Tài chính quốc tế

Morgan Stanley: Khai thác Bitcoin tốn điện nhiều hơn mức sử dụng của 159 nước

(VNF) - Trong một báo cáo gửi cho khách hàng hôm thứ Tư (10/11), các nhà phân tích của Morgan Stanley ước tính lượng tiêu thụ điện năng cho các hệ thống máy tính dùng để "đào" Bitcoin hiện chiếm 0,6% nhu cầu toàn cầu. Lượng điện tiêu thụ này nhiều hơn mức sử dụng trung bình của 159 nước.

Morgan Stanley: Khai thác Bitcoin tốn điện nhiều hơn mức sử dụng của 159 nước

Một mỏ khai thác Bitcoin ở Trung Quốc

Theo Morgan Stanley, lượng điện năng được sử dụng để đào Bitcoin sẽ cao hơn mức sử dụng điện của cả đất nước Argentina (khoảng 125TWh) vào năm 2018.

"Chúng tôi dự báo mức tiêu thụ điện cho việc đào Bitcoin trong năm 2018 thậm chí còn nhiều hơn lượng điện tiêu thụ bởi xe hơi chạy điện trong năm 2025, nhưng mức này vẫn chưa đến mức ảnh hưởng lớn tới nhu cầu tiêu thụ điện năng nói chung.

"Liệu Bitcoin và các công nghệ blockchain khác có thể ngày càng trở nên quan trọng hơn? Chúng tôi cho rằng điều này là có thể, tuy nhiên công nghệ mới này cũng cần thêm thời gian để phát triển",  các nhà phân tích tại Morgan Stanley nhận định.

Morgan Stanley ước tính lượng điện dùng vào việc khai thác mỏ Bitcoin lớn hơn tiêu thụ điện năng trung bình của 159 quốc gia trong năm 2017, chiếm 0,6% nhu cầu toàn cầu. Với mức này, đào tiền ảo "không có khả năng" gây ra bất kỳ tác động nào lên các cổ phiếu ngành điện, ít nhất là trong tương lai gần.

       Lượng điện năng tiêu thụ của một số quốc gia, và lượng điện dùng để đào tiền ảo hiện đang ngang với mức sử dụng của Qatar (40TWh)

"Để khai thác thành công một đồng Bitcoin, đòi hỏi một lượng lớn thuật toán trên máy tính, cũng như điện năng để vận hành hệ thống máy tính đó.

"Chỉ riêng đào Bitcoin đã tiêu tốn đến 0,2% lượng điện năng tiêu thụ của toàn thế giới hiện nay. Theo blockchain.info, Bitcoin chiếm khoảng 62% thị trường tiền ảo, và do đó, tổng lượng năng lượng sử dụng cho việc đào tất cả các loại tiền ảo có thể cao hơn mức này", Morgan Stanley cho biết.

Các ‘thợ đào’ Bitcoin đã đổ xô tới các khu vực trên thế giới có giá điện và nhân công rẻ như Trung Quốc và Hàn Quốc. Morgan Stanley cảnh báo rằng điều này có thể bị ảnh hưởng bởi các quy định của nước sở tại, như sự kiện chính phủ Hàn Quốc mới đây đưa ra dự luật cấm hoàn toàn kinh doanh tiền ảo; hay các thợ đào tiền ảo cũng đang dần rời khỏi Trung Quốc khi quốc gia này mạnh tay siết chặt các quy định về khai thác và kinh doanh tiền ảo. 

Động thái này khiến cho thời gian giao dịch Bitcoin tăng lên, thông thường một giao dịch đã mất đến hơn 10 phút.

Tuy nhiên, cũng vẫn còn rất nhiều nơi khác việc đào Bitcoin có thể sinh lời như vùng Trung Tây và Tây Bắc Hoa Kỳ. Thậm chí, việc khai thác Bitcoin còn có thể thúc đẩy việc sử dụng các năng lượng tái tạo tại đây.

"Nhu cầu sử dụng điện năng để đào Bitcoin có thể là một cơ hội kinh doanh mới cho các nhà phát triển năng lượng tái tạo. Câu hỏi cuối cùng là liệu đây có thực sự là một động lực tích cực cho ngành năng lượng toàn cầu hay không?

"Các đại gia thuộc nhóm Big Oil cũng đang dần chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, và với các đợt ICO đang có xu hướng gia tăng, điều này có thể khuyến khích những công ty mới huy động vốn để tham gia vào thị trường", các nhà phân tích của Morgan Stanley viết trong báo cáo.

Bitcoin đã có một năm bùng nổ vào năm 2017, khi giá Bitcoin tăng hơn 1400% - nhưng đã chậm lại ở mức 5% kể từ đầu năm 2018 tới nay.

Tin mới lên