Tiêu điểm

Nhà nước độc quyền lưới truyền tải và tính cơ chế gọi 134 tỷ USD đầu tư điện

(VNF) - Đối với khâu truyền tải điện, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: "Nhà nước nên độc quyền cả đầu tư và vận hành lưới truyền tải xương sống để đảm bảo tính liên tục, công bằng và an ninh năng lượng". Trong khi đó, theo chuyên gia Định Trọng Thịnh, để tạo điều kiện phát triển Quy hoạch điện VIII, tạo cơ hội cho phát triển năng lượng tái tạo, điều quan trọng nhất lúc này là cần xây dựng cơ chế bình đẳng, công bằng, bảo đảm quyền lợi và chia sẻ rủi ro, lợi ích cho nhà đầu tư… Đây là những phát ngôn đáng chú ý của các chuyên gia trong tuần qua.

Nhà nước độc quyền lưới truyền tải và tính cơ chế gọi 134 tỷ USD đầu tư điện

"Nhà nước nên độc quyền cả đầu tư và vận hành lưới truyền tải xương sống"

Để giải bài toán thiếu điện, theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trước tiên phải biết nguyên nhân của thiếu điện là gì. Phải khẳng định nguyên nhân quan trọng nhất gây ra thiếu điện hiện nay là do hạn hán, nắng nóng dẫn đến nhu cầu điện tăng cao. Đây là yếu tố do thiên nhiên chứ không phải do con người.

Việc thiếu điện hiện nay có tính hệ thống, thiếu điện đã được cảnh báo nhưng lại không có hành động rõ ràng. Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp cao nhất, câu chuyện sẽ rất khó giải quyết. Cần có cơ chế để nhà đầu tư nhìn thấy thiếu điện là cơ hội đầu tư, cơ hội phát triển thay vì nhìn nó như một nút thắt, kìm hãm sự phát triển.

Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng nhất trong giải bài toán thiếu điện chính là nếu tiếp tục để EVN lỗ như hiện nay, duy trì mức giá bán điện thấp hơn giá mua thì ngân sách phải bù lỗ. ông Cũng cho rằng phải sòng phẳng như vậy. "Nếu không nhìn đúng bản chất, không sòng phẳng thì sẽ không giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, mọi quyết định lúc này không nằm trong thẩm quyền của EVN, nếu không muốn nói là đã vượt xa thẩm quyền và trách nhiệm của EVN", ông nói.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng điện là hàng hóa đặc biệt, sản xuất ra thì phải truyền tải đến nơi tiêu thụ. "Với tính chất của ngành điện, tôi cho rằng, đối với khâu truyền tải điện, Nhà nước nên độc quyền cả đầu tư và vận hành lưới truyền tải xương sống để đảm bảo tính liên tục, công bằng và an ninh năng lượng", ông Cung nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong điều kiện đầu tư của Nhà nước không thể bao quát được tất cả, mà tư nhân có điều kiện, thì cũng nên khuyến khích tư nhân bỏ tiền đầu tư truyền tải theo cách: Tư nhân đầu tư mạng lưới nhánh và Nhà nước có thể quản lý, trả phí cho tư nhân. Dù vậy, đối với từng trường hợp cụ thể, cần làm rõ đường dây mà doanh nghiệp đầu tư ảnh hưởng thế nào tới an toàn hệ thống điện quốc gia.

>>>Xem thêm: Đừng để nhà đầu tư thành 'con tin' của hệ thống truyền tải điện

"Muốn gọi vốn 'khủng' phải rõ cơ chế"

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính khẳng định, Quy hoạch điện VIII sẽ mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam. Đây cũng là điểm đột phá, tạo ra cú hích trong chuyển dịch năng lượng của đất nước.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng lưu ý, với kịch bản chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, áp lực tài chính sẽ lớn hơn nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển công suất nguồn điện của Việt Nam.

Ông Thịnh cho biết, để thực hiện Quy hoạch điện VIII, ước tính giai đoạn 2021-2030, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD, trung bình 13,5 tỷ USD/năm; giai đoạn 2031-2050, nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 - 523,1 tỷ USD. Đây là những khoản đầu tư rất lớn.

Quy hoạch điện VIII giảm thiểu điện than và ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, trong khi đó, đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo thì chi phí cao hơn, khả năng thu hồi vốn chậm hơn. Đây cũng là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong tiến trình thực hiện Quy hoạch.

Theo vị chuyên gia này, để tạo điều kiện phát triển Quy hoạch điện VIII, tạo cơ hội cho phát triển năng lượng tái tạo, điều quan trọng nhất lúc này là cần xây dựng cơ chế bình đẳng, công bằng, bảo đảm quyền lợi và chia sẻ rủi ro, lợi ích cho nhà đầu tư… "Nếu làm được như vậy, Việt Nam có thể huy động đủ nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, đồng thời tận dụng được những lợi thế về năng lượng tái tạo của Việt Nam, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội", ông nói.

>>>Xem thêm: Quy hoạch điện VIII: Muốn gọi vốn 'khủng' phải rõ cơ chế

"Quan trọng nhất đối với trái phiếu doanh nghiệp là xếp hạng tín nhiệm"

Để “hồi sinh” thị trường TPDN Việt Nam, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, Việt Nam gần như chưa có thị trường TPDN thực thụ, chủ yếu mang màu sắc đầu cơ, doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đảo nợ. Vì thế, để thị trường TPDN có nền tảng phát triển ổn định thì việc trước tiên cần làm là phải minh bạch, càng minh bạch thì rủi ro càng thấp.

