Tài chính quốc tế

Những nội dung sơ bộ của thỏa thuận thương mại Anh - EU

Dưới đây là một số nội dung trong thỏa thuận dài 2.000 trang vẫn chưa được các bên công bố đầy đủ.

Những nội dung sơ bộ của thỏa thuận thương mại Anh - EU

Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (phải) tại cuộc gặp ở London, Anh, ngày 8/1/2020. Ảnh: AFP

Sau gần 10 tháng đàm phán nhiều trắc trở, Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh ngày 24/12 đã đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit (chỉ việc Anh rời EU) để điều chỉnh các mối quan hệ khi quốc đảo này rời khỏi thị trường chung châu Âu.

Dưới đây là một số nội dung trong thỏa thuận dài 2.000 trang vẫn chưa được các bên công bố đầy đủ, bao gồm các lĩnh vực từ đánh bắt cá đến vấn đề cạnh tranh kể từ sau ngày 31/12/2020.

Thuế quan

Việc đạt được một thỏa thuận đồng nghĩa là hàng hóa của Anh và EU sẽ không bị áp thuế quan hoặc hạn ngạch trong hoạt động giao thương song phương.

Hàng xuất khẩu của Anh vẫn phải tuân thủ các tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn của EU. Ngoài ra, các nhà sản xuất Anh cũng phải đáp ứng những quy tắc quản lý các sản phẩm có một phần xuất xứ bên ngoài EU hoặc nước Anh.

London nhấn mạnh việc không có thuế quan là một điểm cộng của thỏa thuận. Song giới quan sát cho rằng điều này chỉ đơn giản giúp duy trì một phần lợi ích mà nước Anh đã được hưởng khi còn tư cách là thành viên của khối.

Vấn đề đánh bắt cá

Việc ngư dân EU liệu có thể tiếp cận vùng nước nhiều nguồn lợi hải sản thuộc Anh trong tương lai là một trong những vấn đề gai góc nhất của quá trình đàm phán và cũng rất nhạy cảm về mặt chính trị. Đây cũng là mảnh ghép cuối cùng được giải quyết ngay trước khi thỏa thuận được công bố.

Chính phủ Anh khẳng định họ muốn giành lại toàn quyền kiểm soát vùng biển của mình, trong khi các quốc gia ven biển EU tìm cách đảm bảo các đội tàu của họ có thể tiếp tục đánh bắt trong vùng biển của Vương quốc Anh.

Cuối cùng, hai bên đã đạt được một thỏa hiệp sau nhiều tranh cãi gay gắt. Theo thỏa thuận, các tàu khai thác của EU sẽ dần từ bỏ 25% hạn ngạch hiện tại của mình trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 5 năm rưỡi. Sau đó, hai bên sẽ có các cuộc đàm phán hàng năm về lượng cá mà các tàu của EU có thể đánh bắt từ vùng biển của Anh. Nếu không hài lòng, Brussels có thể áp đặt các biện pháp kinh tế chống lại nước Anh.

Cạnh tranh bình đẳng

Một trở ngại lớn khác trong quá trình đàm phán là các quy định về "sân chơi bình đẳng" mà EU kiên quyết áp dụng. Những quy định này để ngăn các công ty Anh có lợi thế hơn các đối thủ châu Âu nếu London hạ thấp tiêu chuẩn hoặc trợ cấp cho các ngành công nghiệp trong tương lai.

Vương quốc Anh đã nỗ lực để tránh một hệ thống trong đó Brussels có thể buộc London tuân theo các quy tắc của khối về các vấn đề như quy định môi trường, lao động và viện trợ của nhà nước.

Nhưng Chính phủ Anh thừa nhận thỏa thuận cho phép một trong hai bên áp đặt các biện pháp đối phó nếu họ tin rằng mình đang chịu thiệt hại theo phán quyết của trọng tài.

Thủ tục hải quan

Vương quốc Anh sẽ rời khỏi liên minh thuế quan cùng với thị trường chung châu Âu vào cuối năm nay, đồng nghĩa là các doanh nghiệp phải đối mặt với những yêu cầu mới đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua Eo biển Manche.

Theo London, thỏa thuận cho phép công nhận các chương trình "thương nhân đáng tin cậy", từ đó có thể giúp cắt giảm các thủ tục hành chính của cả hai bên. Song hiện vẫn chưa rõ chính sách này có thể được áp dụng rộng rãi đến mức nào.

Những “thay đổi lớn” khác

Dù đã đạt được một thỏa thuận, cả hai bên đều cảnh báo rằng sẽ còn "những thay đổi lớn" khác diễn ra từ ngày 1/1/2021 đối với người dân và doanh nghiệp trên khắp châu Âu.

Brussels cho biết việc tự do di chuyển của con người, hàng hóa, dịch vụ và vốn giữa Vương quốc Anh và EU sẽ chấm dứt. Khối này và nước Anh sẽ hình thành hai thị trường, hai không gian pháp lý và quản lý riêng biệt. Điều này sẽ tạo ra các rào cản đối với hoạt động thương mại hàng hóa và dịch vụ, cũng như sự di chuyển và trao đổi xuyên biên giới mới ở cả hai bên./.

 

Tin mới lên