Tài chính quốc tế

Nga dự định hợp pháp hoá ‘nhập khẩu song song’ hàng hoá bán lẻ

(VNF) - Ngày 18/3, Cơ quan quản lý cạnh tranh cho biết Nga đang xem xét cho phép các nhà bán lẻ nhập khẩu các sản phẩm từ nước ngoài mà không có sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu, sau khi các thương hiệu toàn cầu tạm dừng bán hàng tại Nga hoặc ngừng xuất khẩu sang quốc gia này.

Nga dự định hợp pháp hoá ‘nhập khẩu song song’ hàng hoá bán lẻ

Một cửa hàng thuộc chuỗi Uniqlo của Nhật Bản tại Nga. Từng tuyên bố "người dân Nga cũng có quyền sống như chúng ta", nhưng Uniqlo đã phải thay đổi quan điểm khi đứng trước áp lực trừng phạt từ phương Tây.

Việc cho phép "nhập khẩu song song" phản ánh thực tế lĩnh vực bán lẻ của Nga đã bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây và các quyết định rút khỏi Nga của các công ty quốc tế nhằm hạn chế hoạt động của họ ở Nga.

Theo Cơ quan Chống Độc quyền Liên bang (FAS), người đứng đầu FAS đã gặp mặt đại diện nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất của Nga Wildberries, thảo luận về hợp pháp hóa nhập khẩu song song. Cả hai bên đều tin tưởng rằng động thái này sẽ mang tới hiệu quả tích cực cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp Nga.

FAS cho biết họ đã chuẩn bị các dự thảo quy định về nhập khẩu song song - đôi khi còn được gọi là "nhập khẩu xám" - đang được chính phủ thảo luận.

"Sáng kiến của FAS cho phép nhập khẩu song song sẽ là một biện pháp hỗ trợ hiệu quả. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được phép nhập khẩu hợp pháp hàng hóa nước ngoài mà không cần xin phép bổ sung, còn người tiêu dùng sẽ được tiếp cận với nhiều loại hàng hóa hơn”, Tổng giám đốc Wildberries Tatyana Bakalchuk cho biết.

“Điều này đặc biệt quan trọng đối với những mặt hàng như thuốc men, thực phẩm và các sản phẩm dành cho trẻ em”, ông Bakalchuk nói thêm.

Mặc dù đây là một biện pháp khả quan trong thời kỳ kinh tế Nga đang bị cô lập và xa lánh, dẫn tới nguồn hàng trong nước không còn đầy đủ và dồi dào, nhưng việc hợp pháp hoá nhập khẩu song song cũng có thể dẫn tới các hệ luỵ về quyền sở hữu trí tuệ.

Trước đó, để đối phó với làn sóng trừng phạt kinh tế, Bộ Phát triển Kinh tế Nga đã thông báo xem xét tạm thời dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng quyền ở hữu trí tuệ, bao gồm tạm thời đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ của các chủ sở hữu nước ngoài đã quyết định rút khỏi thị trường Nga.

Vì vậy, nếu Nga tiến tới hợp pháp hoá nhập khẩu song song, loại trừ trách nhiệm đối với việc nhập khẩu song song một số sản phẩm nhất định, điều này trên thực tế sẽ hợp pháp hóa việc nhập khẩu các sản phẩm giả mạo từ các quốc gia khác mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu trí tuệ, những người sẽ không có biện pháp khắc phục hiệu quả chống lại các hành vi vi phạm nhãn hiệu. Kết quả là, danh tiếng thương hiệu và danh mục đầu tư nhãn hiệu của họ sẽ bị giảm giá trị.

Tính tới thời điểm hiện tại, theo thống kê của Reuters, có hơn 400 doanh nghiệp nước ngoài đã rút khỏi Nga hoặc tạm ngưng hoạt động tại quốc gia này.

Chỉ riêng trong lĩnh vực hàng hoá bán lẻ, có thể kể tới các tên tuổi lớn trên thế giới như H&M, Nike, Apple, hãng mỹ phẩm L’Oreal và tập đoàn Estee Lauder. Ngay cả Levi's, thương hiệu quần jean đã trở thành biểu tượng kinh doanh hậu Xô Viết ở Nga, cũng đã đóng cửa các cửa hàng.

Boohoo, gã khổng lồ nội thất Thụy Điển Ikea và nhà bán lẻ quần áo Nhật Bản Uniqlo cũng nằm trong số những thương hiệu đã ngừng làm ăn tại thị trường Nga.

Xem thêm >> ‘Chấm dứt hợp tác với Nga, các nước EU thiệt hại hơn 550 tỷ USD’

Tin mới lên