Nga và Saudi Arabia tính cắt giảm mạnh sản lượng để nâng giá dầu

Thanh Tú - 05/10/2022 14:13 (GMT+7)

(VNF) - Nhằm vực dậy giá dầu, Saudi Arabia và Nga đang cân nhắc giảm sản lượng dầu ít nhất từ 1-2 triệu thùng/ngày tại cuộc họp ngày 5/10. Nếu được thông qua, đây sẽ là mức cắt giảm sản lượng mạnh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019.

VNF
Cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) diễn ra hôm nay (5/10) tại Vienna (Áo).

Cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) diễn ra hôm nay (5/10) tại Vienna (Áo), đây là là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của OPEC+ kể từ khi các biện pháp hạn chế về Covid-19 được áp đặt hồi năm 2020. Cuộc họp sẽ gồm 13 nước thành viên của OPEC do Arab Saudi dẫn đầu và 10 thành viên đồng minh do Nga đứng đầu.

Hội nghị OPEC+ được triệu tập trong bối cảnh giá dầu mỏ thế giới đang giảm từ mức cao nhất trong nhiều năm ghi nhận vào tháng 3/2022 và thị trường biến động nghiêm trọng.

Theo nhiều nguồn tin, các nước thành viên thuộc OPEC+ đã bắt đầu thảo luận về vấn đề cắt giảm sản lượng, dự kiến được đưa ra đàm phán tại hội nghị sắp tới do lo ngại tình trạng suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ.

Dù khối lượng cắt giảm dự kiến vẫn chưa rõ ràng, một vài nguồn thạo tin cho biết Saudi Arabia và Nga đang cân nhắc giảm sản lượng dầu ở mức ít nhất từ 1-2 triệu thùng/ngày. Việc giảm sản lượng sẽ không diễn ra ngay trong một lần mà mức giảm sẽ tăng dần qua các tháng.

Ở động thái liên quan, hãng tin CNN trích dẫn các nguồn tin trong chính phủ Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố gắng thuyết phục các thành viên OPEC+ không đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng dầu.

"Trong vài ngày qua, các quan chức cấp cao trong lĩnh vực năng lượng, kinh tế và quốc tế của chính quyền Tổng thống Joe Biden ra sức vận động những người đồng cấp nước ngoài của họ ở các nước đồng minh Trung Đông, bao gồm Kuwait, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, bỏ phiếu chống lại việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu", nguồn tin cho hay.

Mỹ đang nỗ lực hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước trong bối cảnh giá xăng trung bình toàn quốc ở Mỹ đã tăng mạnh từ cuối tháng 2 vừa qua và lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 5 USD/gallon (3,79 lít) vào tháng 6. Dù đã giảm dần, nhưng giá xăng tại Mỹ hiện vẫn ở mức khá cao do nguồn cung thắt chặt.

Trong ngày 4/10, đại sứ các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đạt được thỏa thuận về việc áp giá trần đối với việc bán dầu của Nga cho các nước thứ ba, văn bản cuối cùng sẽ được thông qua vào ngày 5/10. Đây được coi là một phần của vòng trừng phạt kinh tế thứ 8 mà EU áp đặt lên Moscow.

Xem thêm >> Hà Lan lo ngại khí đốt sẽ chuyển hướng sang châu Á nếu EU áp giá trần

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác