Nga lên án hành động ‘bắt giữ người phi lý’ của Na Uy, tuyên bố sẽ đáp trả

Minh Đăng - 25/09/2018 12:41 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Ngoại giao Nga ngày 24/9 triệu tập Đại sứ Na Uy tại Moscow Rune Resaland để phản đối việc công dân Nga bị bắt tại sân bay Oslo hồi cuối tuần vừa qua.

VNF
Cơ quan tình báo PST của Na Uy ngày 23/9 đã bắt giữ một công dân Nga tại sân bay Oslo vì bị tình nghi "hoạt động tình báo trái phép".

Cơ quan tình báo PST của Na Uy ngày 23/9 thông báo đã bắt giữ một công dân Nga (51 tuổi) tại sân bay Oslo vì bị tình nghi "hoạt động tình báo trái phép".

Bộ Ngoại giao Nga xác định công dân này là M.A. Bochkaryov, người đang làm công tác trợ lý tại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga.

Cảnh sát Na Uy thông báo sẽ tạm giam ông Bochkarev trong 2 tuần để đề phòng nghi phạm tiêu hủy bằng chứng. Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cho hay công dân Nga này bị cáo buộc thu thập một số dữ liệu trái phép và bị điều tra như vụ án hình sự chứ không liên quan gì đến vấn đề chính trị.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg.

Phó Chủ tịch Hội đồng liên bang Nga Ilyas Umakhanov cho rằng, việc một tòa án Na Uy ra lệnh giam giữ ông Bochkaryov trong 2 tuần là hành động khiêu khích có chủ ý.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, ông Bochkaryov đến Na Uy theo lời mời của Trung tâm Nghiên cứu Nghị viện và Tư liệu châu Âu để tham dự một hội nghị quốc tế có sự tham gia của đại diện hơn 30 quốc gia.

Luật sư của ông Bochkaryov cho biết thân chủ của ông không hiểu lý do tại sao bị cáo buộc tội danh trên và cho rằng có sự hiểu lầm ở đây.

Moscow đã yêu cầu Đại sứ Resaland giải thích về hành động "bắt giữ vô lý" và yêu cầu Na Uy thả người ngay lập tức.

Chính quyền Nga còn cho rằng đây chính là dấu hiệu cho thấy "chứng hoang tưởng về gián điệp" của các nước phương Tây về Nga.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.

Hồi giữa tháng 9, chính quyền Thụy Sĩ đã ra tuyên bố yêu cầu Nga ngay lập tức ngừng các hoạt động tình báo bất hợp pháp trên lãnh thổ quốc gia này. Truyền thông Thụy Sĩ đưa tin, hiện có khoảng 1/4 công dân Nga đang làm việc ở quốc gia này có thân phận là gián điệp.

Trước đó, cảnh sát Hà Lan đã bắt giữ hai người đàn ông bị nghi là gián điệp Nga ở The Hague. Theo thông tin được đăng tải trên báo Tages-Anzeiger của Thụy Sỹ và NRC Handelsblad của Hà Lan, hai đối tượng này đã tìm cách tiếp cận phòng thí nghiệm Spiez ở gần Bern, đồng thời, mang theo các thiết bị với mục đích phá vỡ mạng lưới thông tin mạng của phòng thí nghiệm này. Chính quyền Hà Lan ngày 26/3 cho biết hai “điệp viên tình báo” này đã bị trục xuất về nước.

Trước những cáo buộc từ Thụy Sĩ, Đại sứ quán Liên bang Nga lên tiếng phủ nhận và cho rằng những báo cáo của truyền thông Thụy Sĩ là “các cuộc tấn công vô căn cứ và không có cơ sở” nhằm vào Nga. Nga cũng chỉ ra rằng tác giả của các bài báo trên đang cố tình kích động bầu không khí chống Nga và gieo vào suy nghĩ của độc giả thái độ định kiến với các công dân Nga làm việc tại Thụy Sĩ.

Công dân Nga Maria Butina bị bắt giữ tại Mỹ.

Đại diện thường trực của Nga tại Văn phòng Liên Hợp Quốc ở Geneva Gennady Gatilov ngày 16/9 tuyên bố, các cáo buộc Nga tổ chức các hoạt động gián điệp trên lãnh thổ Thụy Sĩ là vô căn cứ và mang động cơ chính trị.

Hồi giữa tháng 7, Mỹ cũng đã bắt giữ công dân Nga Maria Butina (29 tuổi) vì cáo buộc hoạt động trái phép trên đất Mỹ trong vai trò điệp viên nước ngoài và âm mưu chống lại chính phủ Mỹ.

Trong hồ sơ truy tố, một nhân viên FBI cho biết Butina đã tìm cách xây dựng kênh liên lạc bí mật với các chính trị gia Mỹ để "xâm nhập bộ máy hoạch định chính sách quốc gia nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự của liên bang Nga”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng dường như FBI đang thực hiện một nhiệm vụ chính trị được sắp đặt thay vì thực hiện nghĩa vụ chống lại tội phạm.

“Chúng tôi hiểu rằng một số thế lực vẫn tiếp tục kích động chống Nga là người đứng sau tất cả những việc này, chính họ đã ngụy tạo những câu chuyện về việc Nga can thiệp vào vấn đề nội bộ của Mỹ”, bà nhấn mạnh.

Xem thêm >> Trung Quốc còn vũ khí gì trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác