Mời Tập đoàn Đèo Cả 'giải cứu' dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

NGỌC HIỂN - Đ.PH - 29/01/2019 09:08 (GMT+7)

Ngày 28/1, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất giải pháp triển khai tiếp dự án cao tốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận vốn đang bế tắc.

VNF
Sơ đồ đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Đồ họa: TTO

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện có tổng vốn đầu tư 9.668 tỉ đồng, được khởi công lần đầu vào năm 2009 nhưng vẫn ì ạch mãi đến nay, sau nhiều lần dời hạn vẫn chưa hoàn thành.

Theo đó, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề xuất Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT chấp thuận cho bổ sung Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (DCG) vào liên danh, thay thế Công ty TNHH Yên Khánh (là một trong 6 công ty trong liên doanh Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, đóng góp 30% vốn cho tổng dự án).

Lý do Công ty Yên Khánh đang liên quan đến nhiều vụ án hình sự, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án, khó hoàn thành vào tháng 9/2020 như thời hạn và dự án sẽ bế tắc nếu không có điều chỉnh thay đổi nhà đầu tư, tái cơ cấu vốn...

Đặc biệt vì lý do đó, các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án yêu cầu buộc phải có nhà đầu tư thay thế nhà đầu tư Yên Khánh mới chấp thuận tiếp tục cho vay vốn tín dụng.

Ngoài ra, các nội dung cần "giải cứu" được nêu còn là tháo gỡ những vướng mắc về lãi suất vay tín dụng, phương án tài chính, chuyển đổi cơ quan nhà nước quản lý dự án từ Bộ GTVT về địa phương (UBND tỉnh Tiền Giang)…

Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cũng kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT cho bổ sung nhân sự của DCG vào điều hành dự án (chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc…), nhằm cơ cấu lại nhân sự trong liên danh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Văn Thế - phó chủ tịch HĐQT DCG - xác nhận đã làm việc với Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, đồng ý với đề xuất của liên danh và có kế hoạch hỗ trợ tiếp tục thực hiện dự án để sớm hoàn thành tuyến cao tốc này, đáp ứng nhu cầu phát triển của ĐBSCL và nhân dân cả nước.

Cuộc làm việc còn có sự tham gia của ban cố vấn của DCG là nguyên bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, PGS Trần Chủng (nguyên cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng) và các chuyên gia trong ngành cầu đường, kiểm toán…

Theo đó, DCG sẽ cho người vào tham gia cơ cấu nhân sự của liên danh, tham gia cơ cấu lại phương án vốn và kiểm toán dự án, rà soát tổng mức đầu tư cho phù hợp, đưa vốn vào liên danh (30%)…

Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả là tập đoàn chuyên thi công đường cao tốc và hầm qua núi. Các công trình tiêu biểu của tập đoàn đã thi công hoàn thành, đã đưa vào sử dụng là hầm Đèo Cả, đèo Cổ Mã, hầm Cù Mông và đang thi công hầm Hải Vân (đường ống thứ 2). 

DCG cũng đang thi công các đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Chi Lăng - Hữu Nghị và sắp tới là cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Lạng Sơn).

Lộ trình 10 năm trắc trở dự án cao tốc trung Lương - Mỹ Thuận

Tháng 5/2008, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV thành lập để triển khai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Tháng 11/2009, khởi công dự án lần 1.

Tháng 2/2012, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT tiếp nhận nguyên trạng dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do BIDV từ chối triển khai tiếp.

Tháng 10/2014, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư dự án theo hình thức BOT, Nhà nước hỗ trợ bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đồng thời giao Bộ GTVT quyết định việc chỉ định nhà đầu tư.

Tháng 2/2015, dự án được tái khởi động lần 2 với mục tiêu hoàn thành vào năm 2018, với liên danh 6 doanh nghiệp góp vốn đầu tư gồm Công ty Tuấn Lộc (30%), Công ty Yên Khánh (30%), Công ty BMT (10%), Công ty Thắng Lợi (10%), Công ty Hoàng An (10%), Công ty cầu đường CII (10%).

Đến tháng 6/2017, dự án được điều chỉnh vốn đầu tư còn 9.668 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành vào quý 2-2020.

Mới đây, Bộ GTVT cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án đến tháng 9/2020.

Theo TTO
Cùng chuyên mục
Tin khác