Tài chính tiêu dùng

Mcredit: 'Muốn tiến xa hơn, phải có bạn đồng hành'

Ngày 2/11, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) chính thức ra mắt Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei – tiền thân là Công ty Tài chính TNHH MTV MB và vẫn giữ nguyên tên thương hiệu Mcredit.

Đây là kết quả hợp tác liên doanh thành công giữa MB và Ngân hàng Shinsei của Nhật Bản - mà theo như ông Đinh Quang Huy – Thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Mcredit: "Muốn tiến xa phải có bạn đồng hành".

Ông Huy cho biết: "là một thành viên của Tập đoàn MB, Mcredit có được lợi thế hỗ trợ từ MB về nền tảng mạng lưới, quan hệ đối tác, hệ thống khách hàng và đặc biệt là uy tín thương hiệu được khẳng định. Sau 10 tháng hoạt động (từ tháng 12/2016), Mcredit kinh doanh đã bắt đầu có lãi và nhanh chóng khẳng định cam kết chất lượng dịch vụ, được đông đảo khách hàng tin cậy lựa chọn.

Tuy vậy, để tiến xa và bền vững, Ban lãnh đạo MB và Mcredit chủ động tìm đối tác liên doanh để tận dụng kinh nghiệm quản trị và điều hành, áp dụng hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến hiệu quả của các đối tác có uy tính trong lĩnh vực Tài chính tiêu dùng.

Theo hình thức pháp lý mới này, cổ phần đóng góp của các thành viên tham gia tại Mcredit sẽ là MB chiếm 50% cổ phần, Ngân hàng Shinsei chiếm 49% và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển Xuân Thành chiếm 1%.

Ông Đinh Quang Huy – Thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Mcredit

- Rõ ràng Mcredit là một "gương mặt mới" trên thị trường cho vay tài chính. Sau 10 tháng hoạt động, vì lẽ gì Mcredit lại tiến hành liên doanh?

Việc liên doanh nằm trong kế hoạch của chúng tôi từ ngay ngày đầu thành lập vì Mcredit muốn tiến xa, lớn mạnh và phát triển bền vững. Sau 10 tháng hoạt động, Mcredit đã gặp cả khó khăn, thách thức bên cạnh những thành công từ những nỗ lực vượt trội: Có quá nhiều việc để làm cho nhiệm vụ xây dựng nền tảng từ hệ thống công nghệ thông tin, quy trình, mô hình quản trị rủi ro vững chắc, nhân sự cùng với các hoạt động phát triển mạng lưới, tiếp cận khách hàng và cung cấp dịch vụ, tạo đà cho các năm phát triển tiếp theo.

Hơn nữa, thị trường vay tài chính đang vào giai đoạn cao trào với gần mười công ty tài chính có hoạt động sâu rộng, sự nhận biết về thương hiệu lớn, mô hình đa dạng từ công ty trong nước, công ty liên doanh và công ty nước ngoài đã phát triển kinh doanh trước chúng tôi đến 5-7 năm.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có những thuận lợi quan trọng. Trước tiên, đó là một thị trường có tiềm năng lớn xét về quy mô thị trường cũng như tổng giá trị tín dụng. Theo số liệu của NHNN, tổng dư nợ tín dụng của các Tổ chức tín dụng năm 2016 đạt 960.000 tỷ đồng. Trong đó vay tiêu dùng qua các công ty tài chính chỉ ở mức khiêm tốn là 7,7% tổng dư nợ toàn hệ thống. Với tiềm năng như vậy, việc Mcredit tham gia thị trường này vẫn có nhiều cơ hội để phục vụ nhu cầu vay tiêu dùng rất lớn trên thị trường.

Thêm vào đó, với xuất phát điểm là công ty thành viên của Ngân hàng TMCP Quân đội – một tập đoàn tài chính khẳng định vị thế của mình trong suốt 23 năm qua, Mcredit đã có được sự hậu thuẫn quan trọng về mạng lưới điểm dịch vụ, quan hệ đối tác, hệ thống khách hàng và đặc biệt là thương hiệu uy tín được khách hàng tin tưởng qua nhiều năm.

