'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Bất động sản Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Hàn Quốc
Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1990 và nhanh chóng trở thành nhà đầu tư nước ngoài có vị thế quan trọng. Đặc biệt, trong 6 -7 năm trở lại đây, vốn đầu tư từ Hàn Quốc chảy vào ồ ạt, khiến quốc gia này bứt phá thành nhà đầu tư nước ngoài số một của Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, luỹ kế đến tháng 5/2023, Hàn Quốc có tổng cộng 9.666 dự án tại nước ta với tổng mức đầu tư gần 81,6 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư. Đó là chưa kể Hàn Quốc vẫn còn hàng chục dự án khác đang trong trạng thái chờ, trong đó có những dự án lên tới hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD.
Nổi bật trong cuộc chơi của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam là lĩnh vực bất động sản. Từ năm 2018 trở đi, tỷ trọng đầu tư bất động sản trên tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam ngày càng lớn, đạt đến 13% vào cuối năm 2021. Tờ Newdaily của Hàn Quốc đầu 2023 cũng đưa thông tin rằng, một trong những thị trường bất động sản nước ngoài mà các công ty xây dựng Hàn Quốc đã “chấm” trong năm nay là Việt Nam.
Lý giải sức hấp dẫn của bất động sản Việt Nam đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc, đại diện Savills cho biết, thị trường bất động sản Hàn Quốc hiện có dấu hiệu quá nóng, do đó chính phủ nước này đã thực hiện nhiều quy định mới để hạn chế đầu cơ và tăng giá.
Ví dụ như chính phủ áp thuế lên lợi nhuận chuyển nhượng bất động sản đối với chủ sở hữu nhiều căn nhà cũng như các loại thuế liên quan đến tài sản khác. Với nhiều quy định thắt chặt như vậy, các nhà đầu tư địa ốc Hàn Quốc buộc phải tìm các thị trường thay thế. Trong số đó, Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu.
“Sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam còn được giải thích bởi một số yếu tố như giá bán hấp dẫn, tiềm năng lợi nhuận cao. Hơn nữa, giá căn hộ tại TP. HCM và Hà Nội nhìn chung vẫn thấp hơn so với các các thành phố trung tâm trong khu vực như Kuala Lumpur (Malaysia) và Bangkok (Thái Lan), mặc dù tốc độ tăng trưởng mạnh hơn nhiều”, đại diện Savills cho hay.
Dựa trên kinh nghiệm tại Hàn Quốc, các “ông lớn” của xứ sở kim chi có xu hướng đầu tư vào các dự án khu đô thị mới, khu đô thị thông minh tại Việt Nam mà những cái tên điển hình là: Keangnam, Daewoo, Lotte, GS...
Daewoo – kẻ tiên phong
Daewoo là một trong những thương hiệu lớn của Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam từ khá sớm, không lâu sau khi Việt Nam mở cửa hội nhập. Dự án phát triển bất động sản quy mô lớn đầu tiên của Daewoo tại Việt Nam là dự án tại Bắc Hà Nội. Trước khi quan hệ ngoại giao được tái thiết lập giữa hai nước, Daewoo đã thành lập một công ty con tại Việt Nam.
Với những thành công từ khu công nghiệp Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội), khách sạn Daewoo Hanoi, Tập đoàn Daewoo đã đầu tư nghiên cứu, đề xuất với Hà Nội bản quy hoạch thành phố mới quy mô 7.500ha, tiếp nhận 1 triệu dân vào năm 2040 với kinh phí “khổng lồ”, ước tính 30-40 tỷ USD.
Thế nhưng, thời điểm khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra, bản thân Tập đoàn Daewoo cũng gặp rắc rối nên dự án cho dù được phê duyệt vẫn không thể thực hiện được. Tuy vậy, nội dung dự án cũng đã được ghép vào bản quy hoạch tổng thế của Hà Nội.
Sau một thời gian dài, một phần của kế hoạch Bắc Hà Nội được phát triển bởi Daewoo E&C với dự án khu đô thị mới Starlake Tây Hồ Tây. Ngược về thời điểm những năm 2006, khi Starlake Hà Nội của Daewoo E&C được cấp phép đầu tư, kế hoạch là dự án sẽ động thổ vào dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010). Nhưng sự thực tới năm 2012 dự án mới được khởi động và đầu năm 2014 mới chính thức khởi công xây dựng.
Starlake có diện tích 186ha, tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD do Công ty TNHH Phát triển THT, thuộc sở hữu của Daewoo E&C, làm chủ đầu tư. Đây cũng là lần đầu Hàn Quốc “xuất khẩu” một dự án khu đô thị mới mang phong cách Hàn Quốc mà chủ đầu tư đảm nhiệm toàn bộ từ quy hoạch đến thi công, xây dựng và sau này là quản lý.
Dự án này đã hoàn thiện giai đoạn đầu với 603 căn hộ cao cấp, bao gồm các sản phẩm liền kề, biệt thự và shophouse. Các căn hộ này được xây dựng trên diện tích 114,8ha và bàn giao cho khách hàng vào năm 2020. Đại sứ quán Hàn Quốc cũng đã chuyển đến khu đô thị mới Starlake vào năm 2019.
