Ngân hàng dồn dập bán trái phiếu lãi suất cao, tranh thủ hút tiền trước khi BĐS nóng lại

Minh Dũng - 14/09/2024 12:00 (GMT+7)

(VNF) - Trái phiếu ngân hàng đang trở thành kênh đầu tư cạnh tranh nhờ mức lãi suất hấp dẫn, cao hơn gửi tiết kiệm. Nhiều ngân hàng chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư lãi suất với lãi suất từ 5,5%/năm đến gần 8%/năm.

Điển hình, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) đang chào bán ra công chúng 15 triệu trái phiếu với lãi suất 7,9%/năm. Từ năm thứ hai, lãi suất lô trái phiếu này được tính theo công thức lãi tham chiếu cộng thêm biên độ 2,5%.

Vào tháng 10 tới, BVBank dự kiến có thêm một đợt phát hành thứ hai trong năm nay, chào bán 7 triệu trái phiếu. Đây là các đợt chào bán nằm trong kế hoạch phát hành 56 triệu trái phiếu, tương đương huy động 5.600 tỷ đồng từ nay đến đầu năm 2026 của BVBank.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) mới huy động thành công 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2024 cho hơn 5.000 nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Trái phiếu của Agribank có lãi suất 6,68%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng của ngân hàng này là 4,8%/năm.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đưa ra lãi suất lên tới 7,7%/năm cho các lô trái phiếu phát hành trong năm nay.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, hàng loạt ngân hàng khác như Á Châu (ACB), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Quân đội (MB), Phương Đông (OCB), Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)... đã phát hành trái phiếu riêng lẻ nhiều đợt dành riêng cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mức lãi suất cao, dao động từ 5,45-6,5%/năm.

Đơn cử, đầu tháng 8, MB phát hành riêng lẻ thành công 4.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 3 năm. Đây là trái phiếu không tài sản đảm bảo và có lãi suất cố định ở mức 5,45%/năm.

Sau khi huy động thành công hơn 13.000 tỷ đồng trong tháng 7, ACB tiếp tục phát hành thêm 2 lô trái phiếu riêng lẻ trong tháng 8 với quy mô đạt 670 tỷ đồng, lãi suất 6-6,1%/năm cho năm đầu tiên.

OCB mới đây cũng huy động được 5.000 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu không tài sản đảm bảo cho nhà đầu tư, kỳ hạn 2 - 3 năm, lãi suất cố định ở mức 5,6%/năm.

Đầu tháng 8, BIDV phát hành thành công hai lô trái phiếu 6 năm và 8 năm, tổng giá trị 2.500 tỷ đồng, đều là trái phiếu không có tài sản đảm bảo và lãi suất cho kỳ đầu tiên lần lượt là 5,58%/năm và 5,88%/năm.

VPBank cũng mới phát hành lô trái phiếu đầu tiên trong năm 2024 với tổng giá trị 4.000 tỷ đồng, trái phiếu không có tài sản đảm bảo, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định là 5,5%/năm.

Bộ Tài chính thông tin, trong 7 tháng năm 2024, đã có 183 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị huy động lên tới 174.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,78 lần cùng kỳ. Trong đó, ngành ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành lên tới 136.500 tỷ đồng, chiếm 68,2% tổng giá trị phát hành toàn thị trường.

Theo giới phân tích, với tỷ trọng phát hành chiếm ưu thế, đặc biệt là những đợt phát hành với lãi suất hấp dẫn, trái phiếu ngân hàng đang ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, giữ vai trò dẫn dắt trên thị trường. Hơn nữa, không chỉ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, trái phiếu còn trở thành công cụ chiến lược giúp các ngân hàng củng cố nguồn vốn và đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn tài chính.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay là phù hợp với ngân hàng. Theo đó, các nhà băng có thể hạn chế rủi ro gia tăng về chi phí vốn đầu vào khi lãi suất có xu hướng tăng trở lại. Hiện lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng của ngân hàng thương mại nhà nước khoảng 4,7%/năm, các ngân hàng cổ phần khoảng 5-5,5%/năm. Trái phiếu ngân hàng là một kênh đầu tư an toàn, hiệu quả nếu so với lãi suất gửi tiết kiệm thông thường ở thời điểm hiện tại.

So với lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng từ 5,5-6%/năm như hiện tại, lãi suất trái phiếu của ngân hàng hấp dẫn hơn, phù hợp với người dòng tiền nhàn rỗi dài hạn.

Báo cáo của đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho thấy, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu ngân hàng và lãi suất tiền gửi dao động trong khoảng 2-2,5%, tùy theo kỳ hạn. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu ngân hàng trong năm 2024 dao động từ 6-7%/năm cho các kỳ hạn 5-10 năm.

Mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp khiến trái phiếu ngân hàng đang trở thành lựa chọn hấp dẫn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là những người tìm kiếm lợi nhuận ổn định và an toàn trong bối cảnh lãi suất tiền gửi thấp.

Trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi khả quan

Trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi khả quan

Tài chính
(VNF) -Mặc dù còn gặp rủi ro nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng phục hồi tích cực hơn trong những tháng cuối năm 2024 và tiếp theo nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ.
Cùng chuyên mục
Tin khác