Những điều ít biết đằng sau thương hiệu Hải Phát Land

Ái Châu Tử - 05/04/2021 10:53 (GMT+7)

(VNF) – Hải Phát Land là một trong những thương hiệu phân phối bất động sản lớn nhất miền Bắc. Tuy nhiên, trong 13 năm lịch sử, “chiếc áo” Hải Phát Land không phải chỉ có 1 người mặc.

VNF
Đằng sau thương hiệu Hải Phát Land: Đâu mới là cuộc chơi của ông Vũ Kim Giang?

Ai mới là Hải Phát Land?

Năm 2008, sau giai đoạn tăng trưởng nóng, thị trường bất động sản Việt Nam đạt tới đỉnh cao rồi bất ngờ sụp đổ. Thời điểm đó, một công ty bất động sản đã được lập ra với tên gọi Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư PTS với vốn điều lệ 6 tỷ đồng.

Các cổ đông sáng lập gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HoSE: HPX) góp 3,6 tỷ đồng, tương đương 60%; Nguyễn Việt Phương góp 1,8 tỷ đồng, tương đương 30%, Phùng Quang Huy góp 600 triệu đồng, tương đương 10%. Chức vụ CEO kiêm người đại diện theo pháp luật được trao cho ông Nguyễn Việt Phương (sinh năm 1977).

Trải qua thời gian phát triển, Tư vấn và Đầu tư PTS được đổi tên thành Công ty Cổ phần Bất động sản Hải Phát. Cũng từ đây, thương hiệu Hải Phát Land được “gắn” cho công ty này. Cho tới năm 2016, Bất động sản Hải Phát vẫn trực thuộc Hải Phát Invest (với tỷ lệ sở hữu 70%).

Biến động lớn xảy ra vào năm 2017 khi Hải Phát Invest quyết định thoái sạch vốn khỏi Bất động sản Hải Phát. Kể từ đây, thương hiệu Hải Phát Land là “cuộc chơi” của ông Vũ Kim Giang.

Ông Vũ Kim Giang đã nổi danh từ lâu trên thị trường bất động sản với tư cách một doanh nhân thành đạt. Cuộc chơi địa ốc của doanh nhân Vũ Kim Giang không chỉ bó hẹp trong phạm vi của Bất động sản Hải Phát mà còn được mở rộng ra với danh mục lên tới hàng chục công ty (sẽ được đề cập ở bài sau).

Trở lại với Bất động sản Hải Phát, 2 năm sau khi Hải Phát Invest thoái vốn, ông Vũ Kim Giang cũng thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực khi nhường vị trí CEO cho ông Lại Quốc Thắng – vốn là “phó tướng” của mình.

Ông Thắng sinh năm 1984, cũng trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, nhiều năm liền là phó tổng giám đốc của Bất động sản Hải Phát. Ông Thắng làm CEO bắt đầu từ tháng 12/2019 và cũng từ thời điểm này, Công ty Bất động sản Hải Phát được đổi tên thành Công ty Cổ phần Kinh doanh bất động sản HP Land.

HP Land về bản chất là đơn vị kế tục Bất động sản Hải Phát, theo lẽ thường, phải được tiếp nhận thương hiệu “Hải Phát Land”. Tuy nhiên, kể từ khi đổi tên, HP Land lại rất ít khi được nhắc tới trên thương trường. Trong bối cảnh đó, thương hiệu “Hải Phát Land” đã được âm thầm chuyển sang cho một pháp nhân mới toanh: Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Hải Phát.

Đây là doanh nghiệp do Hải Phát Invest quyết định lập ra vào tháng 12/2018. Tới tháng 3/2019, Hải Phát Invest đã tăng vốn cho công ty này từ 100 tỷ đồng lên 710 tỷ đồng, trong đó Hải Phát Invest góp 680 tỷ đồng, bằng 95,775%. Tuy nhiên tới ngày cuối cùng của năm 2020, Hải Phát Invest đã bán 20% vốn, tương đương 14,2 triệu cổ phần, cho một doanh nghiệp khác, hạ tỷ lệ sở hữu xuống 75,775%.

Tại Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Hải Phát, vai trò của ông Vũ Kim Giang vẫn rất nổi bật. Ông hiện là tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty này. Một nguồn tin của VietnamFinance cho thấy ông Vũ Kim Giang từng nắm 25% cổ phần của Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Hải Phát cùng với ông Phạm Văn Định (nắm 5%).

Tính hết năm 2019, Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Hải Phát có tổng tài sản 974 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 860 tỷ đồng, là một doanh nghiệp có vai vế trên thị trường miền Bắc.

“Người cũ”, “người mới” của ông Vũ Kim Giang làm ăn ra sao?

Quá trình chuyển giao thương hiệu “Hải Phát Land” từ Bất động sản Hải Phát (HP Land) sang Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Hải Phát được cho là diễn ra vào cuối năm 2018. Khi đó, khoảng 2.000 nhân viên của Bất động sản Hải Phát được thông báo sẽ chuyển sang làm việc tại pháp nhân mới mà không có giải thích cụ thể, cũng rất ít thông tin về việc chuyển giao được công ty bố cáo với thị trường.

Nhìn lại “người cũ” HP Land, có thể thấy công ty này làm ăn khá tốt trong giai đoạn 2016 – 2018 trước khi “đuối dần” vào năm 2019.

Cụ thể, về doanh thu, HP Land có sự tốc độ tăng trưởng cực nhanh, từ 33,6 tỷ đồng (năm 2016) tăng gấp đôi lên 78,9 tỷ đồng (năm 2017) rồi tăng gấp 4 lần lên 334 tỷ đồng năm 2018 và tiếp tục tăng gần gấp đôi lên 635,7 tỷ đồng (năm 2019). Tính chung 4 năm, doanh thu của HP Land đã tăng tới… 19 lần!

Tổng tài sản của HP Land cũng tăng mạnh, từ 332,5 tỷ đồng (2016) lên 933 tỷ đồng (2019). Nguyên nhân chủ yếu là nợ phải trả tăng từ 196 tỷ đồng (2016) lên 544 tỷ đồng (2019).

Đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Hải Phát, dù không có doanh thu khủng như HP Land song lợi nhuận lại rất đáng nể. Tính riêng năm 2019, doanh thu của công ty đạt 370 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 167 tỷ đồng. Với thêm 55 tỷ đồng doanh thu tài chính, lợi nhuận trước thuế của công ty đã cán mốc 188 tỷ đồng (sau thuế là 150 tỷ đồng).

Dòng tiền kinh doanh dương 23 tỷ đồng, dòng tiền tài chính dương 710 tỷ đồng cho thấy chất lượng kinh doanh khá tốt và sự cân đối tài chính được đảm bảo.

Cùng chuyên mục
Tin khác