Tài chính

Nên đầu tư cổ phiếu ngành nào trong quý IV/2020?

(VNF) - 5 ngành được đánh giá có triển vọng tăng trưởng tích cực gồm: điện lực, cảng biển, công nghệ thông tin, bán lẻ và thủy sản.

Nên đầu tư cổ phiếu ngành nào trong quý IV/2020?

Nên đầu tư cổ phiếu ngành nào trong quý IV/2020?

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã mở rộng đà phục hồi trong quý III bất chấp làn sóng Covid-19 thứ 2 quay trở lại.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), động lực tăng trưởng của thị trường trong giai đoạn này chủ yếu đến từ 5 nguyên nhân chính. Thứ nhất, thành công của Việt Nam trong việc chống đỡ làn sóng Covid-19 thứ 2 mà không làm tê liệt hoạt động kinh tế của cả nước, cùng với kỳ vọng Việt Nam từng bước mở cửa biên giới trở lại. Thứ hai, mặt bằng lãi suất giảm mạnh, trong khi các kênh đầu tư khác (vàng, bất động sản) không thực sự hấp dẫn.

Thứ ba là chính sách tiền tệ nới lỏng được đẩy mạnh trên phạm vi toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Việc hhiệp định thương mại tự do EVFTA được thông qua, cùng với kỳ vọng vào khả năng thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI cũng là những yếu tố thúc đẩy thị trường.

Ngoài ra, kỳ vọng vào hiệu quả của các chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ bao gồm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, giảm thuế cũng được cho là yếu tố tạo ra tác động tích cực.

KBSV đánh giá dư địa tiếp tục tăng giá của chỉ số VN-Index vẫn còn, dù không quá dồi dào khi vẫn còn đó nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn (Covid-19 quay trở lại, bầu cử tại Mỹ, căng thẳng Mỹ-Trung, kinh tế và doanh nghiệp trong nước phục hồi chậm hơn dự kiến…).

"Khi mà niềm tin vĩ mô tiếp tục được củng cố, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp giúp dòng tiền mới dồi dào, vấn đề room ngoại có tín hiệu sớm được giải quyết, các nước tiếp tục mở cửa kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ổn định… chúng tôi kỳ vọng TTCK Việt Nam có thể tiếp tục đà hồi phục lên mức quanh 960 điểm vào những tháng cuối năm 2020", chuyên gia của KBSV nhấn mạnh.

Theo quan điểm của KBSV, có 5 ngành đáng chú ý hứa hẹn triển vọng tích cực trong tương lai.

Điện lực

Dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ điện, đặc biệt là khoảng thời gian giãn cách xã hội và chống dịch quyết liệt của Chính phủ Việt Nam. Tháng 4/2020, sản lượng điện tiêu thụ đã giảm 9,5%. Tuy nhiên, sang đến tháng 5/2020, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nước dần hoạt động ổn định trở lại, sản lượng điện tiêu thụ đã tăng trưởng dương trở lại với mức tăng trưởng 1,6%.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, sản lượng điện tiêu thụ ước đạt 164.05 tỷ kWh, tăng trưởng 2,01%.

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino 6 tháng đầu năm 2020, các nhà máy thủy điện hiện tại vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do các hồ thủy điện rất khó tích đủ nước. Tình hình nước về hồ thủy điện vẫn đang ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm (TBNN). Để bù đắp lượng điện thiếu hụt từ thủy điện, các nhà máy nhiệt điện đã được huy động với hiệu suất cao.

Tuy nhiên, theo dự báo của Cơ quan Quản lý khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) thì hiện tượng El Nino đã chấm dứt và hiện tượng La Nina đã xuất hiện với xác xuất hơn 80% vào mùa mưa năm nay, kéo theo lượng mưa sẽ cao hơn, thuận lợi hơn cho các nhà máy thủy điện.

Theo KBSV, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ các dự án điện, do nhiều chuyên gia nước ngoài gặp khó khăn trong việc nhập cảnh vào Việt Nam và việc nhập khẩu máy móc thiết bị sẽ bị chậm chễ. Tình trạng này làm mức độ thiếu hụt điện năng của nước ta trong thời gian tới sẽ tiếp tục trầm trọng và sẽ làm cho các nhà máy điện hiện tại sẽ được huy động phát điện với công suất cao hơn.