Trước Starlake, Daewoo E&C là chủ đầu tư công trình Daeha Business Center (Kim Mã), và là tổng thầu dự án Daewoo - Cleve (Văn Phú, Hà Đông). Sau loạt dự án tiềm năng tại phía bắc, vào năm 2021, Daewoo E&C bắt tay với Tập đoàn Tân Á Đại Thành để cùng xây dựng khu phố Hàn Quốc Meyhomes Capital Phú Quốc, cho thấy tham vọng mở rộng của nhà đầu tư này ở Việt Nam.
Đáng chú ý, sau khi mua lại Tập đoàn Jungheung, Daewoo E&C tiếp tục cho thấy nỗ lực mở rộng thị trường khi tìm kiếm các dự án ở khu vực phía nam và TP. HCM. Chưa dừng lại, đầu năm 2022, nhà phát triển này đã nghiên cứu đầu tư tại Hải Dương. Qua đó, Daewoo mong muốn được tham gia phát triển khu công nghiệp Gia Lộc theo hướng tích hợp với đô thị, sau khi đã tìm hiểu 6 khu công nghiệp đang xây dựng tại Hải Dương.
Lotte: Dốc 5 tỷ USD cho cuộc chơi địa ốc Việt
Đi lên từ sản xuất tại Nhật Bản và Hàn Quốc, Tập đoàn Lotte tạo thặng dư lớn rồi tiến vào lĩnh vực bất động sản. Công thức này được tập đoàn mang sang Việt Nam với việc khởi đầu bằng bán gà rán, thức ăn nhanh.
Chủ tịch Lotte - ông Shin Dong-bin cho biết tập đoàn này bắt đầu vào Việt Nam từ năm 1996, với việc mở các trung tâm thương mại và siêu thị, sau đó mở rộng sang các lĩnh vực khác như khách sạn, rạp chiếu phim. Cho đến nay, Lotte đã có 19 công ty thành viên ở Việt Nam.
Dự án Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm vừa được động thổ vào tháng 9/2022, là dự án bất động sản tầm vóc bậc nhất của Lotte tại Việt Nam. Với diện tích đất 50.000m2 tại Thủ Thiêm (TP. HCM), dự án có tổng cộng 11 tòa nhà cao 10 - 50 tầng, gồm các loại hình như khách sạn, nhà ở và căn hộ, tạo ra tổng diện tích sàn khoảng 680.000m2.
Nhưng trước khi bắt đầu “siêu phẩm” nêu trên, Lotte E&C cũng đã có nhiều công trình tiêu biểu như: tòa nhà 65 tầng Lotte Center Hanoi và Lotte Mall Hanoi, đồng thời mua lại Legend Hotel Saigon và Diamond Plaza. Năm 2019 Lotte E&C đã thành lập công ty phát triển Lotte Land.
Cũng trong năm này, Novaland chính thức ký kết hợp tác chiến lược với Lotte E&C. Theo đó, Lotte E&C trở thành nhà thầu thi công chính cho 3 dự án căn hộ cao cấp do Novaland phát triển, nổi bật là tổ hợp căn hộ - thương mại dịch vụ hạng sang The Grand Manhattan (100 Cô Giang – Cô Bắc, trung tâm quận 1)
Thông tin cho biết, Lotte đã dốc khoảng 5 tỷ USD vào Việt Nam. Nhưng có lẽ, con số sẽ không dừng lại ở đó. Bởi lẽ, khi sang Việt Nam dự lễ khởi động dự án Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm hồi năm ngoái, ông Shin Dong-bin cho biết, dự án này đã đánh dấu “điểm khởi đầu” cho chuỗi mở rộng đầu tư sắp tới của Tập đoàn Lotte tại Việt Nam.
Landmark 72 tầng – dự án để đời của Keangnam
Là một gã “khổng lồ” của Hàn Quốc, năm 2007, Keangnam đã trở nên nổi tiếng toàn Việt Nam khi khởi công tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower 72 tầng - tòa nhà cao nhất Việt Nam khi đó (kỷ lục này tồn tại đến năm 2018).
Landmark 72 là tổ hợp văn phòng, khách sạn, căn hộ dịch vụ và trung tâm thương mại có tổng vốn đầu tư 1,05 tỷ USD. Trong đó, phần lớn là diện tích văn phòng (tầng 12 - 46) với tổng diện tích mặt sàn lên tới 95.000m2. Đây cũng là dự án lớn nhất của công ty Hàn Quốc tại Việt Nam lúc bấy giờ.
Sự kỳ vọng lớn của Keangnam với toà nhà cao nhất Việt Nam thể hiện khá rõ trong một vụ cá cược để đời của tập đoàn này. Cụ thể, năm 2008, dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower đã gây xôn xao dư luận khi cam kết hoàn thành các toà tháp trước dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nếu không sẽ chịu mất 100 tỷ đồng. Chủ đầu tư cũng cho hay, trong trường hợp bị phạt vì không đúng tiến độ, toàn bộ số tiền sẽ được dùng cho mục đích từ thiện.