Đặc biệt, khi hợp tác với Ngân hàng Shinsei, Mcredit sẽ được gia tăng về quy mô tài chính, ứng dụng mô hình dịch vụ tiên tiến trong vận hành và quản trị rủi ro rất thành công của đối tác Nhật Bản với trên 50 năm kinh nghiệm, hướng đến tiêu chí thuận tiện cho khách hàng.

- Nhưng quan điểm kinh doanh của MB là phát triển bền vững và tăng trưởng đi đôi với quản trị rủi ro chặt chẽ, điều này có phù hợp trong công việc tăng trưởng tín dụng tiêu dùng cũng như phù hợp với Shinsei Bank, thưa ông?

Theo tôi, mỗi doanh nghiệp nói chung và MB nói riêng đều thể hiện mô hình kinh doanh với "khẩu vị rủi ro" khác nhau. Nếu theo dõi sự vận hành của các công ty tài chính lớn hiện nay trên thị trường, ta có thể nhận thấy có sự phân nhóm ở đây.

Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) với cổ đông chính là Ngân hàng TMCP Quân đội và Shinsei Bank có quan điểm khá tương đồng về đường hướng kinh doanh trong đó coi trọng yếu tố "rủi ro được tính toán" (calculated risks). Do đó chắc chắn chúng tôi sẽ không chọn cách tăng trưởng nóng để đổi lấy những rủi ro nằm ngoài kiểm soát.

- Ông có nói đến "khẩu vị rủi ro" mà cho vay tiêu dùng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, vậy Mcredit đã, đang và sẽ làm gì để hạn chế rủi ro từ hoạt động tín dụng tiêu dùng?

Là một công ty ra đời sau so với các công ty đối thủ lớn trên thị trường, chúng tôi cũng rút ra được một số nguyên tắc trong vận hành thực tế. Thêm vào đó, với kinh nghiệm quản trị từ MB và Shinsei Bank, đặc biệt từ kinh nghiệm quản trị rủi ro, quy trình vận hành hiện đại từ hơn 50 năm kinh nghiệm kinh doanh lĩnh vực cho vay tiêu dùng tại Công ty tài chính Shinsei (Shinsei Finance – công ty con của Shinsei Bank) đứng top 3 công ty tài chính tiêu dùng ở Nhật Bản, Mcredit sẽ được hỗ trợ rất nhiều trong triển khai các chuẩn mực và mô hình quản trị rủi ro tiên tiến và đặc biệt là kiểm soát nợ xấu. Đây là lợi thế rất quan trọng mà nhiều khi một doanh nghiệp phải vận hành đủ dài mới xây dựng được.

- Ở góc độ người trong cuộc, để tài chính tiêu dùng đi vào cuộc sống nhiều hơn, theo ông chính sách cần có những hỗ trợ gì, thưa ông?

Từ tháng 12 năm 2016 trở về trước thì Việt Nam chưa có khuôn khổ pháp lý riêng cho hoạt động tài chính tiêu dùng và rõ ràng cũng là một rào cản cho sự phát triển lành mạnh của thị trường. Tuy nhiên, với nhiệm vụ thúc đẩy toàn chính toàn diện chú trọng đến những người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận tài chính, từ tháng 12/2016, NHNN đã ban hành 2 văn bản pháp luật quan trọng, đó là: Thông tư số 39/2016/TT- NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng và Thông tư số 43/2016/TT – NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Điều này đã tạo hành lang pháp lý riêng cho hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính và phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay. Rõ ràng, khi người dân được cung cấp dịch vụ cho vay từ các công ty tài chính hoạt động trong khuôn khổ pháp luật sẽ góp phần đẩy lùi khu vực tín dụng phi chính thức và nâng cao tính minh bạch, lành mạnh đối với hệ thống tài chính nói chung.

Tin mới lên