KBSV cho rằng các doanh nghiệp thủy điện sẽ được hưởng lợi nhờ hiện tượng La Nina trở lại với xác xuất trên 80% vào mùa mưa năm nay, tiêu biểu gồm: SJD, TMP, CHP…

Cùng với đó, các doanh nghiệp đang ngày càng "nhẹ gánh" nợ vay như PPC, NT2, HND, POW... cũng đáng chú ý, nhất là triển vọng cổ tức.

Một số doanh nghiệp điện đã khấu hao hết tài sản cố định hoặc phân bổ xong phần chênh lệch tỷ giá phát sinh từ giai đoạn xây dựng cơ bản như PPC, QTP... cũng hứa hẹn sẽ cải thiện được kết quả kinh doanh một cách mạnh mẽ.

Mã chứng khoán tiêu biểu được KBSV khuyến nghị gồm: HND, NT2, SJD, TMP.

Cảng biển

Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ tăng trưởng lưu lượng container ấn tượng nhất thế giới. Lưu lượng container qua cảng của Việt Nam có mức tăng trưởng kép đạt 10,9%, cao nhất trong top 6 các nước Đông Nam Á có sản lượng container cập cảng lớn nhất. 

KBSV kỳ vọng mức tăng trưởng kép đạt 9%/năm vẫn sẽ được duy trì trong 5 năm tới dựa trên : tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu duy trì 10-12%; dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam; ảnh hưởng từ các hiệp định FTA; chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tính trong tháng 7-8, tổng trọng tải cập cụm cảng Hải Phòng tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ đà hồi phục của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (tăng 3,3%). Đây là tín hiệu tốt cho thấy hoạt động thương mại đã bắt đầu tăng trưởng trở lại sau khi bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, tập đoàn Pegatron, top 5 nhà sản xuất linh kiện điện tử thế hàng đầu thế giới đang đề xuất đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng khu công nghiệp Nam Đình Vũ, Hải Phòng cho thấy cuỗi dịch chuyển cung ứng đang dần có ảnh hưởng.

Bài toán hạ tầng cũng đang được từng bước giải quyết. Như tại cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, mới đây, dự án xây cầu Phước An kết nối cảng biển Cái Mép – Thị Vải với cao tốc phía Nam đã được phê duyệt chủ trương với vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng. Cùng với đó, phương án đầu tư cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu cũng đã được chốt theo 2 giai đoạn với tổng vốn đầu tư 23.693 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý ở một số khu vực, đang có sự cạnh tranh lớn. Như tại Hải Phòng, tổng trọng tải cập cảng Lạch Huyện tăng mạnh gây sức ép lớn, khiến nhiều cảng hạ nguồn bị suy giảm sản lượng.

Cụ thể, trong tháng 9, Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng đã đề xuất xây dựng bến cảng số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện cho chủ đầu tư là Hateco group. Dự kiến thời gian hoàn thành giai đoạn 1 của dự án là năm 2025. Sự phát triển của cảng Lạch Huyện tạo sức ép lên một số doanh nghiệp cảng tại khu vực Hải Phòng đang niêm yết như VSC, DVP…

Mã chứng khoán tiêu biểu được KBSV khuyến nghị là: GMD.

Công nghệ thông tin

Mảng gia công xuất khẩu phầm mềm vẫn là động lực tăng trưởng chính trong 8 tháng năm nay của ngành công nghệ thông tin.

Dịch Covid-19 được kỳ vọng sẽ không gây ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh mảng xuất khẩu phần mềm do đặc thù ngành có thể làm việc tại nhà, nhu cầu về công nghệ tăng cao do các doanh nghiệp phải tìm kiếm giải pháp trong mùa dịch.

KBSV đánh giá tiềm năng tăng trưởng mảng gia công phần mềm vẫn khả quan do: nhu cầu cao trên thế giới; chi phí nhân công kĩ sư phần mềm của Việt Nam đang ở mức thấp so với các quốc gia khác (thấp hơn 24% so với Ấn Độ, 54% so với Trung Quốc), là lợi thế cạnh tranh lớn.

Tuy nhiên, chi phí nhân sự đang tăng mạnh trong thời gian gần đây do áp lực cạnh tranh nhân sự, cũng là yếu tố cần theo dõi, có thể ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng dài hạn của các doanh nghiệp.

KBSV kỳ vọng biên lợi nhuận gộp mảng xuất khẩu phần mềm sẽ được cải thiện trong trung hạn khi được đối tác tin tưởng, có nhiều hợp đồng hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao hơn.

Bên cạnh mảng gia công phần mềm, mảng internet băng thông rộng vẫn duy trì tăng trưởng bất chấp dịch Covid-19. Lũy kế 8 tháng đầu năm, số lượng thuê bao mới đạt 1,34 triệu thuê bao, tăng 17%.