Nói thêm về việc bán cán căn hộ tại cao ốc Keangnam, năm 2008, bắt đúng đỉnh của cơn sốt bất động sản Việt Nam, giá căn hộ tại đây được rao bán ở mức cao kỷ lục, khoảng 3.000 USD/m2, tương đương giá căn hộ lên tới 7-8 tỷ đồng/căn.
Keangnam được cho là đã thu về 3.500 tỷ đồng từ việc bán căn hộ. Tuy nhiên do những sai phạm liên quan tới hành vi chuyển giá, năm 2013, Keangnam đã bị truy thu 95,2 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp cho mảng kinh doanh bán căn hộ này.
Được thành lập từ năm 1951, Keangnam Enterprise là một công ty xây dựng, nằm trong danh sách 20 công ty lớn nhất Hàn Quốc. Tháng 2/1973, Keangnam trở thành doanh nghiệp xây dựng đầu tiên được niêm yết trên sàn chứng khoán Hàn Quốc. Đây cũng là công ty xây dựng đầu tiên của Hàn Quốc tiến ra thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, Tập đoàn Keangnam đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sau bê bối tham nhũng và hành động tự sát của vị chủ tịch Sung Wan Jong vào tháng 5/2015. Ngay sau đó, thông tin về việc toà án Hàn Quốc rao bán toà nhà Keangnam Hanoi Landmark cao 72 tầng tại Việt Nam với mức giá gần 800 triệu USD tràn ngập trên khắp các trang báo. Đến đầu 2016, AON Holdings của Hàn Quốc đã trở thành chủ nhân của tòa nhà cao nhất Việt Nam, tính đến thời điểm mua.
Sự đổ vỡ của “đế chế” Keangnam là điều đáng tiếc không chỉ đối với đối với các nhà đầu tư, đối tác mà còn đối với cả nền kinh tế Hàn Quốc thậm chí là nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
GS E&C và quỹ đất khủng tại Việt Nam
GS E&C là một trong những nhà đầu tư đa lĩnh vực lớn nhất ở Hàn Quốc. Được thành lập vào năm 1969, công ty xây dựng GS E&C đã trải qua hơn năm thập kỷ phát triển. Doanh nghiệp này có 28 công ty chi nhánh và văn phòng đại diện tại 27 quốc gia ở châu u, Bắc Mĩ, châu Á và châu Phi.
Gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2004, tập đoàn đến từ Hàn Quốc thành lập Công ty GS E&C Việt Nam có 2 trụ sở chính tại Hà Nội và TP. HCM. Thương hiệu danh tiếng này đã tạo được dấu ấn thông qua những dự án có giá trị đầu tư khủng như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến metro số 1 – Bến Thành – Suối Tiên, cầu Vàm Cống và nhiều công trình hạ tầng khác.
Việc đặt dấu chân đầu tiên vào Việt Nam thông qua vào các dự án xây dựng hạ tầng là bước đệm để nhà đầu tư ngoại này gia nhập vào thị trường bất động sản hạng sang. Năm 2007, sau một thời gian nghiên cứu đánh giá tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam, GS E&C đã quyết định thành lập thương hiệu con VGSI (Vietnam GS Industry) và VGSE (Việt Nam GS Enterprise) - vốn 100% đầu tư nước ngoài. Công ty này sở hữu quỹ đất lớn lên đến hàng trăm ha ở TP. HCM tại các vị trí chiến lược ở khu đông và khu nam hay quỹ đất kim cương tại Thủ Thiêm.
VGSI hiện đang tiến hành dự án khu đô thị Zeitgeist rộng 349ha tại Nhà Bè, TP. HCM. Quy mô dự án gồm 770 biệt thự và hơn 16.000 căn hộ, là khu đô thị lớn thứ hai của khu Nam Sài Gòn sau Phú Mỹ Hưng. Khởi công từ cuối năm 2019, đến nay nhiều sản phẩm tại các phân khu của dự án đã hoàn thành, bàn giao cho khách hàng. Tuy nhiên, suốt chục năm qua, việc định giá đất tại dự án này vẫn chưa xong.
Trong khi đó, VGSE được biết đến là nhà phát triển bất động sản tiêu chuẩn quốc tế với các dự án như: Xi Riverview Palace (TP. Thủ Đức); dự án phức hợp cao cấp Thủ Thiêm Zeit (khu đô thị mới Thủ Thiêm - TP. Thủ Đức); đô thị mới Zeit Long Bình (TP. Thủ Đức)...
Nhìn vào những “ông lớn” Hàn Quốc đang tham gia thị trường bất động sản tại Việt Nam có thể thấy TP. HCM hiện là địa bàn được Lotte E&C và GS E&C đang triển khai dự án phát triển khu đô thị mới, và sự cạnh tranh sẽ còn khốc liệt hơn nữa khi Daewoo E&C cũng tham gia vào khu vực này.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.