Nguyên Bí thư Tỉnh ủy 2 lần làm đơn tố vụ sân golf Phan Thiết biến thành khu đô thị ‘có nhiều bất thường’

Lệ Chi - 18/08/2021 17:19 (GMT+7)

(VNF) - Ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, đã 2 lần đứng ra làm đơn gửi Thủ tướng về việc chuyển đổi dự án sân golf Phan Thiết sang khu đô thị du lịch biển vì nhận thấy có nhiều diễn biến bất thường. Thanh tra Chính phủ đã 2 lần có kết quả xác minh nhưng ông Trung chưa đồng tình và có đơn phản biện.

VNF
Ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận.

Như VietnamFinance đã thông tin, trong số vụ việc được bổ sung vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo tại phiên họp thứ 20 diễn ra ngày 5/8 có vụ sân golf Phan Thiết chuyển mục đích sang khu đô thị.

Vụ việc này hiện đang gây sự chú ý của dư luận, đặc biệt hơn đây cũng là vụ từng được ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, đứng ra làm đơn gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh và đề nghị Thủ tướng chỉ đạo làm rõ một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý của UBND tỉnh Bình Thuận trong việc chuyển đổi.

Theo tài liệu của VietnamFinance, trong đơn phản ánh gửi Thủ tướng vào đầu năm 2019, ông Đinh Trung cho rằng việc chuyển đổi đất sân golf Phan Thiết sang đất ở đô thị cho thấy lãnh đạo tỉnh Bình Thuận có những biểu hiện sai trái, tiêu cực “lợi ích nhóm”, câu kết với Công ty Cổ phần Rạng Đông biến đất công thành đất tư nhân không đúng với quy hoạch sử dụng đất của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng về quy hoạch sân golf đến năm 2020.

Qua kiểm tra, xác minh, Thanh tra Chính phủ nhận xét nội dung phản ánh này của ông Đinh Trung là không có cơ sở. Bởi lẽ, theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Thuận, ngày 28/10/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 2117/TTg-KTN về việc điều chỉnh sân golf Phan Thiết, đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Tuy nhiên, ông Đinh Trung cho rằng nhận xét trên là không khách quan, không có quan điểm lịch sử và cố tình bao che cho sự sai trái.

Chính vì lý do đó, ngày 28/11/2019, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận tiếp tục có đơn phản biện nội dung của Thanh tra Chính phủ.

Khu đất vàng được định giá bèo?

Theo ông Đinh Trung, việc định giá tiền sử dụng đất có đúng và sát giá thị trường, có thất thu ngân khách hay không là nội dung trọng tâm của vụ chuyển đổi, vì phải kết luận rõ mới chỉ ra được có tiêu cực, tham nhũng “lợi ích nhóm”.

Trong khi đó, Thanh tra Chính phủ kết luận UBND tỉnh Bình Thuận xác định giá đất để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất chưa chính xác, có nguy cơ gây thiệt hại ngân sách nhà nước là có cơ sở một phần.

“Đã thanh tra thì phải kết luận có thất thu, thiệt hại cho ngân sách qua việc định giá thu tiền sử dụng đất như đơn phản ánh không, nếu có là bao nhiêu? Tiền nong phải tính toán cụ thể chứ không thể nhận xét chung chung một cách trừu tượng là có cơ sở một phần”, ông Trung cho hay.

Ông Trung cho biết đất sân golf Phan Thiết là khu đất vàng ở vị trí đẹp của TP. Phan Thiết, hai mặt giáp đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Tất Thành, một mặt giáp bờ biển, mặt còn lại giáp khu đô thị hiện có.

Theo bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, áp dụng từ tháng 1/2015 đến 31/12/2019, giá đất đường Nguyễn Tất Thành là 11 triệu đồng/m2, giá đất đường Tôn Đức Thắng là 14 triệu đồng/m2, giá đất trục đường ven biển là 8,4 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, ngày 25/11/2015, UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 3371/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất đối với diện tích 363.523,6m2 được phép chuyển mục đích sử dụng đất của dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Giá trị tiền sử dụng đất là 936,8 tỷ đồng (gần 2,6 triệu đồng/m2).

Trong khi đó, theo ông Trung, nếu căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm giao đất cho khu đô thị du lịch biển Phan Thiết thì gấp 10 lần. Thực tế, giá thị trường các tuyến đường nằm quanh khu đô thị này tại thời điểm giao đất có giá từ 15 - 24 triệu đồng/m2. Chỉ trong vòng một năm, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, phân lô bán nền với giá từ 20 - 40 triệu đồng/m2. Hiện tại giá bán còn cao hơn nữa.

