Tài chính

Licogi: Quý IV lỗ 3 tỷ, nợ gấp 7 lần vốn chủ sở hữu

(VNF) - Tổng công ty Licogi (UPCoM: LIC) đã có một quý kinh doanh không thành công khi doanh thu tăng trưởng nhưng lại chịu lỗ trước thuế.

Licogi: Quý IV lỗ 3 tỷ, nợ gấp 7 lần vốn chủ sở hữu

Licogi (LIC): Quý IV lỗ 3 tỷ, nợ gấp 7 lần vốn chủ sở hữu

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, quý IV/2022, doanh thu thuần của LIC đạt 641 tỷ đồng, tăng 3%; lợi nhuận gộp đạt 79 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ.

Trong quý, công ty có 23 tỷ đồng lãi trong công ty liên doanh, liên kết (giảm 61%) và 3 tỷ đồng doanh thu tài chính (giảm 97%).

Các loại chi phí neo ở mức cao: chi phí tài chính đạt 40 tỷ đồng (giảm 55%), chi phí bán hàng 17 tỷ đồng (tăng 3%), chi phí quản lý đạt 43 tỷ đồng (giảm 6%) khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn vỏn vẹn 5 tỷ đồng.

Với khoản lỗ khác 8 tỷ đồng, LIC chịu lỗ trước thuế 3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 97 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của LIC đạt 1.988 tỷ đồng, chỉ tăng thêm 2 tỷ đồng so với cùng kỳ. Cơ cấu doanh thu năm cho thấy sự chủ đạo của mảng kinh doanh hàng hóa, bất động sản khi đạt 1.395 tỷ đồng, chiếm 70% tổng doanh thu, giảm 4% so với năm trước. Mảng xây dựng có sự tăng trưởng, tăng 18%, đạt 417 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp năm 2022 đạt 179 tỷ đồng, giảm 20% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp 9%, giảm hơn 2 điểm %.

Hoạt động tài chính khá tốt với doanh thu 274 tỷ đồng, tăng 28%, lớn hơn chi phí (239 tỷ đồng, tăng 63%). Bên cạnh đó, LIC cũng có lãi trong công ty liên doanh, liên kết, đạt 61 tỷ đồng, tăng 7%.

Tuy nhiên, với việc chi phí bán hàng tăng 17% (55 tỷ đồng), chi phí quản lý tăng 9% (160 tỷ đồng), nhất là khoản lỗ khác 34 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của LIC đã bị bào mòn mạnh, giảm tới 80% so với năm trước, chỉ còn 26 tỷ đồng. Khấu trừ thuế, lợi nhuận còn 20 tỷ đồng, giảm 83% so với năm trước.

Năm 2022, LIC đặt mục tiêu doanh thu 2.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 118 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới hoàn thành 76% mục tiêu doanh thu và chỉ 22% mục tiêu lợi nhuận.

Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của LIC đạt 4.198 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Điểm nhấn trong cơ cấu tài sản là sự tăng lên của khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, tăng 14 lần, đạt 199 tỷ đồng; hàng tồn kho, tăng 12%, đạt 790 tỷ đồng; và khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi, lên tới 371 tỷ đồng, tăng 1,6%.

Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn cũng tăng 7%, lên 1.212 tỷ đồng, tập trung tại khu đô thị Thịnh Liệt (1.188 tỷ đồng). Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 31%, đạt 832 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày kết thúc năm 2022 đạt 3.673 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Trong đó, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm 27%, còn 252 tỷ đồng. Nợ vay giảm 11%, còn 1.850 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của LIC khá thấp so với nợ, chỉ 525 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Vì thế, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên tới 6,99 lần, riêng nợ vay/vốn chủ sở hữu đã là 3,5 lần. Dù vậy, so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đã được cải thiện phần nào, (đầu năm là 8,56 lần).

Một diễn biến đáng nói khác của LIC là dòng tiền kinh doanh năm 2022 âm 266 tỷ đồng (năm trước âm 435 tỷ đồng), chủ yếu do chi trả lãi vay (221 tỷ đồng), tăng hàng tồn kho (167 tỷ đồng), giảm các khoản phải trả (188 tỷ đồng).

Dù dòng tiền đầu tư dương 264 tỷ đồng, có thể bù đắp được sự thiếu hụt của dòng tiền kinh doanh, song LIC vẫn duy trì dòng tiền vay/trả rất lớn, đạt tới 1.815 tỷ đồng/2.044 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền thuần năm 2022 âm 230 tỷ đồng, khiến tiền và tương đương tiền cuối năm giảm rất mạnh, chỉ còn 66 tỷ đồng.

Tin mới lên