Bất động sản

Nâng cấp kênh Chợ Gạo, khơi thông 'yết hầu' đường sông cho đất Chín Rồng

(VNF) - Trao đổi với VietnamFinance, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết: Tình trạng sạt lở trên kênh Chợ Gạo đáng báo động, không những ảnh hưởng tới đời sống người dân mà còn giảm hiệu quả khai thác, lưu thông của tuyến đường thuỷ "yết hầu" của Đồng bằng sông Cửu Long. Việc nâng cấp kênh Chợ Gạo rất cấp thiết.

Nâng cấp kênh Chợ Gạo, khơi thông 'yết hầu' đường sông cho đất Chín Rồng

7h sáng, tận dụng con nước thuỷ triều nên tàu thuyền qua lại kênh Chợ Gạo khá sôi động

Sạt lở “bay” cả đường bộ ven kênh

Những ngày cuối tháng 12/2020, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu bước vào mùa khô, 7h sáng, chúng tôi có mặt trên tuyến kênh Chợ Gạo được tận mắt chứng kiến cảnh tàu thuyền sôi động ngược xuôi. Thời điểm này, nước dâng giúp cho các tàu lớn ra vào khá nhộn nhịp.

Tuy nhiên, chỉ 3-4 tiếng sau, khi nước thuỷ triểu rút thì lượng tàu giảm hẳn, việc lưu thông qua lại hết sức khó khăn, khiến hiệu quả kinh tế của tuyến đường sông có tới 70% lượng hàng hoá khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trao đổi với VietnamFinance, ông Cao Tấn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết: Dự án kênh Chợ Gạo có hơn 150 điểm sạt lở, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tuyến đường thuỷ huyết mạch khu vực

Hiện tại, hai đầu tuyến đường thủy này gồm Rạch Lá có bề rộng luồng từ 80-100m và Rạnh Kỳ Hôn bề rộng hơn 55m cơ bản đáp ứng được nhu cầu giao thông thủy, riêng phần giữa là đoạn Chợ Gạo mới được đầu tư nạo vét và gia cố bờ phía Bắc còn phần phía Nam chưa được đầu tư nên bề rộng luồng chưa bảo đảm.

“Đặc biệt, tình trạng sạt lở phía bờ Nam đoạn Chợ Gạo ngày càng nghiêm trọng, có những điểm sạt lở làm bay mất cả con đường ven kênh khiến người dân phải làm đường mới đi vòng, nhiều nhà dân bị sói lở vào tận móng nhà, nguy cơ sập nhà xuống kênh bất cứ lúc nào. Trước tình trạng bờ Nam bị xói lở mạnh nên nhu cầu gia cố bảo vệ bờ khu vực này đang trở nên rất cấp thiết”, ông Hưởng nói.

Thiệt hại hàng nghìn tỷ mỗi năm

Trái ngược với việc ngày một xuống cấp của kênh Chợ Gạo cấp thì hoạt động vận tải thuỷ trên tuyến tăng nhanh chóng, ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường thủy nội địa cho biết: lượng tàu qua kênh Chợ Gạo năm 2019 tăng trưởng nhiều hơn so với dự báo được lập năm 2013.

“Hiện có thêm nhiều tàu biển và tàu chở container đi tắt qua kênh, dự báo đến năm 2020 thì lưu lượng tàu qua kênh khoảng 1.390 tàu/ ngày đêm và khoảng 2.287 tàu/ngày đêm vào năm 2030. Với lưu lượng này, vào những giờ cao điểm tàu thuyền trên kênh thường xảy ra tắc nghẽn”, ông Trần Quốc Bảo chia sẻ.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, do tuyến kênh Chợ Gạo bị ùn tắc nên thời gian vận chuyển hàng hóa, sản phẩm kéo dài kết hợp với thời tiết nắng nóng gây ảnh hường xấu đến chất lượng sản phẩm, nhất là các mặt hàng xuất khẩu như lương thực, thực phẩm và hoa quả dễ bị ôi thiu, khô héo,...

Hơn nữa, khi có sự cố va chạm cũng làm hàng hóa bị hư hại và ảnh hưởng. Thời gian ùn tắc kéo dài cũng làm cho hàng hóa trái cây và các hàng hóa tươi sống dễ bị hư hỏng, …  Theo tính toán, hao phí bình quân cho 1 tấn hàng hóa thông qua kênh là 57,87 đồng.

“Đối với mặt hàng lúa gạo (mặt hàng chủ lực của ĐBSCL), nếu tính bình quân khoảng 5.000 đồng/kg nếu bị ùn tắc tại kênh Chợ Gạo sẽ giảm giá bán trước thuế khoảng 250 đồng/kg tương đượng 250.000 đồng/tấn. Theo số liệu thống kê không đầy đủ, việc chậm nâng cấp kênh Chợ Gạo có thể làm thiệt hại hàng nghìn tỷ mỗi năm cho hoạt động vận tải”, ông Trần Quốc Bảo nói.

Nếu tháng 6/2021 khởi công, dự án sẽ về đích sớm 1 năm

Tại buổi làm việc với UBND Huyện Chợ Gạo, ông Dương Thanh Hưng, Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường thuỷ, Bộ Giao thông vận tải đề nghị sớm giải ngân đền bù cho dân 9,2 tỷ đồng đã ứng trước đó, đây sẽ là vốn mồi để sớm huy động được nguồn vốn sắp tới.

Cũng theo ông Dương Thanh Hưng, nếu trong điều kiện suôn sẻ, quý III/2021 dự án nâng cấp cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn II sẽ được khởi công với tổng mức đầu tư khoảng 1.336 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách. Các hạng mục chính gồm nạo vét 10km kênh để đạt tiêu chuẩn luồng đường thủy cấp II và kiên cố hóa kè bờ, làm đường dân sinh. Thời gian thực hiện từ năm 2021-2023.

“Nhưng nếu dự án được khởi công vào tháng 6-7/2021, Ban quản lý dự án đường thuỷ tự tin sẽ đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án vào giữa năm 2022, nhanh hơn 1 năm so với quyết định phê duyệt dự án”, ông Dương Thanh Hưng nói.

Tại buổi làm việc, ông ông Cao Tấn Hưởng cũng mong muốn Bộ GTVT sớm đẩy nhanh tiến độ dự án vì hiện tại người dân đã quá vất vả vì tình trạng sạt lở. Thậm chí, theo quy hoạch có tuyến đường 3,5m chạy ven kênh cũng đã bị phá sản vì sạt lở mạnh.

“Quy hoạch tuyến đường ven kênh đã không còn như phê duyệt năm 2004, chúng tôi đang đề xuất với UBND tỉnh Tiền Giang cấp nguồn vốn của tỉnh để đền bù GPMB và làm đường cho dân ngay sau khi kênh Chợ Gạo giai đoạn II được hoàn thành. Phía UBND tỉnh cũng đã đồng ý về chủ trương, rất mong sớm có một dự án hoàn chỉnh để nâng cao đời sống người dân trong tỉnh cũng như phát triển cả khu vực ĐBSCL”, ông Cao Tấn Hưởng cho hay.

Tin mới lên