Cận cảnh sân golf Phan Thiết nay được chuyển thành khu đô thị du lịch biển. Ảnh: Dantri.

Đối với việc định giá đất của UBND tỉnh Bình Thuận tại dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết: “Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã giao Chi cục quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận ký hợp đồng tư vấn thẩm định giá với Công ty Cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam (đơn vị tư vấn thẩm định giá đất).

Theo đó, đơn vị tư vấn thẩm định giá đất áp dụng phương pháp thặng dư để xác định giá đất; ước tính các khoản doanh thu, chi phí thực hiện theo từng năm và chiết khấu về giá trị hiện tại tại thời điểm định giá đất để tính toán giá đất cụ thể theo quy định tại khoản 4, điều 6 của Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ TN-MT, quy định chi tiết phương pháp định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất.

Theo phương pháp thặng dư, ước tổng chi phí phát triển quy về thời điểm định giá đất là 1.892 tỷ đồng (trong đó chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng là 1.278,5 tỷ đồng), ước tổng doanh thu phát triển khu đất qui về thời điểm hiện tại là 2.828,7 tỷ đồng. Tổng số tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp ngân sách nhà nước là 936,8 tỷ đồng.

Theo ông Đinh Trung, cách tính giá tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư cần phải xem lại việc áp dụng có phù hợp đối với dự án này hay không? Thông tư 36 của Bộ TN-MT hướng dẫn theo phương pháp thặng dư, nhà đầu tư bỏ vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng trên đất được nhà nước giao để bán, hoặc cho thuê chứ không phải xây dựng hạ tầng kĩ thuật rồi phân lô bán nền. Vì trên thực tế, chủ đầu tư dự án hiện nay chủ yếu là phân lô bán nền.

Mặt khác, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận cho rằng cần xem xét lại tỷ lệ chiết khấu về giá trị hiện tại, tại thời điểm định giá đất. Bởi tỷ lệ chiết khấu này không đúng, dẫn đến ước tính tổng doanh thu phát triển không phải là 2.828,7 tỷ đồng mà con số đó cao hơn rất nhiều.

“Lấy ước tính tổng doanh thu phát triển trừ ước tính tổng chi phí phát triển (quy về thời điểm hiện tại), còn lại là tổng giá trị tiền sử dụng đất của khu đất vàng và giá tiền sử dụng đất gần 2,6 triệu đồng/m2 là không thể chấp nhận được. Bản chất của thất thu ngân sách là do cách định giá thu tiền sử dụng đất không đúng, chứ không phải đợi đến khi nhà đầu tư thực hiện xong công trình, có kiểm toán, quyết toán chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng”, ông Trung phân tích.

Theo phân tích của ông Trung, nếu chi phí thấp hơn 1.693,6 tỷ đồng, nhà đầu tư cam kết nộp bổ sung phần chênh lệch vào ngân sách nhà nước, nhưng đây là chi phí do nhà đầu tư tự định ra và chưa được tổ chức có thẩm quyền thẩm định theo quy định của Luật xây dựng là trái quy định của pháp luật.

Chính vì vậy, ông Trung kiến nghị tính lại giá thu tiền sử dụng đất để làm rõ và kết luận việc thất thu lớn ngân sách nhà nước do việc định giá “rẻ mạt” tiền sử dụng đất tại khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.

20% quỹ đất xây nhà ở xã hội “biến mất” bất thường

Một nội dung bất thường khác được nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đề cập đến trong đơn phản biện là việc UBND tỉnh Bình Thuận không yêu cầu chủ đầu tư bố trí 20% quỹ đất của dự án để xây dựng nhà ở xã hội là chưa đúng pháp luật.

Ông Trung viện dẫn, Nghị định số 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã nêu rõ, tại các dự án chủ đầu tư phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết tổng thể mặt bằng dành để xây dựng nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Thuận lại gửi văn bản lên Bộ Xây dựng xin hướng dẫn để quyết “loại” 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội ra khỏi dự án. Tại Văn bản số 906/BXD-QLN của Bộ Xây dựng ngày 24/4/2015 cho phép Công ty Rạng Đông nộp khoản tiền tương đương giá trị quỹ đất theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại hai khu đất khác có diện tích 8,75ha, được UBND tỉnh chỉ định.