Trong dài hạn, KBSV cho rằng dư địa tăng trưởng của mảng này vẫn còn, tuy nhiên biên lợi nhuận gộp sẽ giảm do giá cước tại thị trường tỉnh thấp hơn do mặt bằng thu nhập thấp; cùng với đó, các doanh nghiệp chưa có hạ tầng sẽ phải thuê ngoài qua đó tăng chi phí vận hành.

Mã chứng khoán tiêu biểu được KBSV khuyến nghị gồm: FPT, CMG.

Bán lẻ

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8/2020 có xu hướng giảm so với tháng trước do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 3% so với tháng 7, tuy nhiên vẫn tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê.

Dịch vụ lữ hành quay về giảm mạnh sau đà tăng ở tháng 6 và tháng 7, đạt 974 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán lẻ hàng hóa là ngành hàng duy nhất tăng trưởng dương 7%, đạt 334 nghìn tỷ đồng.

Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm nhẹ 0,02% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.225 nghìn tỷ đồng, trong đó, doanh số bán lẻ hàng hóa tăng 4% lên 2.553 nghìn tỷ đồng.

Trong quý IV/2020, theo kịch bản cơ sở dịch Covid-19 không tiếp tục bùng phát tại Việt Nam, KBSV dự báo ngành bán lẻ sẽ phục hồi. Điều này đã được phần nào thể hiện tại MWG khi lợi nhuận tháng 8 tăng trưởng 2 chữ số.

KBSV kỳ vọng trong thời gian sắp tới, đặc biệt khi dịch Covid-19 gần như đã được kiểm soát và Đà Nẵng đã được nới lỏng cách ly từ đầu tháng 9, nhu cầu tiêu dùng của người dân tiếp tục tăng trưởng tốt và dịch chuyển theo hướng thương mại hiện đại, theo đó, những cổ phiếu bán lẻ tận dụng được cả kênh offline và online sẽ được hưởng lợi.

Mã chứng khoán tiêu biểu được KBSV khuyến nghị gồm: MWG, PNJ.

Thủy sản

Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD (tăng 8,4% YoY) và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng dương trong quý IV nhờ: tăng thị phần tại thị trường Trung Quốc và Mỹ khi các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam (Ấn Độ, Ecuador) vẫn còn bị gián đoạn nguồn cung do đại dịch; tiếp tục giành thêm thị phần tại thị trường Mỹ từ đối thủ Trung Quốc giữa cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung; và EVFTA xóa bỏ thuế 4,2% đối với tôm đông lạnh nhập khẩu vào EU (thuận lợi cho FMC với doanh thu tập trung vào EU).

Đối với xuất khẩu cá tra, lũy kế 8 tháng đầu năm, doanh số đã giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 913,4 triệu USD chủ yếu do giá bán giảm mạnh từ đỉnh điểm năm 2018 và tiêu thụ cá tra ở các dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán ăn,...) bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Xuất khẩu cá tra Việt Nam kỳ vọng sẽ quay lại tăng trưởng dương từ quý IV nhờ: sản lượng xuất khẩu ngừng giảm trong quý IV; giá xuất khẩu chạm đáy trong quý III và tăng trở lại từ quý IV.

KBSV cho rằng thị trường Trung Quốc có cơ hội phục hồi về mức trước đại dịch khi đây là thị trường đầu tiên mở cửa lại nền kinh tế. Thị trường EU kỳ vọng sẽ thoát khỏi đà giảm và sẽ tăng trở lại trong quý IV khi tác động từ hiệp định EVFTA dần rõ ràng hơn (VHC có lợi thế ở thị trường khó tính này khi đa số vùng nuôi đã có chứng nhận chất lượng quốc tế).

Trong khi đó, thị trường Mỹ đã bắt đầu tăng nhập hàng tồn kho từ đầu năm nay (nhưng bị tạm hoãn trong quý II do đại dịch), sang quý IV, kỳ vọng thị trường này sẽ tăng cường nhập khẩu hàng từ Việt Nam.

Mã chứng khoán tiêu biểu được KBSV khuyến nghị gồm: FMC, VHC.

Bên cạnh các ngành có triển vọng "Tích cực" trên, KBSV giữ triển vọng "Trung lập" đối với ngành dầu khí, ngân hàng, bất động sản.

Riêng với ngành bất động sản khu công nghiệp, triển vọng là tiêu cực trong ngắn hạn nhưng tích cực trong trung, dài hạn.

Tin mới lên