã giảm hơn 20% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 11/2023. Như vậy, Trung Quốc chiếm 13,9% tổng lượng nhập khẩu của Mỹ, ghi nhận tỷ trọng nhỏ nhất kể từ năm 2004, sau khi đạt đỉnh hơn 21% vào khoảng năm 2017.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Mỹ đã giảm hơn 20% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 11/2023.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc gần như không thay đổi trong năm vừa qua.

Vượt lên Trung Quốc là Mexico, nước này dự kiến sẽ trở thành nhà cung cấp hàng hoá hàng đầu sang Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 2000. Trong 11 tháng năm 2023, hàng hoá Mexico chiếm 15% tổng lượng hàng hoá nhập khẩu của Mỹ.

Nhập khẩu từ Liên minh châu Âu cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại trong cùng giai đoạn. Trong khi các lô hàng từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á giảm trong năm vừa qua nhưng tỷ trọng của khối vẫn tăng gấp đôi so với một thập kỷ trước.

Nguyên nhân do đâu?

Mỹ đang ngày càng đa dạng hóa các nhà cung cấp cho các sản phẩm như điện tử tiêu dùng mà nước này vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Chẳng hạn, nhập khẩu điện thoại thông minh từ Trung Quốc giảm khoảng 10%, trong khi nhập khẩu từ Ấn Độ tăng gấp 5 lần. Máy tính xách tay giảm khoảng 30% ở Trung Quốc nhưng lại tăng gấp 4 lần ở Việt Nam.

Xu hướng này được khuyến khích bởi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy "kết nối bạn bè" - duy trì chuỗi cung ứng trong phạm vi các nước đồng minh và đối tác. Nhà Trắng cũng đã duy trì mức thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc trị giá 370 tỷ USD do người tiền nhiệm Donald Trump áp đặt.

Sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, Washington ban đầu chọn hợp tác với Bắc Kinh về thương mại, một phần là để khai thác thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc.

Nhưng khi ông Trump lên nắm quyền, Washington đã có lập trường cứng rắn hơn, gây ra các đợt thuế quan ăn miếng trả miếng do lo lắng về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và tác động của các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc đối với ngành sản xuất của Mỹ.

Chính quyền đương nhiệm của ông Biden cũng đang xem xét tăng thêm thuế đối với xe điện, thiết bị năng lượng mặt trời và chất bán dẫn kém tiên tiến hơn, dự kiến sẽ đưa ra quyết định vào nửa đầu năm nay.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nêu lên mối lo ngại về tác động của sự suy giảm trong thương mại Mỹ-Trung đối với lạm phát. Một số nhà phân tích nhận thấy việc chuyển sang sản xuất trong nước những hàng hóa trước đây được mua với giá rẻ từ Trung Quốc sẽ đẩy giá lên cao bằng cách thắt chặt thị trường lao động.

Nhà sản xuất các thiết bị điện tử đa quốc gia của Trung Quốc Hisense xây nhà máy trị giá 260 triệu USD ở Mexico.

Các công ty Trung Quốc đang phản ứng bằng cách thay đổi cách họ kinh doanh với Mỹ, trong đó một số lựa chọn đầu tư nhiều hơn vào Mexico.

Hisense, nhà sản xuất các thiết bị điện tử đa quốc gia của Trung Quốc, vào năm 2022 bắt đầu sản xuất tủ lạnh và các thiết bị khác cho thị trường Bắc Mỹ tại một nhà máy trị giá 260 triệu USD ở Mexico. Nhà sản xuất ô tô JAC Motors đã thành lập một nhà máy lắp ráp ở Mexico và SAIC Motor cũng có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở đó.

“Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Mexico đang tăng lên, cho thấy các nhà sản xuất Trung Quốc đã đặt cơ sở ở đó để hỗ trợ khâu lắp ráp cuối cùng”, theo ông Niels Graham - Phó Giám đốc Trung tâm Địa kinh tế thuộc Hội ​​đồng Đại Tây Dương.

Chính phủ Trung Quốc hiện cũng đang gấp rút giảm sự phụ thuộc vào Mỹ về xuất khẩu. Nước này ngày càng nâng cao vai trò của đồng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế, sử dụng đồng tiền riêng của mình thay vì đồng USD trong các giao dịch với Nga, Trung Đông và Nam Mỹ. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã tăng hơn một nửa trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11/2023, lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, hầu hết trong số này là các phương tiện chạy bằng xăng đang đối mặt với nhu cầu nội địa yếu, đang được bán với giá thấp ở Trung Đông và châu Phi.

Xem thêm >> Trung Quốc muốn thành ‘đại siêu thị’ thế giới, Âu - Mỹ chặn những mối nguy

Tin mới lên