Phản biện hướng dẫn này, ông Trung cho rằng điểm a khoản 2 điều 6 Nghị định 188 của Chính phủ nói rõ: “Chủ đầu tư có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trừ trường hợp nhà nước thu hồi quỹ đất 20% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách và trường hợp chủ đầu tư không có nhu cầu nhà ở xã hội thì chuyển giao quỹ đất này cho UBND cấp tỉnh nơi có dự án”. Như vậy, theo ông Trung, việc hướng dẫn của Bộ Xây dựng là “có vấn đề”.

Theo lý giải của UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ Xây dựng là bộ quản lý nhà nước chuyên ngành xây dựng, khi địa phương có vướng mắc về pháp luật, có văn bản hỏi và sau đó thực hiện theo hướng dẫn của bộ quản lý chuyên ngành thì không quy kết UBND tỉnh làm sai được.

Hàng loạt lâu đài, biệt thự, nhà phố được xây dựng trên đất sân golf cũ. Ảnh: Dantri

Theo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, nếu nhà đầu tư không có nhu cầu nhà ở xã hội thì có thể giao 20% quỹ đất, tương đương 7,2ha cho tỉnh, và đem đấu giá thu tiền làm quỹ xây dựng và phát triển nhà ở xã hội. Nhưng việc đưa 20% quỹ đất ra khỏi dự án là vì mục đích cho doanh nghiệp hưởng lợi.

Bởi lẽ, ngày 30/3/2015, Sở Xây dựng Bình Thuận đã có tờ trình gửi UBND tỉnh này phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết khu đô thị của Công ty Cổ phần Rạng Đông. Trong đó, sở này có đề nghị UBND tỉnh dành 20% diện tích trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, ngày 6/4/2015, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định về phê duyệt chi tiết 1/500 khu đô thị du lịch biển Phan Thiết và đã không dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, trước khi Bộ Xây dựng có Văn bản số 906/BXD-QLN ngày 24/4/2015 trả lời tỉnh Bình Thuận.

Theo ông Đinh Trung, sự việc trên phải chăng UBND tỉnh Bình Thuận “tiền trảm hậu tấu”, cố tình làm một việc đã rồi.

Ngoài ra, trong báo cáo kiểm toán số 23/KTNN-TH ngày 12/1/2018, cơ quan Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra tồn tại sau: UBND tỉnh Bình Thuận cho phép Công ty TNHH khu đô thị du lịch biển Phan Thiết không bố trí 72.704m2 trong dự án mà cho phép nộp tiền để thực hiện quỹ nhà ở xã hội ngoài dự án với mức thu hơn 2,57 triệu đồng/m2 (bằng mức tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách) để cho doanh nghiệp nộp tổng số tiền hơn 187,3 tỷ đồng là chưa phù hợp.

Kiểm toán Nhà nước ước tính theo doanh thu phát triển trong phương án tính giá đất, số tiền quỹ đất nhà ở xã hội doanh nghiệp phải nộp cho dự án này là hơn 221,8 tỷ đồng (tăng hơn 34 tỷ đồng so với việc tỉnh cho phép doanh nghiệp này nộp).

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đánh giá nếu thực hiện đúng Nghị định số 188 của Chính phủ, chủ đầu tư giao 20% quỹ đất này cho tỉnh, tổ chức bán đấu giá thì thu hơn 1.000 tỷ đồng cho ngân sách chứ không chỉ có 221,8 tỷ đồng.

Ông Trung cho rằng Thanh tra Chính phủ đã phớt lờ thiệt hại ngân sách nhà nước qua việc thu tiền 20% quỹ đất nhà ở xã hội này.

“Vả lại, trong văn bản Bộ Xây dựng không có nội dung hướng dẫn cho phép Công ty khu đô thị du lịch biển Phan Thiết nộp khoản tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% (chỉ thực hiện ở dự án dưới 10 ha), Thanh tra Chính phủ lấy bằng chứng ở đâu mà cho rằng, UBND tỉnh Bình Thuận làm theo hướng dẫn Bộ Xây dựng?”, ông Trung phản biện.

Do đó, ông Đinh Trung đề nghị cần làm rõ trách nhiệm và mối quan hệ không trong sáng, không bình thường giữa doanh nghiệp, UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét yêu cầu chủ đầu tư giao lại 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong dự án để tỉnh tổ chức bán đấu giá thu tiền cho quỹ phát triển nhà ở xã hội. Chỉ tính riêng diện tích 7,2ha này, chủ đầu tư đã bỏ túi trên cả ngàn tỷ đồng.

>>> Xem thêm: Lịch sử sân golf Phan Thiết trước khi vào diện theo dõi của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng

Còn tiếp

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.