Tài chính quốc tế

Mạng lưới chip bí mật của Huawei và tham vọng tự chủ của Trung Quốc

(VNF) - Chất bán dẫn hiện là tâm điểm trong “cuộc chiến” công nghệ đang ngày càng nóng lên giữa Mỹ và Trung Quốc. Cho tới nay, Washington đã tung loạt đòn hiểm hóc nhằm kìm hãm khả năng sản xuất chip của Bắc Kinh. Dù vậy, loạt hạn chế này dường như đang thúc đẩy nỗ lực tự chủ và tái sinh ngành công nghiệp chip bán dẫn của Trung Quốc.

Mạng lưới chip bí mật của Huawei và tham vọng tự chủ của Trung Quốc

Hiện Huawei đang nỗ lực hết mình để thay thế các linh kiện và phần mềm bị Mỹ cấm vận.

Mạng lưới sản xuất chip bí mật

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) có trụ sở tại Washington (Mỹ) mới đây phát ra cảnh báo rằng “ông lớn” viễn thông Trung Quốc Huawei đang gây dựng mạng lưới sản xuất chip bí mật khắp đại lục nhằm lách lệnh trừng phạt của Mỹ.

Cụ thể, Bloomberg dẫn lời SIA cho hay Huawei đã chuyển sang sản xuất chip vào năm ngoái và nhận được khoản tài trợ ước tính khoảng 30 tỷ USD từ chính quyền Bắc Kinh. Tuy vậy, SIA không nói rõ khoản tài trợ này là trợ cấp tiền mặt, khoản vay hay các ưu đãi.

Cũng theo SIA, Huawei đã mua lại ít nhất hai nhà máy và đang xây dựng ba nhà máy khác, chủ yếu đặt ở Thâm Quyến.

Theo cáo buộc của SIA, nếu Huawei đang xây dựng các cơ sở dưới tên của các công ty khác, thì hãng này có thể lách các hạn chế của chính phủ Mỹ trong việc gián tiếp mua thiết bị sản xuất chip của nước này bởi nếu các cơ sở này hoạt động không có nhãn Huawei, nhà cung cấp có thể khó biết họ đang giao dịch với ai.

Hiện SIA và Huawei chưa có phản hồi chính thức về thông tin này.

Từng giữ vị trí dẫn đầu thị phần smartphone tại Trung Quốc và vươn lên dẫn đầu thế giới vào quý II/2020, hoạt động kinh doanh smartphone của Huawei đã tuột dốc không phanh sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen trong năm 2019. Tập đoàn này đã mất dần quyền tiếp cận một số lượng lớn chip và các công cụ thiết kế chất bán dẫn mới.

Hiện Huawei đang nỗ lực hết mình để thay thế các linh kiện và phần mềm bị Mỹ cấm vận, từ chip AI (trí tuệ nhân tạo) sang công cụ EDA, một lĩnh vực do các công ty Cadence Design Systems và Synopsys của Mỹ thống trị.

Theo Nikkei, Huawei đang hợp tác cùng hãng bán dẫn SMIC của Đài Loan để sản xuất chip di động 5G quy mô lớn trong năm nay.

Tham vọng tự chủ ngành chip

Tháng 5/2019, Mỹ đưa Huawei vào danh sách thực thể cần ngăn chặn tiếp cận chuỗi cung ứng công nghệ.

Tới tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã áp đặt các hạn chế sâu rộng đối với việc xuất khẩu chip, công nghệ và thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Washington cũng cấm công dân Mỹ tham gia phát triển hoặc sản xuất chip tại các cơ sở của Trung Quốc nếu không có được phép của chính phủ.

Thậm chí, để các biện pháp hạn chế có hiệu quả, Washington đã kêu gọi các nhà cung cấp chính khác, ở Hà Lan và Nhật Bản, cùng tham gia lệnh cấm.

Mới đây nhất, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/8 đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm một số khoản đầu tư nhất định của Mỹ vào “công nghệ nhạy cảm” ở Trung Quốc, bao gồm chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI).

Loạt động thái mạnh tay từ Mỹ đã thôi thúc Bắc Kinh dồn mọi nguồn lực để thúc đẩy các công ty trong nước tập trung vào những lĩnh vực chiến lược bị Mỹ cấm vận.

Trong đó, ngành công nghiệp bán dẫn được đầu tư nhiều nhất, lên tới 1.000 tỷ NDT (140 tỷ USD), theo Reuters. Các nhà sản xuất nội địa đã được hưởng lợi từ trợ cấp của chính phủ và các dự án nghiên cứu do nhà nước tài trợ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chuỗi cung ứng tự túc trên mặt trận bán dẫn khi Mỹ tiếp tục thắt chặt khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các công nghệ quan trọng của nước ngoài.

Nếu Huawei thành công sản xuất chip di động trở lại, sẽ đánh dấu thắng lợi lớn với Trung Quốc. Sau khi Mỹ chặn chuỗi cung ứng chip của Huawei, công ty đã tăng tốc phát triển các giải pháp chip để khắc phục lỗ hổng, bao gồm cả hợp tác với các nhà sản xuất chip khác của Trung Quốc để xây dựng công nghệ chip.

Huawei vừa đạt được bước đột phá về các công cụ EDA (tự động hóa thiết kế điện tử) được sử dụng trong thiết kế vi mạch, cụ thể là công nghệ sản xuất chip 14nm.

Các công ty chip Trung Quốc khác thậm chí còn tiến xa hơn. Empyrean Technology, công ty EDA lớn nhất của Trung Quốc, được cho đang chuẩn bị phát triển phần mềm EDA tiên tiến được thiết kế riêng cho chip 7nm và 5nm.

Mặc dù đi sau nhưng Trung Quốc đang có những bước tiến nhanh chóng. Trong năm 2011, Trung Quốc chỉ sản xuất 12,7% lượng chip tiêu thụ trong nước và phần còn lại nhập khẩu. Đến năm ngoái, con số này đã tăng lên 17% và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lên 30% vào năm 2030.

Xem thêm >> G7 áp giá trần lên dầu Nga: Lệnh có cũng như không, trừng phạt chẳng ai sợ

Tin mới lên