Tài chính

Nên xóa tiền nợ thuế không thể thu hồi

Một trong những điểm được cộng đồng doanh nghiệp trông đợi nhất trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới là các quy định về xóa nợ thuế. “Tiền thuế không thể thu hồi được thì nên xem xét xóa”, ông Trần Quang Chiểu, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bày tỏ quan điểm.

Nên xóa tiền nợ thuế không thể thu hồi

Ông Trần Quang Chiểu, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

- Tổng số tiền nợ thuế (tính đến thời điểm 31/12/2018) ước khoảng 75.800 tỷ đồng, trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu hồi chỉ chiếm 51,8%, còn lại là nợ không có khả năng thu. Theo ông, nên xử lý thế nào số tiền nợ thuế không có khả năng thu hồi?

Ông Trần Quang Chiểu: Năm 2018, ngành thuế đã thu hồi được 32.055 tỷ đồng tiền thuế nợ đọng năm 2017 chuyển sang, tương đương 77% số nợ thuế có khả năng thu hồi. Nhưng về số tuyệt đối, tiền nợ đọng thuế năm 2018 vẫn tăng so với năm 2017 (tổn số tiền thuế nợ đọng tại thời điểm 31/12/2017 là 73.145 tỷ đồng), chủ yếu do số tiền thuế nợ đọng không có khả năng thu hồi từ nhiều năm trước chuyển sang. Trong đó, có rất nhiều khoản nợ chỉ 2 - 5 triệu đồng đã tồn tại hàng chục năm trời, trong khi người nộp thuế là cá nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, đóng cửa; hộ gia đình, cá nhân đã bị thu hồi giấy phép.

Theo tôi, nên xóa những khoản nợ không có khả năng thu hồi, vì để cũng không đòi được mà lại mất thời gian, chi phí, công sức quản lý.

- Nhưng Luật Quản lý thuế hiện hành đã có quy định về việc xóa tiền nợ thuế rồi, thưa ông?

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt; cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt còn nợ được xem xét xóa nợ tiền thuế.

Ngoài ra, các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt được xóa nếu đáp ứng đủ 2 điều kiện: nợ đã quá 10 năm và cơ quan quản lý thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế, nhưng không thu hồi được.

Trên thực tế, cơ quan thuế không thể thực hiện được “tất cả” các biện pháp cưỡng chế (7 biện pháp), nên mặc dù doanh nghiệp đã chấm dứt tồn tại về mặt pháp lý, đối tượng thu không còn, nhưng vẫn không đáp ứng đủ điều kiện để xóa nợ tiền thuế. Tiền nợ thuế gốc không thu được nên vẫn phải tính tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp là nguyên nhân khiến nợ thuế gia tăng.

Hơn nữa, thầm quyền xóa nợ thuế hiện nay không còn phù hợp, như giao Thủ tướng Chính phủ xóa nợ trên 10 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ từ 5 đến 10 tỷ đồng, xóa nợ dưới 5 tỷ đồng giao Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ được xóa khoản nợ của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản; cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của hộ gia đình, cá nhân đã quá 10 năm.

Để xử lý vấn đề này, theo tôi, phải thiết kế lại đối tượng xóa nợ thuế và thẩm quyền xóa nợ thuế.

- Theo ông, xóa nợ thuế nên thiết kế theo hướng nào?

Ngoài doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản; cá nhân đã chết hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền nợ thuế; tiền nợ thuế quá 10 năm không thể thu hồi, thì khoản tiền nợ thuế mà đối tượng nợ thuế đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề cũng được xóa nợ thuế mà cơ quan thuế không phải áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế nợ thuế.

Ngoài ra, người nộp thuế gặp khó khăn bất khả kháng đã được xem xét miễn tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế mà vẫn còn thiệt hại, chưa phục hồi được sản xuất - kinh doanh, thì cũng nên xem xét xóa tiền nợ thuế.

Thẩm quyền xóa nợ nên giao Bộ trưởng Bộ Tài chính được quyền xóa nợ trên 10 tỷ đồng; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ tiền thuế từ 5 đến 10 tỷ đồng. Còn lại giao thẩm quyền xóa nợ cho chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với khoản nợ dưới 5 tỷ đồng; nợ thuế của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản; chủ doanh nghiệp tư nhân, cá nhân đã chết hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; tiền nợ thuế quá 10 năm của cá nhân, hộ kinh doanh.

- Nếu tiền nợ thuế được xóa dễ dàng, liệu có dẫn đến tình trạng cố tình nợ thuế, sau khi được xóa sẽ thành lập cơ sở kinh doanh mới và lại tiếp tục nợ thuế không, thưa ông?

Khi tham gia kinh doanh, người chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với cơ sở kinh doanh phải khai báo số chứng minh nhân dân/căn cước công dân và được cấp mã số thuế. Mã số thuế gắn liền với số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, nên nếu như anh nợ thuế sau đó cố tình giải thể, phá sản, đóng cửa doanh nghiệp và bỏ khỏi địa bàn kinh doanh, rồi sang địa bàn khác lập cơ sở kinh doanh mới thì cơ quan thuế vẫn truy tìm ra dựa vào số chứng minh nhân dân/căn cước công dân khi cấp mã số thuế. Đây là hành vi trốn thuế nên bị xử phạt rất nặng, có thể bị phạt gấp 3 lần tiền trốn thuế, thậm chí còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tiền thuế là ngân sách nhà nước, nên cả người đề xuất xóa nợ lẫn người ra quyết định xóa nợ đều rất thận trọng, nếu không chắc chắn, không ai dám đề xuất xóa nợ và ra quyết định xóa nợ vì trách nhiệm trong việc xóa nợ thuế rất cao. Còn nếu nhân viên thuế vụ, nhân viên hải quan, lãnh đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan thông đồng, “bắt tay” với đối tượng nợ thuế để đề nghị xóa nợ thì sẽ bị xử lý rất nặng, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nên chắc không có nhiều người dám vi phạm pháp luật về thuế.

Tin mới lên