Nhìn vào quá trình phát triển trái phiếu Chính phủ (TPCP) có thể rút ra bài học cho TPDN. Trước đây, TPCP chỉ có kỳ hạn 3 năm đến 5 năm, Thủ tướng khi đó đặt vấn đề làm sao có thị trường kỳ hạn dài 30 năm. Sau khi nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, thứ nhất cần rất minh bạch, lộ trình đâu ra đấy, minh bạch cả lộ trình trả nợ.

Thứ hai là hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài, các ngân hàng thương mại mua đi, bán lại thuận tiện, tức là có thị trường thứ cấp để tạo thanh khoản bất cứ lúc nào. Đến nay, TPCP đã có kỳ hạn 15-20 năm. Kỳ vọng thị trường TPDN cũng sẽ có lúc như vậy và khi đó, các nhà sản xuất, các tập đoàn xây dựng, thương mại lớn thực sự là trụ cột của thị trường.

Ngoài ra, nhìn vào các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ, có thể thấy cơ cấu vốn tín dụng chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng (chiếm tới 70% tổng tín dụng ngân hàng), trong đó có cả nhà ở. Còn phần vốn tín dụng ngân hàng dành cho doanh nghiệp, phương tiện vận tải công cộng là rất ít. Các doanh nghiệp chủ yếu huy động vốn trung, dài hạn qua kênh trái phiếu.

Vì vậy, muốn có sự chuyển động căn bản trong hoạt động phát hành TPDN và đi vào thực chất, Bộ Tài chính và NHNN cần mạnh dạn, quyết liệt hơn nữa trong việc áp dụng quy định giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo đúng lộ trình đã đề ra.

Tiếp đó là các chính sách liên quan đến TPDN phải được thực hiện nghiêm túc, giúp giảm rủi ro cho thị trường, nhà đầu tư. Ngoài ra, phải có thị trường TPDN thứ cấp để tăng tính thanh khoản của trái phiếu, để dù nhà đầu tư có mua trái phiếu 15 năm thì vẫn bán được bất cứ lúc nào.

Cuối cùng, với việc phát hành trái phiếu (dù là hiện nay hay nhiều năm sau), TS Lê Xuân Nghĩa vẫn thống nhất quan điểm là không cần tài sản đảm bảo và quan trọng nhất đối với TPDN là xếp hạng tín nhiệm. "Trung Quốc phát hành trái phiếu “Gấu trúc” ra toàn cầu, không cần tài sản bảo đảm nhưng dứt khoát phải có xếp hạng tín nhiệm và các nước Đông Âu mua loại trái phiếu này rất nhiều. Có thể nói rằng, kiểm soát minh bạch là đúng nhưng minh bạch đừng ràng buộc, đừng quá nặng về tài sản bảo đảm", ông Nghĩa nhấn mạnh.

>>>Xem thêm: Hồi sinh trái phiếu doanh nghiệp: 'Đừng nặng nề về TSBĐ, quan trọng là xếp hạng tín nhiệm'

"Toàn hệ thống ngân hàng đang phải chữa bệnh thừa tiền"

Tại cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng: "Chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ".

Ông Tú ví von, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa thì các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.

NHNN cho hay, đến ngày 29/8, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).

NHNN cũng cho biết trong 3 năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm. Thực tế doanh số cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế trong năm lớn hơn rất nhiều lần. Cụ thể, năm 2021 là 17,4 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 19,7 triệu tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 gần 10,2 triệu tỷ đồng.

Theo NHNN, thời gian qua, trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn đang tồn tại một số vấn đề đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tuy có dấu hiệu tăng chậm lại trong năm 2022 nhưng vẫn trong xu hướng tăng, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.

>>>Xem thêm: Tồn kho lớn, Phó thống đốc lo 'chữa bệnh thừa tiền' cho ngân hàng

"Việt – Mỹ sẽ tập trung tạo nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái bán dẫn"

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam trong vài ngày tới là một chuyến thăm rất đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Lần đầu tiên, cả Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ cùng thăm Việt Nam trong một nhiệm kỳ.

Chuyến thăm diễn ra đúng dịp kỷ niệm 10 năm hai nước xác lập Quan hệ Đối tác toàn diện. Đây cũng là sự tiếp nối truyền thống trong gần 30 năm quan hệ Việt Nam-Mỹ, đó là các đời Tổng thống Mỹ đương nhiệm đều thăm Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, chuyến thăm cho thấy hai bên đều rất coi trọng nhau trong chính sách đối ngoại của mình và trong chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nói riêng.

Thứ trưởng cho biết lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư chiếm ưu tiên cao trong quan hệ Việt Nam – Mỹ trong thời gian tới. Lĩnh vực này tiếp tục là trọng tâm, nền tảng, đồng thời là động lực cho hợp tác chung trong quan hệ hai nước.

Hai nước sẽ tập trung vào những lĩnh vực như hợp tác chuỗi cung ứng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, kinh tế xanh và phát triển công nghiệp chế tạo.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là lĩnh vực hợp tác mang tính đột phá. Hai nước sẽ tập trung vào việc tạo nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái bán dẫn, hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, y tế, dược phẩm cũng sẽ được chú trọng.

>>>Xem thêm: ‘Việt – Mỹ sẽ tập trung tạo nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái bán dẫn’

Tin mới lên